Chuyện những người vác bút lông lên... Net

Cuộc Hội ngộ thư pháp tại 456 Hoàng Hoa Thám hai ngày 9 và 10/10 tạo nên những nét chấm phá riêng cho bức tranh kỉ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội. "Ông đồ thời @" Trịnh Tuấn, người truyền bá thư pháp qua Internet Vũ Thanh Tùng... và rất nhiều bạn trẻ yêu thư pháp thường xuất hiện trên không gian mạng đã có mặt để chia sẻ về một nét đẹp trong cuộc sống.

Offline "gieo chữ"

Tấm thư pháp dài 30m được thực hiện trong buổi Hội ngộ thư pháp. Ảnh: B.D

Nếu không ghé diễn đàn Trái tim Việt Nam Online, tôi đã không biết tin có một buổi offline thú vị: Những người yêu thư pháp cùng gặp gỡ, chia sẻ về một nét văn hóa vẫn được nối truyền trong thời số hóa: nghệ thuật thư pháp.

Đến Vô Thường - Lư Trà Quán dịp cuối tuần, trong ngày thu Hà Nội, tôi thấy mừng khi được gặp gần như đầy đủ những người chơi chữ, viết chữ có tiếng bấy lâu nay: cụ Lại Cao Nguyện - người "giữ lửa" môn thư pháp, nhà thư pháp "tiền bối" Thế Anh, họa sĩ Lê Quốc Việt, thầy Trần Quốc Chí - người có những lớp đào tạo thư pháp từ nhiều năm nay... Nhưng vì theo mảng CNTT, nên tôi chú ý nhiều hơn đến những người "vác bút lông lên net", những người đang đưa thư pháp lên mạng.

Một bức thư pháp dài 30m được hoàn thiện vào buổi trưa hôm thứ bảy. Anh Vũ Thanh Tùng, chủ nhân của hai website thư pháp Việt Nam Trí Đức Thư pháp học hội (http://vntriducthuphap.vnbb.com) và Thư họa Việt Nam, cũng tham gia góp chữ cho bức thư pháp thêm dài, thêm ý nghĩa.

Anh Tùng chỉ vào nét chữ đậm "Họa long điểm nhãn" và giải nghĩa: "Nó có nghĩa là Vẽ rồng thêm mắt. Đây là một thuật ngữ dùng trong thư pháp và quốc họa. Khi vẽ hay viết xong một tác phẩm, thường có phần ấn chương (đóng dấu triện) để tô điểm cho bức họa hoặc để tác phẩm có hồn và thêm sinh khí. Điều này giống như việc ta vẽ con rồng đã hoàn tất, nhưng phải thêm mắt, con rồng mới sống động".

Nói rồi đến lượt mình góp bút lên cuộn giấy dài 30m, anh Tùng không thảo chữ như mọi người mà vẽ lên đó bức tranh lan, trúc (với người chơi thư họa, lan thể hiện cho giai nhân, trúc nói về người quân tử). Anh Tùng nói: "Tất cả những điều này đều được thể hiện tường tận chỉ sau vài lần click chuột. Nhờ có Internet mà thư pháp và hội họa có sức lan tỏa rộng hơn. Như thế, mạng không chỉ có những sóng ồn ào, nhiều khi trào lên như thác lũ, mà ở đó còn có những không gian thâm trầm, tinh tế... của văn chương, chữ nghĩa".

Nguyễn Văn Nguyên (phải) - một người trẻ chơi thư pháp, thực hiện một website về cổ vật - và Vũ Thanh Tùng - người truyền bá thư pháp qua Internet. Ảnh: B.D.

"Làm tách trà nhé? Chúc một buổi chiều thoải mái!"

Đó là "lời mời" đầu tiên tôi nhận được khi vào Diễn đàn Trí đức thư pháp, điều ấy gợi một cảm giác thư thái cho người lần đầu truy cập. Anh Vũ Thanh Tùng (ở số 3 Cù Chính Lan, TP. Nam Định), là chủ nhân Diễn đàn này, lên mạng quảng bá thư pháp từ tháng 6/2005. Đến nay, với sự ủng hộ của bạn bè, anh bắt tay thực hiện một website lớn hơn Diễn đàn đã có, vốn chỉ mang quy mô của CLB. Trang Thư họa Việt Nam đã được mua tên miền Thuhoavietnam.com sẽ tiếp tục do anh đảm trách từ thiết kế, kỹ thuật đến nội dung. Kiến thức thiết kế web có được, anh Tùng cho biết, đều nhờ tự học.

Anh Tùng nói: "Nghệ thuật truyền thống không có nghĩa là tách rời cuộc sống hiện đại. Tôi muốn là người tuyền truyền cho những nét đẹp của thư pháp, mà CNTT là phương tiện cực kỳ hữu hiệu để thực hiện điều này". Sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Trung, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ năm 2002, anh làm phiên dịch và giảng dạy tiếng Trung, anh bắt đầu tích lũy kiến thức IT và từng bước chuẩn bị cho công việc truyền bá thư pháp qua Internet. Theo anh Tùng, hoàn toàn có thể thực hiện được việc xin chữ, cho chữ trên các diễn đàn, scan những bức thư họa và đưa lên Internet. Chưa kể việc luận bàn, trao đổi thì việc học chữ, dạy chữ cũng có thể tiến hành dễ dàng nhờ sự "góp tay" của CNTT.

Cùng tạo nên sức lan tỏa của nghệ thuật thư pháp bằng cách đưa thư pháp lên mạng là "Thầy đồ thời @" Trịnh Tuấn. Cái tên Quan_Di_Ngo đã trở nên rất quen thuộc với thanh viên các box Thi ca, Nhạc Trịnh, Nghệ thuật thư pháp... Thầy đồ Tuấn chọn mạng để làm thơ và để "thảo những nét phượng múa rồng bay".

Dịp Quốc Khánh 2/9/2004, Tuấn và các bạn trên diễn đàn TTVNOL.com đã tổ chức viết thư pháp bằng chữ Nôm trên bức lụa dài 100m, triển lãm tại Vô Thường Quán. Về lý do để anh đưa thư pháp online, Trịnh Tuấn nói: "Khi tham gia box Thi ca, tôi nảy ra ý định thể hiện thơ dưới hình thức thư pháp để bạn đọc thưởng lãm. Internet là nơi tuyệt vời để phổ biến thông tin nhanh và rộng. "Bạn đọc" do Internet lựa chọn cũng rất đặc sắc, phần lớn là trẻ và có học thức. Tại sao không đánh thức nơi họ tình yêu chữ nghĩa?".

Từ online ra đời sống

Một tấm thư pháp chữ Việt thế này rất dễ tìm ra trên Diễn đàn Trái tim Việt Nam Online.

"Nhóm mình đang lập kế họach xây dựng một game online lịch sử VN, lấy tên là "sát thát". Mình đang cần cách điệu logo với chữ sát thát bằng chữ Hán cho hợp thời. Bạn nào biết chữ hán và vẽ thư pháp giúp với nhé". Đó là tiếng nói của thành viên tên hoshivina. Liền đó là khá nhiều hồi đáp từ những thành viên khác, đồng ý giúp đỡ.

Những dòng này có trên Box Nghệ thuật thư pháp của Diễn đàn Trái tim Việt Nam Online. Đây là box có lượng hàng trăm thành viên tham gia thường xuyên, trở thành một trong những kênh thông tin chính để giới trẻ tiếp cận với bộ môn nghệ thuật này. Rất nhiều chủ đề đã được thảo luận: học thư pháp ở đâu?, mua mực, bút, giấy viết thư pháp nơi nào?, danh tài thư pháp Việt Nam, thưởng thức nghệ thuật chữ Việt,...

Nhưng khi thư họa được số hóa liệu có mất đi "hồn chữ"? Anh Vũ Thanh Tùng cho rằng, việc học hỏi, tra cứu thư họa rõ ràng Internet phục vụ rất tốt. Nét chữ hay bức họa đẹp có thể đến được với nhiều người hơn thông qua phương tiện hữu hiệu này. Mỗi hoàn cảnh khác nhau thì thư họa thể hiện cái hồn của mình ở cung bậc riêng. Trong thực tế, Internet rồi điện thoại di động (với hình thức đưa thư pháp lên màn hình mobile) - đã trở thành những phương tiện của đời sống hiện đại để chuyển tải văn hóa truyền thống - nghệ thuật thư pháp. Đó cũng là một cách để nét đẹp đi vào đời sống.

Kết lại bài này, có một câu chuyện về những lần "Ông đồ thời @" Trịnh Tuấn cho chữ ngày Xuân. Có người xin chữ Nhẫn, Tuấn viết chữ tặng và giải thích chữ nhân trên là bộ đao, dưới là bộ tâm. "Đính kèm" việc cho chữ, Tuấn đọc một bài thơ về ý nghĩa chữ Nhẫn: "Có khi Nhẫn để yêu thương/ có khi Nhẫn để liệu đường lo toan/ Có khi Nhẫn để vẹn toàn/ Có khi Nhẫn để chớ tàn hại nhau". Điều ấy khiến việc cho chữ càng trở nên sâu sắc hơn. Và để nhiều người hiểu hơn về "hồn chữ" như thế, những người trẻ tuổi như Trịnh Tuấn, Vũ Thanh Tùng... và nhiều người trẻ khác vẫn hàng ngày "vác bút lông lên net", miệt mài lên mạng viết chữ "tâm", chữ "nhẫn"...

  • Bùi Dũng

Thứ Ba, 11/10/2005 08:37
31 👨 395
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp