Tính đến thời điểm hiện tại, Android và iOS vẫn đang là hai nền tảng thống trị thị trường smartphone toàn cầu. Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường IDC, hai “ông lớn” này đang chi phối tới hơn 91% thị phần hệ điều hành điện thoại thông minh trong quý IV/2012. Sở hữu trong tay số lượng lớn các ứng dụng đa dạng trên Google Play Store và Apple App Store cũng như nhiều dịch vụ trực tuyến hữu ích như Google Now và iCloud, Android và iOS đã và đang là sự lựa chọn hàng đầu cho đại đa số người dùng di động.
Tuy nhiên, Android và iOS dường như đang “ngủ quên trên chiến thắng” mà quên đi một chân lý rằng “không có gì là mãi mãi”. Bằng chứng là càng ngày càng có nhiều phàn nàn từ phía người dùng về hai “đứa con cưng” của Google và Apple.
Việc cập nhật phiên bản mới liên tục và mỗi hãng điện thoại lại đưa ra nhiều tùy chỉnh theo ý thích riêng khiến người dùng Android bối rối mỗi khi thay đổi thiết bị. Không những thế, sự phân mảnh còn khiến hệ điều hành này phát sinh khá nhiều lỗ hổng cho tin tặc tự do hoành hành. Thực tế chứng minh, các thiết bị sử dụng “rô bốt xanh” tỏ ra quá yếu ớt trước các mã độc, mặc dù nền tảng của Android là Linux - hệ điều hành được đánh giá là có độ bảo mật cao.
Về phía iOS, mặc dù được giới chuyên môn đánh giá khá cao về tính bảo mật, nhưng hệ điều hành này lại khiến người dùng kêu ca không ngớt về chính sách ứng dụng quá nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, gã khổng lồ xứ Cupertino còn gây thất vọng lớn khi trình làng những bản cập nhật không có vượt trội gì đáng kể so với những người anh em “ra lò” trước đó. Bắt đầu có hiện tượng “chán iPhone” cùng suy nghĩ rằng siêu phẩm này đã phô diễn hết tài năng và đang dần bị vượt mặt. Có lẽ đã đến lúc Apple nên bắt đầu nghĩ tới điều gì đó thật sự khác biệt và mang tính đột phá như những gì đã đạt được vào năm 2007. Nhưng có vẻ như Apple không, hay ít nhất là chưa, làm được gì nhiều.
Cuộc chơi giờ đây không còn chỉ giành riêng cho hai ông lớn Google và Apple. Đây chính là cơ hội ngàn vàng cho các hệ điều hành khác tranh giành miếng bánh béo bở mang tên "thị trường smartphone". Hiện tại, trong ngành công nghiệp di động không có một cuộc đấu nào căng thẳng hơn cuộc rượt đuổi ngoạn mục giữa những cái tên như BlackBerry OS, Windows Phone, Firefox OS, Tizen và Ubuntu. Tất cả đều đang “cố sống cố chết” tranh giành nhau mục tiêu đáng mơ ước là vị trí thứ ba trong danh sách các hệ điều hành di động phổ biến nhất.
Vậy đâu là tiêu chí cho ngôi vị này? Thực tế thì chẳng có hệ điều hành nào là tốt nhất cả. Mỗi hệ điều hành đều có những điểm yếu và điểm mạnh riêng. Nó chỉ là tốt nhất với từng người mà thôi. Có thể nói, điều làm nên thành công của Android và iOS chính là sự đón nhận và ủng hộ của cả người dùng và các hãng sản xuất di động. Hàng triệu người dùng và hàng nghìn nhà mạng là con số khiến các hệ điều hành khác phải ghen tị và mơ ước. Đây cũng chính là chìa khóa dẫn đến thành công mà các hệ điều hành khác phải nắm chắc trong tay nếu muốn mon men tới vị trí “xưng hùng xưng bá” như Google và Apple đã và đang nắm giữ cho tới tận bây giờ.
Hai ứng cử viên nặng ký nhất phải kể đến Windows Phone và BlackBerry khi mà "niềm hy vọng” của Microsoft và RIM đều đang nhận được phản hồi tích cực từ cả phía nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Chỉ riêng vài tháng gần đây, hàng loạt siêu phẩm được tung ra như Lumia 920, hay BlackBerry Z10. Trong thời điểm hiện nay, Microsoft đang không tiếc hầu bao để bảo vệ thị phần của mình và RIM cũng đang kì vọng sẽ kéo lại được lượng fan hùng hậu như xưa.
Hiện nay, các thiết bị Windows Phone đang trông chờ chủ yếu vào "đầu tầu" Nokia với những chiến lược xâm nhập thị trường giá rẻ và cải tiến về mặt thiết kế cũng như công nghệ camera. Rõ ràng, đó đều là trọng tâm của xu thế phát triển hiện nay. Giờ đây, cấu hình phần cứng không phải yếu tố quyết định tất cả, người dùng đang trông chờ những công nghệ và thiết kế mang tính đột phá hơn. Với dự định trình làng smartphone Lumia 928 vỏ nhôm và camera có đèn xenon trợ sáng, Nokia đang thắp lên hi vọng cho chính mình.
Cuộc chiến giữa 2 ứng cử viên nặng ký nhất cho vị trí thứ 3: Windows Phone và BlackBerry
Còn về phần BlackBerry, họ không chỉ lấy Z10 làm "vũ khí" chủ lực. BlackBerry không hề giấu diếm tham vọng sẽ còn giới thiệu khá nhiều mẫu thiết bị mới trong năm nay. Đồng thời, điều mà BlackBerry còn thiếu chính là kho ứng dụng cũng đang dần được lấp đầy với xấp xỉ 100.000 ứng dụng. Tốc độ phát triển của BlackBerry App World là vô cùng đáng nể và chất lượng ứng dụng cũng không bị xem nhẹ trong suy nghĩ của BlackBerry.
Tất nhiên những cái tên như FireFox OS, Tizen hay Ubuntu cũng đang tạo ra được sức hút nhất định nhờ việc chú trọng vào mã nguồn mở linh hoạt và bộ tiêu chuẩn Web HTML5 đáng tin cậy. Firefox OS đã được Alcatel, LG, ZTE và Huawei chọn mặt gửi vàng. Samsung, Huawei và Fujitsu đăng ký Tizen. Ubuntu cũng đang được tung phiên bản thử nghiệm trên các máy Nexus trong khi chờ đợi sự công bố chính thức từ phía các nhà sản xuất. Tuy nhiên chỉ bấy nhiêu thôi thì chưa đủ để vượt mặt những con thuyền đang căng buồm như Blackberry OS hay Windows Phone, ít nhất là vào thời điểm này.
Như vậy, năm 2013 sẽ chứng kiến cuộc chiến cực kỳ căng thẳng trên thị trường di động. Rõ ràng, cánh cửa đã được hé mở và cơ hội là chia đều cho tất cả. Hệ điều hành nào sẽ vượt lên trong cuộc chạy đua thế kỷ? Cái tên nào sẽ được vinh danh sau biết bao những nỗ lực chuyển mình? Chúng ta hãy cùng chờ đợi và chiêm nghiệm.