CCTV, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho rằng Apple không dành cho khách hàng Trung Quốc dịch vụ hậu mãi tương tự các thị trường khác.
Trong chương trình điều tra đặc biệt “3.15” phát sóng tối hôm 15/3, CCTV chỉ ra các hành vi sai sót của Apple tại thị trường này. Theo CCTV, người dùng Trung Quốc không nhận được dịch vụ hậu mãi tương tự các thị trường khác từ Apple. Phần đầu chương trình, CCTV cáo buộc Apple “lừa bịp” khách hàng. Khi mang iPhone đi sửa chữa, Apple gợi ý thay thế điện thoại thay vì sửa chữa từng phần riêng biệt.
Một cửa hàng Apple Store tại Thượng Hải. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, chiếc điện thoại thay thế lại không phải là hàng mới mà là hàng refurbished (hàng cũ được tân trang lại) với nắp lưng cũ (phần kim loại màu đen/trắng sau máy). Một nhân viên Apple cho biết, nắp lưng là phần độc lập và nếu muốn thay mới phải trả thêm 92 USD. Theo CCTV, hành vi này không tồn tại ở Mỹ hay châu Âu và do đó đây là hành vi chống lại người tiêu dùng Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chính sách trả và sửa chữa của Apple cũng vi phạm quy định của Trung Quốc. Đầu tiên, nhà bán lẻ phải mở lại thời gian bảo hành đầy đủ sau khi thiết bị được sửa chữa. Ví dụ, nếu điện thoại hỏng trong vòng 90 ngày bảo hành và mang đi sửa, thời hạn 90 ngày sẽ được gia hạn lại tính từ ngày bạn nhận được điện thoại sửa chữa song Apple không làm điều này. Apple chỉ bảo hành iPad 1 năm dù luật Trung Quốc quy định nhiều phần của sản phẩm được bảo hành 2 năm.
Trong phát ngôn chính thức sau chương trình “3.15”, Apple tuyên bố: “Chúng tôi luôn cố gắng phấn đấu để vượt qua mọi mong đợi từ khách hàng và sẽ xem xét một cách nghiêm túc mọi lo lắng của khách hàng”.
Đối với Apple, Trung Quốc không chỉ là cơ sở sản xuất chính với hàng loạt sản phẩm như iPhone, iPad đều được lắp ráp tại nhà máy Foxconn mà còn là nơi “nạp điện” tăng trưởng cho hãng do tỉ lệ sử dụng smartphone tại các nước phát triển đã bão hòa. Tổng Giám đốc Tim Cook đánh giá nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là địa bàn vô cùng quan trọng, luôn nhắc riêng tới Trung Quốc trong mọi báo cáo kết quả kinh doanh quý. Năm 2012, doanh số Apple tại Trung Quốc đạt 6,8 tỉ USD, tăng từ 4 tỉ USD của năm 2011. Vì thế, những gì “3.15” đề cập chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh “táo khuyết” trong mắt người dân đại lục, đặc biệt Foxconn - đối tác lớn của hãng - trước đó luôn bị chỉ trích vì đối xử với công nhân tàn tệ.
Chỉ trong vòng 1 giờ sau khi phát sóng, Apple đã bị nhắc tới 50.000 lần trên “Twitter của Trung Quốc” - Weibo với đa số ý kiến tiêu cực. Người dùng Vivian viết: “Tại sao Apple đối xử với khách hàng Trung Quốc như thế? Đó là một hành động bắt nạt, hạ thấp người Trung Quốc”. Thậm chí, một số người còn kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Apple.
“3.15” - Một trong những chương trình có tỉ lệ xem cao nhất Trung Quốc - đã kể tên và làm “xấu mặt” nhiều tên tuổi lớn của phương Tây, buộc họ phải xin lỗi cũng như khiến doanh số và giá cổ phiếu sụt giảm. Các đối tượng từng lọt vào tầm ngắm của “3.15” là "gã khổng lồ fast-food" McDonald, chuỗi bán lẻ Wal-Mart…