Những thiết bị số đơn giản, vừa đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất của người dùng như máy quay phim Flip Ultra đang làm cả ngành công nghệ sửng sốt.
Năm 2001, Jonathan Kaplan và Ariel Braunstein đã tình cờ nhận ra nghịch lý trên thị trường máy ảnh. Tất cả sự phát triển đều hướng tới những dòng máy ảnh số đắt tiền, nhưng những sản phẩm bán chạy nhất khi đó vẫn là các mẫu máy ảnh giá rẻ sử dụng film dùng một lần. Trong năm đó có tới 181 triệu máy ảnh dùng một lần được bán ra ở thị trường Mỹ, so với khoảng 7 triệu máy ảnh kỹ thuật số.
Nhận thấy được cơ hội, Kaplan và Braustein đã thành lập một công ty với tên gọi Pure Digital Technologies và bắt đầu thử sức xem liệu họ có thể kết hợp một chiếc máy ảnh số dành cho giới nhà giàu với lại sản phẩm dành cho ‘nhà nghèo’ chỉ ngắm-và-chụp dùng một lần được hay không. Họ gọi sản phẩm trí tuệ này là máy ảnh số dùng một lần và phân phối tới các nhà bán lẻ, chủ yếu là các nhà thuốc.
Ý tưởng có vẻ hứa hẹn, nhưng nó hóa ra lại là một sự lãng phí chết người. Theo Simon Fleming-Wood, một thành viên sáng lập Pure Digital thì vấn đề nằm ở chỗ mô hình kinh doanh phụ thuộc vào người tiêu dùng, những người sẽ trả những chiếc máy ảnh giá 20 US lại cho cửa hàng để nhận được ảnh đã in và một chiếc CD. Những cửa hàng bán lẻ dự kiến sẽ trả những máy đã qua sử dụng cho Pure Digital để tân trang lại chúng, nhằm giảm số lượng máy ảnh, mà công ty này phải sản xuất mới.
Nhưng những khách hàng không trả lại những chiếc máy mà họ đã mua như dự kiến. Một số người có ý định giữ lại những bức ảnh và thi thoảng mở ra để xem qua màn hình LCD 1,4 inch, với suy nghĩ rằng họ mang tới để in sau. Một số khác thì cố tìm ra cách làm thế nào để hack những chiếc máy ảnh này sao cho có thể tải những bức ảnh đã chụp vào máy tính cá nhân của họ, để không phải trả lại chiếc máy cho nhà sản xuất. Sức mua mạnh cùng với sự chậm trễ trong quá trình hoàn trả những chiếc máy đã qua sử dụng đã làm suy yếu công ty vốn có nguồn dự trữ khá mỏng, và ý tưởng về chiếc máy ảnh siêu rẻ đã thất bại.
Nhưng kinh nghiệm này đã dạy cho Kaplan và Braunstein một bài học, đó là khách hàng có thể hy sinh phần lớn yếu tố chất lượng để đánh đổi cho một thiết bị giá rẻ và tiện dụng. Để giữ giá ở mức thấp, Pure Digital đã thực hiện một sự đánh đổi đáng kể. Họ đã sử dụng ống kính và các bộ phận khác có giá thành thấp và giới hạn số chip xử lý ảnh. Những bức ảnh chụp ra tạm ổn nhưng không quá đẹp. Và Pure Digital đã bán được 3 triệu máy ảnh kiểu này.
Kaplan và Braunstein cũng đã học được những điều quan trọng đối với chuỗi bán lẻ máy ảnh nói chung. Thị trường đã từ lâu được chia thành hai phân khúc chính: máy ảnh ngắm-và-chụp (bao gồm cả máy dùng một lần) và máy ảnh số ống kính rời (SRL).
Không có gì là bất ngờ, phần lớn máy ảnh được bày bán khi đó – cũng như ngày nay – là những máy ảnh cầm tay ngắm-và-chụp, những dòng máy sử dụng SLR chỉ thực sự thu hút những đối tượng khách hàng là người yêu thích chụp ảnh hoặc những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Và thật kỳ lạ là chẳng có chiếc máy quay video này theo dạng ngắm-và-chụp cả - và đó là nơi mà bộ đôi này nhìn ra được cơ hội tiếp theo của họ.
Máy quay phim gia dụng thường đắt và không có ngoại lệ, nhưng lại là một thiết bị phức tạp, sở hữu những tính năng như là chống rung khi chụp, tính năng chụp ban đêm hay tự động chỉnh màu. Và thậm chí ngay cả những công cụ như là iMovie của của Apple, thì cũng không dễ dàng gì nếu bạn muốn lấy đoạn film đã quay và đổ vào máy tính để biên tập và chia sẻ. Về khía cạnh phức tạp và về giá, thị trường máy quay phim (camcorder) cũng giống như là thị trường máy ảnh SLR vậy, nhưng không có lựa chọn thay thế giá thấp. Kaplan và Braunstein nghi ngờ rằng vẫn có chỗ cho máy quay video rẻ hơn và đơn giản hơn nhiều. Và họ đã quyết định phát triển một thiết bị như thế.
Sau những thử nghiệm và sửa lỗi, Pure Digital đã ra mắt thiết bị có tên gọi Flip Ultra vào năm 2007. Chiếc camcorder giá rẻ giống như là máy ảnh số dùng một lần có rất nhiều điểm hạn chế. Nó chỉ quay những đoạn film có chất lượng thấp khoảng 640x480 ở thời điểm mà Sony, Panasonic và Canon đã bán những chiếc máy quay cầm tay có đội phân giải cao chuẩn 1080. Màn hình hiển thị của chiếc máy quay này cũng khá nhỏ, không có các chức năng điều chỉnh màu sắc, và cùng với đó là những nút điều khiển thông dụng nhất. Thậm chí nó còn không có ống kính room quang học. Nhưng nó khá nhỏ (chỉ lớn hơn bao thuốc lá một chút), lại không đắt (chỉ 150USD so với giá 800USD của một chiếc máy hạng trung do Sony sản xuất), và rất đơn giản trong sử dụng – từ việc ghi hình cho tới tải lên (upload) – tới mức bất kỳ ai cũng có thể sử dụng thành thạo nó trong vòng khoảng 6,7 giây.
Chỉ trong khoảng vài tháng, Pure Digital đã không thể theo kịp số lượng ngày càng tăng của các đơn đặt hàng. Khách hàng đã nhận ra rằng Flip là một cách hoàn hảo để đưa những đoạn video gia đình lên ứng dụng Internet đang bùng nổ là YouTube, và chiếc máy quay này đã trở thành một mặt hàng có sức hút mạnh mẽ, đã có hơn một triệu máy được bán ra trong năm đầu tiên. Ngày nay – nghĩa là hơn 2 năm sau thời điểm đó – Flip Ultra và những phiên bản sau của nó đã trở thành những dòng máy quay video bán chạy nhất trên thị trường Mỹ, chiếm 17% thị phần camcorder ở nước này, khiến Sony và Canon đang phải cuống cuồng đuổi theo.
Thành công của Flip đã làm sửng sốt cả ngành công nghiệp này, nhưng nó đáng ra không phải như thế. Nó chỉ là thành công mới nhất của thứ mà chúng ta có thể gọi là công nghệ vừa đủ tốt. Các thiết bị giá rẻ, tốc độ nhanh, và đơn giảm dễ sử dụng hiện đang có mặt ở khắp nơi. Chúng ta xem tin nóng từ các trang blog, thực hiện những cuộc gọi giá rẻ trên Skype, hay xem những đoạn video trên màn hình máy tính cỡ nhỏ hơn nhiều so với TV, và nhiều người trong số chúng ta đang mang bên mình chiếc netbook duyên dáng, tiết kiệm năng lượng, có tính năng vừa đủ để đáp ứng nhu cầu lướt web và gửi email mà thôi. Dòng sản phẩm bình dân chưa bao giờ được coi trọng như hiện nay.
Vậy điều gì đã xảy ra? Tóm lại, công nghệ là khởi nguồn. Thế giới đang chuyển động ngày càng nhanh, mọi người kết nối chặt chẽ hơn và tất cả đều bận rộn. Theo đó, nhu cầu mà người tiêu dùng cần từ phía các sản phẩm và dịch vụ mà họ mua đang thay đổi căn bản. Chúng ta hiện dành sự ưu tiên cho tính linh hoạt hơn là độ tin cậy cao, tiện dụng hơn là các tính năng, tốc độ nhanh trong một thiết kế thô ráp hơn là tốc độ chậm ở bề ngoài đẹp đẽ. Sự có mặt của thiết bị quan trọng hơn là sở hữu một thiết bị hoàn hảo. Những thay đổi này sâu và rộng tới mức, chúng đã thực sự khiến cho chúng ta thay đổi ý nghĩa khi chúng ta mô tả một sản phẩm là “chất lượng cao” (high quality).
Điều này đang diễn ra ở mọi nơi. Khi mà nhiều hơn nữa các ngành được kết nối với thế giới số, từ y học cho tới quân sự, họ cũng sẽ nhìn thấy sự xuất hiện của các công cụ vừa đủ tốt như là Flip.
Đột nhiên những gì có vẻ hoàn hảo là những thứ, và sản phẩm trông khá tầm thường khi nhìn thoáng qua nhưng đem lại sự đáp ứng đầy đủ khi sử dụng.
Tin tốt lành là xu hướng này hiện đang phù hợp một cách lý tưởng đối với thời đại. Khi mà thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất lặp lại sau 75 năm, thì đó là những sản phẩm tiện lợi và đơn giản đang mang lại tác dụng và hoàn toàn phù hợp với thế mạnh của những doanh nghiệp mới ra đời hoặc có quy mô nhỏ. Và từ tác dụng sẽ dẫn tới doanh số bán hàng ở mức cao. “Khi nền kinh tế trở nên tồi tệ trước dịp Giáng sinh năm trước, chúng tôi đã lo lắng rằng sức mua sẽ bị ảnh hưởng”, Fleming Wood của Pure Digital nói. “Nhưng chúng tôi đã bán được rất nhiều máy quay. Thực ra, chúng tôi còn vượt mức mục tiêu mà chúng tôi đặt ra trước khi khủng hoảng kinh tế xảy ra”. Và năm nay thì sao? Doanh số, theo ông, đã tăng 200%. Từ những thành công đó vào tháng 5 vừa qua, gã khổng lồ Cisco đã mua lại Pure Digital với giá 590 triệu USD.
Đối với một số người, thì điều đó giống như là việc làm cho mọi thứ trở nên hấp dẫn. Nhưng đó thực sự là một sự cải tiến. Và các nhà doanh nghiệp cần phải quen với điều đó, bởi vì cuộc cách mạng ‘vừa đủ’ mới chỉ vừa bắt đầu mà thôi.
Xem tiếp trang 2
Sự phát triển thịnh vượng của định dạng file âm nhạc MP3 tạo thêm một minh chứng rõ rệt của cuộc cách mạng đơn giản, “vừa đủ” trong ngành công nghệ.
Phát biểu trong một cuộc hội thảo về xuất bản trực tuyến tại London tháng 10 năm ngoái, giáo sư truyền thông của Đại học New York là Clay Shirky đã có một câu nói dành cho các nhà sản xuất và những biên tập viên: “Đừng tin vào huyền thoại của chất lượng”. Để chứng minh cho quan điểm của mình, ông đã đề cập tới MP3.
Ngành công nghiệp âm nhạc ban đầu đã xem thường định dạng này, ông giải thích, bởi vì nếu so sánh với định dạng CD thì nó nghe rất tệ. Điều mà các hãng thu âm và nhà bán lẻ không nhận ra là mặc dù MP3 cung cấp chất lượng âm thanh tương đối thấp, nhưng bù lại nó sở hữu nhiều những phẩm chất khả quan khác.
Quan điểm của Shirky là đúng đắn. Với tính năng giúp giảm kích thước file âm thanh, MP3 đã cho phép chúng ta có thể lưu trữ các file nhạc vào trong máy tính và quan trọng hơn nữa, là trên Internet – với kích thước có thể quản lý được. Điều đó dẫn đến cho phép chúng ta có thể nghe, quản lý, và thao tác những bài hát trên máy tính, và mang hàng ngàn bài hát trong một thiết bị bỏ túi, hay mua các bài nhạc từ phòng khách của chúng ta và chia sẻ các bài nhạc với bạn bè và thậm chí cả những người không quen biết.
Và khi mọi việc rõ ràng, những lợi ích này thực sự quan trọng hơn nhiều đối với người yêu nhạc so với phương diện đơn lẻ khác như là tiêu chí chất lượng mà chúng ta trước đó đã áp dụng đối với nhạc thu âm – độ trung thực của âm thanh. Chỉ ít lâu sau, các hãng thu âm đã vẫy tay chào thua với thực tế lượng CD bán ra giảm đáng kể.
Ở một khía cạnh nào đó, chuẩn MP3 tuân theo một mô hình cổ điển về công nghệ đột phá, được Clayton Christensen chỉ ra trong cuốn sách có tựa đề “The Innovator's Dilemma” (Tạm dịch là “Tình trạng khó xử của những nhà cải cách”) xuất bản năm 1997. Các công nghệ đột phá, theo Christensen giải thích, thường xuất hiện ở phân khúc thấp của thị trường, nơi chúng bị bỏ qua bởi những người chơi đã khẳng định được vị trí. Những công nghệ này sau đó được phát triển cả về sức mạnh và độ tinh tế tới mức nó có thể thay thế các hệ thống cũ.
Điều này, tất nhiên chỉ là một phần của những gì đã xảy ra với công nghệ vừa đủ tốt: chuẩn MP3 đã tiến vào phân khúc dưới đáy của thị trường, bị bỏ qua và sau đó đã khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh âm nhạc thăng trầm một thời gian dài. Nhưng thật kỳ lạ, chất lượng của âm thanh không bao giờ được tái điều chỉnh theo hướng lên trên. Chắc chắn, các kỹ sư phần mềm đã cùng nhau phát minh ra những thuật toán có thể cho ra âm thanh tốt hơn mà không cần phải tăng đáng kể kích thước file. Và với những phát triển hiện nay về băng thông cùng với sự ra đời của những ổ cứng có dung lượng khổng lồ, thì việc lưu giữ, chia sẻ những thư viện lớn bao gồm các file không nén là một điều hoàn toàn khả thi. Nhưng các lựa chọn nghe có vẻ tốt hơn đó, lại hiếm khi mang lại sự tiện dụng hơn so với MP3 với độ trung thực thấp. Lợi thế lớn – là thứ mà sở hữu tất cả mọi tác dụng – đó là bước tiến tới một định dạng bit dễ dàng quản lý hơn. So với nó, thì chất lượng âm thanh được nâng cấp chẳng phải là một việc đáng kể gì.
Tất nhiên cũng có những người đánh giá cao yếu tố chất lượng âm thanh của những file không được nén, CD, hoặc thậm chí là các bản thu âm trên đĩa nhựa (được những nhà âm học đánh giá là định dạng file âm thanh trung thực nhất hiện có). Nhưng hầu hết chúng ta đều không phải suy nghĩ về nó tới lần thứ hai. Thực tế, đã có những bằng chứng rằng người dùng đang đơn giản quen với âm thanh mỏng của định dạng MP3.
Jonathan Berger, một giáo sư âm nhạc tại Đại học Stanford, mới đây đã hoàn thành một nghiên cứu kéo dài 6 năm mà đối tượng là các sinh viên của ông. Mỗi năm, ông đều yêu cầu các sinh viên mới đến lớp học của ông nghe một đoạn nhạc được ghi ở các định dạng số khác nhau – từ MP3 chuẩn cho tới các file có âm thanh trung thực cao không bị nén – và yêu cầu họ đánh giá sự yêu thích của mình.
Mỗi năm, theo như báo cáo của ông, thì ngày càng nhiều sinh viên thích âm thanh định dạng MP3, đặc biệt đối với nhạc rock. Họ đã ngày càng quen với thứ mà Berger gọi là tiếng đập xẹt chỉ tìm thấy ở nhạc bị nén. Với họ, đó là những gì giống với thứ âm thanh được kỳ vọng mà âm nhạc mang lại.
Những gì đã xảy ra đối với định dạng MP3 và những công nghệ vừa đủ tốt khác, đơn giản, đó là những phẩm chất mà chúng ta từng coi là quan trọng nay đã thay đổi. Và sự thay đổi căn bản tới mức những phương pháp cũ dường như đã mất hết ý nghĩa. Hãy gọi đó là ‘hiệu ứng MP3’.
(Còn tiếp...)