Dù doanh số điện thoại Symbian và BlackBerry dẫn đầu thị trường, các thiết bị sử dụng nền tảng của Apple và Android vẫn được quan tâm nhất.
Tạp chí PC Mag (Mỹ) đánh giá điện thoại thông minh (smartphone) hiện nay nên được đổi tên thành điện thoại ứng dụng (app-phone) vì đó chính là điểm khác biệt của nó. Nếu một công ty không thể thuyết phục các nhà phát triển phần mềm xây dựng ứng dụng cho sản phẩm của họ lên tới con số hàng nghìn, họ không còn khả năng cạnh tranh.
Doanh số smartphone quý II/2010 theo thống kê của Gartner.
Xét riêng về tiêu chí "ứng dụng", điện thoại Nokia Symbian chưa xứng đáng được gọi là app-phone dù nó vẫn cho phép tải các chương trình về máy. Chúng vẫn đơn thuần là những chiếc điện thoại. Còn app-phone có nghĩa là "máy tính thu nhỏ có khả năng nhắn tin, gọi điện". Symbian vẫn chiếm hơn 40% thị trường vì nó ra đời đã lâu, nhưng hệ điều hành này đã cũ kỹ, lạc hậu và hợp với điện thoại có giá phải chăng. Nokia đang đánh mất dần thị phần và niềm tin của người dùng. Giới chuyên gia cũng không cho rằng phiên bản Symbian 3 có khả năng lật lại thế cờ.
Trước khi nói đến Apple, cần một lần nữa nhấn mạnh rằng người ta có thể thích, hoặc không thích iPhone, và nó cũng không có nhiều "cái nhất" trước tốc độ cải tiến, lên đời sản phẩm liên tục của các hãng sản xuất khác, nhưng đây là một điện thoại chuẩn mực. Nó có màn hình đẹp, giao diện đồ họa ấn tượng kết hợp với sự biến hóa tài tình trong truyền thông của Apple. Cùng với kho phần mềm khổng lồ App Store, Apple đã tạo ra một "hệ sinh thái" đầy đủ nhất cho người dùng. Và khi iPhone là chuẩn mực, không có gì lạ khi nó được đem ra so sánh và trở thành cái mốc để người ta biết được những điện thoại khác hơn kém những gì.
Điểm lợi thế của Google Android là nó xuất hiện trong sản phẩm của nhiều nhà sản xuất trên thế giới. Đây thực sự là đối thủ của Apple và nó cũng có lượng ứng dụng lớn thứ nhì. Với tốc độ bành trướng hiện nay, sớm muộn nền tảng này cũng thống trị thị trường di động, trừ khi một trong các đối thủ còn lại bất ngờ tung ra quân bài có thể thay đổi cuộc chơi. Theo thống kê của hãng nghiên cứu Gartner trong quý II/2010, doanh số điện thoại Android đã hơn Apple 3%. Nhiều người tin rằng lịch sử đối đầu Windows - Mac đang lặp lại: máy Mac được đánh giá cao nhưng chỉ chiếm vài phần trăm thị trường do Apple không bán hệ điều hành, còn Windows thống trị nhờ được hầu hết các nhà cung cấp đưa vào trong máy tính của họ.
Maemo là câu trả lời của Nokia dành cho Android. Hệ điều hành này có "gốc" Linux giống Android. Tuy nhiên, nó vẫn còn nhiều lỗi, mới mẻ và ít người nghe nói đến cũng như chưa có kho ứng dụng riêng. Điểm mạnh của Maemo là khả năng hỗ trợ đa nhiệm thực thụ nhưng giới chuyên môn đánh giá nền tảng này sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có hàng loạt ứng dụng mới và độc đáo được phát triển riêng cho nó.
Dòng máy Palm từng là điện thoại uy tín nhất người sử dụng từng sở hữu, nhưng rồi công ty sản xuất ra chúng không còn là chính mình. Những sai lầm liên tiếp của hãng này có thể viết thành sách, nhưng nhìn chung họ đã đánh mất "tầm nhìn" và buộc phải sáp nhập vào HP.
RIM BlackBerry đang có vị trí ổn định trên thị trường dành cho các doanh nghiệp nhưng lại muốn cạnh tranh với Apple. Nó cũng đang tụt hậu so với 2 hệ điều hành mạnh nhất hiện nay là Android và Apple nhưng lợi thế của RIM chính là lượng khách hàng trung thành.
Windows Phone 7 đang là đề tài hấp dẫn nhất thời gian gần đây. Microsoft có niềm tin rằng họ tạo ra "smartphone" nên họ cũng có thể thiết lập lại trật tự để trở thành kẻ đứng đầu. Điện thoại tích hợp hệ điều hành này chưa ra đời và một số nhà phân tích đã vẽ ra kịch bản rằng: Khi Windows Phone 7 xuất hiện, sẽ có nhiều nhận xét trái chiều, nhưng đa số mang tính tính cực, khen ngợi, sau đó là vài lời phàn nàn nhưng Microsoft không thể xử lý và OS này tiếp tục giậm chân tại chỗ.