Như mọi năm, Hội nghị Thế giới Di động (MWC) là một trong những sự kiện quan trọng nhất của thế giới di động. Những người hâm mộ công nghệ theo dõi MWC 2013 đều có thể nhận ra một sự kiện quan trọng gắn liền với MWC năm nay: Sự ra đời của một số hệ điều hành di động mới, gồm Firefox OS, Tizen và Ubuntu Touch.
Ba hệ điều hành mã nguồn mở này đều hi vọng sẽ chiếm được một phần thị trường của Android và kiếm được một phần lợi nhuận mà Google thu về qua chợ ứng dụng. Liệu người hâm mộ có sẵn sàng chuyển đổi hay không?
Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng đi lướt qua tất cả những thông tin cần biết, có thể gọi nôm na là hướng dẫn sơ bộ về các hệ điều hành mới.
Firefox
Giống như trình duyệt web cùng tên, Firefox OS của Mozzila được xây dựng dựa trên nền tảng mã nguồn mở. Gần đây tại triển lãm CES 2013, trang công nghệ Cnet cho biết hệ điều hành này có thể chuyển các web site thành các ứng dụng nền tảng di động – một bước đi rõ ràng sẽ thu hút được các nhà phát triển web đến với các ứng dụng di động.
Về mặt phần cứng, Mozilla đã tung ra yêu cầu phần cứng tối thiểu: Vi xử lý một nhân 800MHz, 256MB RAM và màn hình QVGA (320x240 pixel). Các thông số này rõ ràng là không ấn tượng và có thể cho thấy các điện thoại chạy Firefox OS sẽ thuộc về dòng điện thoại cấp thấp. Một biên tập viên của CNET cũng đã đánh giá rằng hệ điều hành này "không có gì đặc biệt" nhưng "đủ ổn cho các mẫu điện thoại giá rẻ".
Nhà sản xuất phần cứng: Alcatel, LG, ZTE và Huawei đều đã nhảy lên con thuyền Firefox OS. Qualcomm cũng thông báo sẽ đưa ra sự hỗ trợ với hệ điều hành này. Đáng chú ý nhất là Sony với tuyên bố rằng hãng hiện thời đã đang nghiên cứu nền tảng này và có "tham vọng tung một sản phẩm (Firefox OS) ra thị trường vào năm 2014". Ngoài ra, một công ty mới thành lập đến từ Tây Ban Nha có tên gọi Geeksphone cũng sắp tung ra 2 mẫu Geon và Peak dành cho các nhà phát triển Firefox OS.
Thời điểm dự kiến ra mắt: Quý II 2013 theo lời giám đốc kỹ thuật của Mozilla, Brenda Eich.
Mua ở đâu: 18 nhà mạng trên toàn cầu đã tuyên bố sẽ phát hành điện thoại Firefox OS.
Nhận xét chung: Firefox OS có lẽ là sản phẩm dành cho người dùng cần một thứ mạnh mẽ hơn điện thoại phổ thông nhưng không đủ tiền mua iPhone. Tuy vậy, thị trường điện thoại giá thấp chạy Android cũng đang bùng nổ, do đó Firefox có thể sẽ gặp khó khăn để giành thị phần.
Tuy vậy, Firefox nổi bật hơn 2 hệ điều hành còn lại ở 2 điểm: Được hỗ trợ bởi rất nhiều nhà sản xuất phần cứng và nhà mạng; hệ điều hành chưa ra mắt nhưng chợ ứng dụng đã chứa rất nhiều các ứng dụng nổi tiếng như Twitter, Facebook, Cut the Rope và Where's My Water.
Tizen
Đây là một nền tảng phần mềm dựa trên Linux được thiết kế cho smartphone, máy tính bảng, TV thông minh và các hệ thống trong xe hơi. Tizen xuất hiện từ đống tro tàn của Meego (Nokia). Hệ điều hành cũ của Samsung, Bada, cũng có vẻ sẽ được "nhồi nhét" vào Tizen.
Tizen đang được hậu thuẫn bởi một liên minh hùng hậu: Intel và Samsung. Intel hi vọng Tizen sẽ có thể giúp người khổng lồ vi xử lý máy tính chiếm được một thị phần vững chắc trong thị trường di dộng. Mặt khác, Tizen là vũ khí của Samsung nhằm chống lại sự thống trị của Android – hãy nhớ rằng dù Android là hệ điều hành mã nguồn mở, Google vẫn có những sự áp đặt nhất định lên các nhà sản xuất.
Nhà sản xuất: Dĩ nhiên là Samsung. Bên cạnh đó, Fujitsu và Huawei cũng đã đăng ký tham dự.
Thời điểm dự kiến ra mắt: Tháng 7 hoặc tháng 8/2013.
Mua ở đâu: Nhà mạng Nhật Bản NTT Docomo sẽ là nơi phát hành mẫu Tizen đầu tiên, tiếp theo là nhà mạng châu Âu Orange. Ngoài ra, các nhà sản xuất như Samsung và Huawei chắc hẳn sẽ tung ra các sản phẩm chạy hệ điều hành Tizen ở những thị trường mà hệ thống bán lẻ hàng điện tử không lệ thuộc vào nhà mạng như Việt Nam.
Nhận xét chung: Cho dù mã nguồn và bộ phát triển (SDK) của Tizen 2.0 mới vừa được tung ra, con đường đến với thành công của hệ điều hành này vẫn còn rất dài. Lịch sử "bão táp" và số lần chết đi sống lại của hệ điều hành này làm cho cộng đồng công nghệ khó có thể tin vào tiềm năng của hệ điều hành này. Biên tập viên Rich Trenholm của Cnet thậm chí đã nhận xét đây là "một phần mềm chậm chạp, dị dạng và không có tí thẩm mỹ nào cả".
Cũng giống như Firefox OS, các mẫu Tizen có thể nhắm vào thị trường Android giá rẻ - một phần trong miếng bánh của Samsung. Tuy vậy, tại sao lại mua điện thoại Tizen trong khi bạn có thể mua Android giá rẻ? Rất có thể, chính các mẫu Android cấp thấp của Samsung sẽ tự cướp mất miếng bánh của Tizen. Tuy vậy, sức mạnh marketing của công ty Hàn Quốc là cực kỳ khủng khiếp, do đó Tizen vẫn còn cơ hội ở trước mắt.
Ubuntu Touch
Ubuntu là hệ điều hành mã nguồn mở dành cho máy tính được yêu quí bởi người hâm mộ công nghệ trên toàn thế giới. Được xây dựng bởi Canonical, Ubuntu Touch OS dự kiến sẽ là một hệ điều hành tinh tế và là một trải nghiệm "chạm" choáng ngợp.
Canonical dự kiến Ubuntu Touch chỉ cần 512MB RAM và chip 2 nhân 1GHz, do đó điện thoại Ubuntu sẽ tham gia vào tất cả các phân khúc từ thấp tới cao.
Nhà sản xuất: Chưa có nhà sản xuất nào được công bố chính thức, tuy vậy hệ điều hành này có thể chạy trên Galaxy Nexus, Nexus 4, Nexus 7 và Nexus 10. Các nhà phát triển cũng đang cố gắng đem Ubuntu Touch lên các máy Transformer của Asus, các máy HTC One, LG Optimus 4X HD, Motorola Zoom, Samsung Galaxy Note và Galaxy S, Nexus S và One, bên cạnh các mẫu Xperia của Sony.
Thời điểm dự kiến ra mắt: Tháng 10 năm nay, nhưng phiên bản thử nghiệm đã có mặt trên các máy Nexus từ ngay bây giờ.
Mua ở đâu: Chưa có thông tin chính thức.
Nhận xét chung: Nhận được giải "sản phẩm tuyệt vời nhất tại MWC" của Cnet, Ubuntu Touch là hệ điều hành mới có mức độ sẵn sàng cao nhất. Biên tập viên Rich Trenholm của Cnet đã nhận xét đây là hệ điều hành "được đầu tư, tinh tế và tuyệt vời từ đầu tới cuối".
Tuy vậy, chưa được hỗ trợ bởi nhà sản xuất hay nhà mạng nào, Ubuntu Touch có lẽ sẽ còn phải mất một thời gian dài nữa mới có thể đến tay người tiêu dùng. Điều đó có thể tạo ra lợi thế cho Firefox và Tizen. Đôi khi, một sản phẩm tốt được phát hành muộn có thể gặp thất bại. Ngoài ra, thay vì thành công với đông đảo người dùng như iOS và Android, có lẽ Ubuntu sẽ nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng công nghệ.
Jolla đang đợi ở phía sau cánh gà?
Đừng vội bỏ qua hệ điều hành trước đây đã từng là đứa con cưng của Nokia: Meego. Giờ đây, hệ điều hành này đã được tái sinh với tên gọi mới: Sailfish, chạy trên chiếc Nokia N9.
Meego được hồi sinh bởi Jolla, công ty được thành lập bởi các cựu nhân viên của Nokia. CEO của Jolla, Marc Dillon, đã tóm tắt cuộc chiến hệ điều hành một cách chính xác nhất trong bài phát biểu tại MWC. Nhắc tới Firefox, Ubuntu và Sailfish, ông nói: "Nếu chúng ta sắp sửa cạnh tranh, thì chúng ta đã thắng rồi, bởi vì cuộc cạnh tranh này là để nhằm tạo ra sự đa dạng trong khu vườn đang bị bao bọc bởi bốn bức tường hiện thời và bởi một vài hệ sinh thái sẵn có... Sự đa dạng là thứ tạo ra sự đột phá."
Các bạn đọc có nghĩ rằng chúng ta đã có quá nhiều hệ điều hành trên thị trường di động không?