Tại Hội nghị Di động toàn cầu (MWC) năm 2013 diễn ra ở Barcelona (Tây Ban Nha), hãng Mozilla đã ra mắt phiên bản hoàn thiện của nền tảng FireFox OS đầu tiên. Đây là hệ điều hành mã nguồn mở được thiết kế dành cho smartphone.
Firefox OS là một hệ điều hành di động mở, được xây dựng dựa trên nền tảng trình duyệt FireFox. FireFox OS được tích hợp sẵn các ứng dụng cần thiết như mạng xã hội Facebook, mạng tiểu blog Twitter, các dịch vụ lưu trữ, thời tiết cùng các phần mềm game nổi tiếng như Cut the Rope hay game của Electronic Arts, Disney Games…
Mozilla cũng giới thiệu tới người dùng công nghệ kho ứng dụng Marketplace FireFox, một cửa hàng phần mềm tương tự như Google Play của Android hay Apps Store của iOS. Theo đó, hầu hết các ứng dụng đều chạy trên nền web và đây cũng là một thuận lợi khi các ứng dụng này có thể tương thích với các điện thoại thông minh khác.
Trình duyệt web FireFox dùng trên máy tính của Mozilla từng gặt hái được nhiều thành công, nhưng trước sự bùng nổ của công nghệ di động, FireFox trở nên khó cạnh tranh, nhất là khi nó không được Apple cấp phép chạy trên nền tảng iOS, còn trên nền tảng mã nguồn mở Android, FireFox cũng bị hạn chế khá nhiều bởi các ràng buộc.
Trước tình hình như vậy, Mozilla đã phải tự xây dựng một hệ điều hành riêng cho FireFox. Việc nghiên cứu được bắt đầu từ năm 2011 và cuối cùng cũng được giới thiệu. Sự kiện Mozilla chính thức bước chân vào cuộc chiến nền tảng di động mã nguồn mở đã khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi đối thủ chính của FireFox OS sẽ là Android.
Tuy nhiên, hiện cũng rất khó để nói rằng FireFox OS không làm nên chuyện. Bởi thứ nhất đây là một nền tảng miễn phí hoàn toàn, tương tự như Android. Thứ hai, FireFox OS có thể vận hành tốt trên các thiết bị phần cứng thấp, trong khi nền tảng Android được xử lý chậm hoặc thậm chí không thể hoạt động được ở các thiết bị này.
Điểm đáng chú ý tiếp theo của FireFox OS là một nền tảng mã nguồn mở. Các nhà phát triển có thể hiệu chỉnh tùy ý, miễn sao có thể giúp cho các ứng dụng hoặc dịch vụ của mình có thể được vận hành một cách trơn tru. Nếu so với những hệ điều hành được thiết kế đóng kín, thì rõ ràng là FireFox OS có một thế mạnh vượt trội hơn hẳn.
Ngoài ra, FireFox OS cũng rất hứa hẹn bởi được viết dựa trên nền HTML 5 nên các nhà phát triển dễ xây dựng các ứng dụng cho hệ điều hành di động này. Đây cũng là một ưu thế của nền tảng FireFox.
Một điểm đáng chú ý khác là Mozilla cho biết đã thuyết phục được 18 nhà mạng và 4 hãng di động hỗ trợ cho FireFox OS. Mặc dù, giới phân tích công nghệ cho rằng, như thế vẫn chưa đủ để đánh bật sức mạnh của Google Android và Apple iOS, song ít nhất cũng đảm bảo FireFox OS không bị lu mờ trước khi chính thức tới tay người dùng.
Ngay trong những ngày đầu ra mắt nền tảng mới của Mozilla, một số hãng công nghệ đã giới thiệu những sản phẩm đầu tiên chạy FireFox OS như Alcatel One Touch Fire, ZTE Open và mới đây nhất là mẫu Geeksphone Peak. Việc giới thiệu những smartphone dùng nền tảng mới đã khiến giới công nghệ và người dùng phấn khích hơn.
Bắt đầu từ mùa hè này, những chiếc smartphone chạy FireFox OS đầu tiên của Alcatel, ZTE, LG và Huawei sẽ được bán qua America Moovil, China Unicom, Deutsche Telekom, Etisalat, Hutchison Three Group, KDDI, KT, MegaFon, Qtel, SingTel, Smart, Sprint, Telecom Italia Group, Telefonica, Telenor, Telstra, TMN và VimpelCom.
Tuy nhiên, nổi bật hơn cả trong số các hãng công nghệ đã và đang hứa hẹn tiến quân vào thị trường di động bằng nền tảng FireFox của Mozilla, là Sony. Trang công nghệ SlashGear hôm 26/2 cho biết, hãng điện tử Nhật Bản thông báo sẽ giới thiệu ra thị trường các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở FireFox vào năm 2014.
Bob Ishida, Phó tổng giám đốc điều hành của Sony cho biết, các kỹ sư của hãng đang hợp tác cùng với hãng công nghệ Mozilla để phát triển "một hoặc nhiều thiết bị chạy nền tảng FireFox". Độ mở của FireFox OS chính là yếu tố hấp dẫn Sony, khi mà hãng mong muốn tạo ra những sản phẩm ít bị phụ thuộc vào nền tảng hơn so với Android.
Trong bối cảnh hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc đã công khai tuyên bố là không có hứng thú với hệ điều hành mã nguồn mở FireFox vì còn phải tập trung toàn lực phát triển nền tảng Tizen, thì Sony rất có cơ hội để thống trị phân khúc smartphone chạy nền tảng FireFox OS và đối thủ thực sự của Sony khi đó chỉ còn hãng điện tử LG.
Song, theo giới phân tích, chặng đường phía trước của FireFox OS cũng không hề bằng phẳng, dễ đi. Theo ước tính của hãng phân tích Gartner, tính tới quý 4/2012 vừa qua, nền tảng Android, đối thủ được cho là cạnh tranh trực tiếp với FireFox OS thời gian tới, đã chiếm 70% thị phần smartphone toàn cầu, còn iOS đang nắm giữ 21%.
Đó là chưa kể rằng các mẫu di động chạy nền tảng Android hay iOS vẫn đang hấp dẫn người dùng. Không ít hãng công nghệ đã phải ngậm ngùi bỏ cuộc chơi khi vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ hai nền tảng này. Do đó, muốn thắng thế, FireFox OS cần thu hút được nhiều người tiêu dùng cũng như các nhà phát triển ứng dụng hơn nữa.