Chưa mạnh tay với tội phạm mạng

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân tội phạm tin học khá phổ biến ở Việt Nam là do khung pháp lý chưa đủ mạnh, đồng thời người dùng còn thiếu cảnh giác.

Anh Nguyễn Trọng Ninh (Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh gần đây anh nhận được thư với gợi ý nhờ anh làm người thừa kế số tiền lên đến 50 tỷ đồng để làm từ thiện.

Thư viết: “Chúng tôi không có con cái. Chồng tôi bị mất do một tai nạn giao thông. Người chồng quá cố để lại cho tôi một khoản trong ngân hàng. Hiện nay, tôi bị ung thư giai đoạn cuối. Tôi không còn sống được bao lâu nữa. Vì vậy, tôi muốn ủy quyền cho bạn thừa kế khoản tài sản trên của chồng tôi và bạn dùng vào việc từ thiện…”.

Sau một thời gian, người gửi đã chuyển cho anh Ninh tài khoản ATM với gợi ý chuyển cho họ một khoản tiền 3 triệu đồng để thanh toán cước phí. Nghi ngờ, anh Ninh viết thư hỏi thêm chi tiết về nhân thân người gửi, song chỉ nhận được lời giục nộp phí. “Đến đây thì tôi chắc chắn vụ này là lừa đảo”, anh Ninh nói.

Các chiêu lừa đảo qua mạng càng ngày càng phong phú.


Vụ lừa đảo nhằm vào anh Ninh được xem là khá điển hình trong các hình thức lừa đảo qua mạng. Ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Chống tội phạm công nghệ cao, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, Bộ Công an (C15), cho biết các “chiêu” của tội phạm công nghệ ngày càng đa dạng như: mạo danh nhà cung cấp để lừa đảo, đánh cắp mật khẩu yahoo và gửi yêu cầu chuyển tiền đến người trong danh sách...

Tiến sĩ Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức của người dùng internet ở Việt Nam còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp tuy có cải tiến, nhưng vẫn thiếu để có thể xử lý rốt ráo. Luật Hình sự hiện hành mới chỉ có 3 điều về loại tội phạm này, gồm "Tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình virus tin học" (Điều 224); "Tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử" (Điều 225); "Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy vi tính" (Điều 226).

Như vậy, nhiều hành vi khác như tấn công trái phép vào máy tính, mạng máy tính, CSDL... bị hầu hết các nước phát triển coi là hành vi phạm tội, nhưng chưa được Bộ luật Hình sự Việt Nam điều chỉnh. Đối với những tội có quy định trong luật thì chế tài răn đe tội phạm cũng chưa đủ nghiêm khắc.

Gần đây, tại các hội thảo về an ninh mạng, một số chuyên gia đề nghị tất cả hành vi sử dụng công nghệ cao gây nguy hiểm cho xã hội cần được bổ sung vào Bộ luật Hình sự với các chế tài nghiêm khắc như các nước khác. Đồng thời, nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội cũng cần bổ sung một số quy định xử phạt hành chính đối với tội phạm công nghệ cao mà chưa tới mức phải xử lý hình sự; trong đó, cần tăng chế tài xử lý, nhất là phạt tiền để đủ mức răn đe và ngăn chặn.

Thứ Tư, 18/08/2010 10:56
31 👨 98
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp