Aarib Patzer sống trong một căn hộ chung cư rộng vỏn vẹn 54 m2 với một phòng ngủ, một chiếc ghế sô-pha đã cũ và một chiếc TV ở thành phố Pola Alto, California, Mỹ. Đôi giày da màu nâu mà anh chàng 39 tuổi này ưa thích đã cũ mèm, và mỗi lần cắt tóc của anh chỉ tiêu tốn 12 USD.
CEO Facebook, Mark Zuckerberg (giữa) thường được bắt gặp với trang phục bình dân.
Giản dị hơn, anh chàng xuất hiện trong câu chuyện đăng trên tờ Los Angeles Times này từng sử dụng Ford Contour 1996 cho tới khi công-tơ mét chỉ 150.000 dặm và chiếc xe được đưa thẳng ra bãi rác. Chiếc xe mới của anh là một chiếc Subaru Outback giá 29.000 USD.
Thế nhưng, vào năm 2009 khi mới 30 tuổi, Patzer đã bán lại công ty công nghệ Mint.com của mình với giá 170 triệu USD. Hiện anh là một gương mặt trong ban lãnh đạo của Intuit Inc, một công ty phần mềm tài chính.
Theo tờ Los Angeles Times, với chỉ một vài ngoại lệ, nhiều ngôi sao trẻ đang lên ở thung lũng Silicon giờ đang từ chối những gì vốn được coi là biểu tượng truyền thống của địa vị, như siêu xe, du thuyền hay dinh thự sang trọng. Thay vào đó, để khẳng định bản thân, họ dùng tài sản của mình cho những mục đích xã hội và những dự án kinh doanh mới.
“Sự giàu có cần một mục đích lớn hơn là những căn nhà to hay những chiếc xe sang”, Patzer nói.
Ở độ tuổi 27, Dustin Moskovitz là một trong những tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới, theo xếp hạng của tạp chí Forbes. Anh ra đời chỉ 8 ngày sau người bạn cùng phòng ký túc xá Havard, Mark Zuckerberg, người đã cùng anh sáng lập nên mạng xã hội ảo Facebook.
Moskovizt có đủ tiền để mua bất kỳ căn nhà nào anh muốn, nhưng anh chọn sống trong một căn hộ khiêm tốn ở San Francisco. Hàng ngày, anh đạp xe đến chỗ làm là công ty nhỏ mà anh mới thành lập có tên Asana, chuyên về phần mềm quản lý doanh nghiệp. Anh sở hữu một chiếc Volkswagen R32 nhưng thường xếp trong gara.
Moskovitz cho hay, anh thường đi máy bay vé hạng thường và dùng tài sản kếch xù của mình cho một quỹ từ thiện mà anh đứng ra thành lập. Cũng giống như người bạn Zuckerberg, Moskovitz đã cam kết sẽ chi phần lớn tài sản mà anh có cho sự nghiệp từ thiện. “Tài sản không thể đem đến hạnh phúc. Tôi đã hình dung ra việc mình sở hữu những thứ đắt tiền, nhưng nhanh chóng đi đến kết luận rằng, tôi sẽ chẳng có một cuộc sống giàu ý nghĩa hơn nhờ chúng”, anh nói.
Zuckerberg là một tỷ phú khác có lối sống bình dân. Đã nhiều năm, anh “chung thủy” với một căn hộ chung cư nhỏ, đệm trải ngay trên sàn nhà và kết nối Internet bằng đường dial-up. Mới đây, anh bỏ tiền mua căn nhà đầu tiên ở Palo Alto với giá 7 triệu USD, bằng một phần rất nhỏ so với khối tài sản mà anh sở hữu.
Tự nhận mình là một người theo trường phái tối giản và tiết chế ham muốn, Zuckerberg lái một chiếc Acura giản dị. Nhưng không thể nhắc đến một việc mà anh đã làm năm ngoái, là tài trợ 100 triệu USD để nâng cấp hệ thống trường công ở Newark, bang New Jersey, nơi có một trong những hệ thống trường học tệ hại nhất ở nước Mỹ.
Nhiều người hoài nghi rằng, đây biết đâu chỉ là một chiêu đánh bóng tên tuổi của các “đại gia” trẻ trong làng công nghệ, rằng họ là những người hiểu cách lấy lòng dư luận, nhất là vào thời buổi kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Alice Markwick, người làm việc cho Microsoft và Đại học New York, lối sống bình dị của các tỷ phú, triệu phú trẻ trong làng công nghệ Mỹ không phải là lớp vỏ. Theo bà Markwick, không phải thế hệ doanh nhân công nghệ trẻ tuổi này không muốn tìm kiếm địa vị, mà chẳng qua họ tìm kiếm địa vị theo một cách khác.
“Đây không phải là những người đề cao vẻ bề ngoài, tài sản hữu hình hay một thân hình nóng bỏng. Đó không phải là những cách mà họ phân biệt giữa đẳng cấp cao và đẳng cấp thấp. Các tỷ phú, triệu phú không thích tụ tập với những người nổi tiếng hay mua xe sang. Họ chỉ thích đi du lịch tới những nơi xa như Thái Lan hay rót vốn thành lập một công ty mới. Những công việc này cũng tốn kém chẳng thua những thú ăn chơi xa xỉ, nhưng lại là cách làm giàu cho trí tuệ”, bà Marwick phát biểu.
Thêm vào đó, các tỷ phú, triệu phú công nghệ thường là nam giới. “Việc lo lắng tới vẻ bề ngoài, mua sắm hay trang hoàng nhà cửa là những giá trị thuộc về nữ giới. Các tỷ phú, triệu phú công nghệ xem những cách tiêu tiền kiểu đó là vô bổ”, bà Markwick nói thêm.
Ở Silicon Valley, thành công của một doanh nhân được đo đếm bằng những gì mà họ gây dựng được, thay vì những gì họ mua được.
“Anh không cần phải có một chiếc Aston Martin. Quan trọng hơn, anh phải có tự do và độc lập để xây dựng một thứ gì đó cho công chúng số đông”, anh Drew Houston, vị Giám đốc kiêm đồng sáng lập 28 tuổi của trang chia sẻ hình ảnh, video và tài liệu Dropbox, phát biểu. Trang này hiện có 25 triệu người sử dụng trên toàn thế giới.
Nhưng sự giàu có luôn mang đến cho người sở hữu những đặc ân. Chiếc TV của Patzer đã rất cũ, nhưng anh lại dám chi 25.000 USD để cùng bạn bè đi nghỉ 1 tuần ở British Virgin Islands nhân dịp sinh nhật lần thứ 30. Anh cũng đang đầu tư cho cậu em trai học lấy bằng về công nghệ thông tin.
Ở tuổi 31, Sean Parker là một bàn tay quyền lực phía sau các trang Napster và Facebook. Trong tủ quần áo của Parker có rất nhiều bộ vest hiệu Tom Ford, anh đi vòng quanh thế giới bằng máy bay phản lực riêng, và được cho là từng chi 13.000 USD cho một bữa tối. Anh có một chiếc xe thể thao chạy điện hiệu Tesla giá 100.000 USD ở Los Angeles và một chiếc Audi S5 ở San Francisco, đồng thời sở hữu một căn nhà trị giá 20 triệu USD ở New York.
Nhưng Parker cũng là người đồng sáng lập mạng xã hội Causes nhằm khuyến khích mọi người ủng hộ số tiền lên tới hàng triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận. Anh cho biết, đó là cách anh cho đi những gì mình có.
“Trong một vài trường hợp, có thể thấy là các doanh nhân công nghệ trẻ đang lãng phí. Không có gì là sai khi họ tiêu tiền do mình làm ra. Nhưng xu hướng chung là họ đang trở nên sáng suốt và tiết kiệm hơn”, nhà đầu tư công nghệ Dave McClure, một người từng làm trong PayPal, nhận xét.
Trường hợp điển hình nhất là triệu phú Joe Greenstein, người mới đây bán công ty Flixster của mình cho Time Warner lấy 80 triệu USD. Greenstein cho biết, số tiền này chẳng tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào cho cuộc đời anh. Triệu phú 33 tuổi này vẫn sống trong căn hộ đi thuê với giá 1.000 USD/tháng trong suốt 10 năm qua.
Greenstein cảm thấy mình may mắn vì không phải lo lắng mỗi khi đối diện với các hóa đơn và cũng không phải lo mất việc, và anh làm những gì mình cảm thấy yêu thích mỗi ngày. “Tôi không cảm thấy là mình đang hy sinh. Có lẽ tôi sẽ cảm thấy tội lỗi nếu không hy sinh đủ”, anh nói.
Vào những năm bong bóng công nghệ hồi thập niên 1990, quan điểm như những gì Greenstein nghĩ không phải là một trào lưu. Các triệu phú phất nhanh thời đó thường mua xe Lamborghini, và dỡ bỏ những căn nhà cũ để xây nhà mới, hoành tráng hơn. Những doanh nhân trẻ ngày nay từng chứng kiến thời kỳ sụp đổ của bong bóng công nghệ khi đó cho biết, họ đã học được nhiều điều.
Kevin Hartz, 41 tuổi, người sáng lập kiêm CEO của hãng bán vẽ trực tuyến Eventbrite, cho biết, ngày nay, các doanh nhân công nghệ khôn ngoan hơn trong việc kiểm soát công việc và cuộc sống của mình. “Sẽ thật là mâu thuẫn nếu tôi cứ săm soi từng đồng xu ở công ty, để rồi sau đó rút 5.000 USD để mua một chai rượu vang”, Hartz nói.
Theo giáo sư kinh tế học Edward Wolff thuộc Đại học New York, một lý do khiến nhiều doanh nhân công nghệ tránh lối sống xa hoa là vì họ cần thời gian để thích nghi với sự gia tăng bất ngờ và nhanh chóng của tài sản. Giáo sư này cho rằng, những người mới giàu thường không biết vận may của mình kéo dài bao lâu và bởi thế họ thận trọng.