Mặc dù có giá thấp hơn hẳn hàng mới, nhưng ống kính đã qua sử dụng thường mắc phải một số vấn đề như trầy vỏ, xước thấu kính, lỗi lấy nét hay hỏng chống rung...
Chọn mua ống kính đã qua sử dụng là một cách tiết kiệm chi phí của dân chơi ảnh "nhà nghèo". (Ảnh: Photoradar).
Vấn đề lớn nhất đối với người sử dụng máy ảnh DSLR là chọn mua ống kính. Mỗi loại ống kính chỉ phục vụ một hoặc vài mục đích nhất định. Trong khi đó, những ống kính cho chất lượng quang học tốt thường có giá rất đắt. Do vậy, kinh phí đầu tư một bộ ống kính từ 3 đến 5 chiếc luôn nằm ngoài khả năng của dân chơi ảnh "nhà nghèo". Một giải pháp thay thế được tính đến là tìm mua ống kính cũ. Mặc dù có giá thấp hơn hẳn hàng mới, nhưng ống kính đã qua sử dụng thường mắc phải một số vấn đề như trầy vỏ, xước thấu kính, lỗi lấy nét hay hỏng chống rung... Do vậy, cần rất cẩn trọng khi chọn mua loại ống kính này để tránh tình trạng "tiền mất tật mang".
Một gian hàng bày bán ống kính và máy ảnh cũ tại Hàn Quốc. (Ảnh: Nguyễn Tiến Hòa).
Ống kính đã qua sử dụng trên thị trường Việt Nam đến từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng chủ yếu được xách tay từ Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc là hàng cũ do dân chơi trong nước trao đổi. Đặc điểm chung của ống kính "second-hand" là có giá rất hấp dẫn so với hàng mới. Chẳng hạn, Nikon 18-70mm f/3.5-4.5G có giá phân phối tại các đại lý chính thức lên tới 5,8 triệu đồng. Trong khi đó, giá ống cũ trên một số diễn đàn và trang web rao vặt chỉ trên dưới 4 triệu đồng. Tương tự, "hàng khủng" Canon 70-200mm f/2.8L gần 2.000 USD cho hàng mới nhưng hàng cũ chất lượng tốt chỉ khoảng 1.200 USD. Ống kính "second-hand" thường bán kèm một số phụ kiện như loa che nắng, kính lọc UV, khăn lau bụi, dây đeo... Mức giá của chúng không quá cao, thậm chí nếu khéo léo, người mua còn có thể được cho không. Hình thức bán thường theo kiểu trao tay nên có thể tùy ý "săm soi" sản phẩm và cũng không phải chịu thêm phí vận chuyển. Ngoài ra, khi mua ống kính đã qua sử dụng, bạn sẽ ít bị lỗ nếu muốn bán lại cho người khác.
Việc chọn mua ống kính cũ trên các trang rao vặt và diễn đàn nhiếp ảnh trong nước thường không quá khó khăn. Theo quy luật chung, ống kính càng "đẹp" (hình thức tốt, ít bụi, không xước xít, lấy nét êm, có giấy tờ đầy đủ...) thì sẽ càng được "hét" giá cao. Loại "like-new" và "brand-new" xách tay từ nước ngoài về thường có giá không chênh nhiều hàng mới. Do vậy, người bán chỉ nhập những ống kính thuộc dạng hiếm hoặc rất đắt nhằm kiếm lời. Hàng "ngon, bổ, rẻ" tất nhiên sẽ khó kiếm hơn và thường do dân chơi trong nước bán truyền tay nhau.
Ống kính dù đắt hay rẻ đều là thứ đáng tiền, do vậy, nên tìm đến những mối đáng tin cậy và có bảo hành. Hạn chế mua hàng từ xa (chuyển tiền tài khoản người bán và nhận lại ống kính qua dịch vụ chuyển phát) để tránh các chiêu lừa đảo.
Khi chọn mua ống kính cũ, nên lưu ý một số bước kiểm tra.
1. Kiểm tra phụ tùng đi kèm
Kiểm tra kỹ các phụ tùng đi kèm ống kính như cáp trước sau, loa che, túi đựng, hộp, thẻ bảo hành (nếu có). - (Ảnh: Trần Hạ).
Những phụ tùng đi kèm ống kính là nắp trước và sau (dân chơi ảnh thường gọi nôm na là "cáp"), loa che, túi đựng, hộp, thẻ bảo hành... Ống kính "like-new" và "brand-new" thường mới có hộp và giấy tờ đi kèm. Với những ống thuộc loại đặc biệt, cáp trước rất khó kiếm và nếu có kiếm được thì người mua cũng bị "chặt đẹp". Nên kiểm tra kỹ thành phần này trước khi xem xét đến thân ống kính.
Loa che (hood) cũng khá quan trọng. Hood chính hãng bán lẻ trên thị trường có giá dao động từ 5 USD cho đến hàng trăm USD tùy loại. Loa tạm rẻ hơn nhưng lại trông không đẹp lắm cho lắm. Với ống kính góc rộng và chân dung, loa là thành phần có thể bỏ qua. Tuy nhiên, bạn sẽ gặp rắc rối nếu đem một chiếc ống kính không hood bán lại cho người khác.
2. Kiểm tra ngoại hình
Kiểm tra các ốc vít nằm trên thân và dưới chấu tiếp xúc để tránh mua phải ống kính bị cạy mở.
(Ảnh: Trần Hạ).
Các vết trầy xước hay long tróc ở bên ngoài không liên quan gì đến chất lượng quang học của bản thân ống kính. Tuy nhiên, những va đập mạnh bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng đến các thành phần bên trong, chẳng hạn cơ cấu zoom, lấy nét tự động hay chống rung...
Trước hết, nên kiểm tra ốc vít trên thân và dưới chấu tiếp xúc. Không nên mua ống kính có dấu hiệu bị cạy mở để lau bụi hoặc mốc. Tiếp theo, kiểm tra vòng zoom và vòng lấy nét tay. Những ống kính "for" của các hãng thứ ba thường có chất lượng build rất kém thể hiện ở việc vòng cao su nhanh bị rạn hoặc nhão sau một thời gian sử dụng. Vì vậy, nên chọn những ống kính có vòng cao su còn mới, ít bụi bẩn. Có thể quan sát thêm một số vị trí khác nằm trên vỏ như tiếp xúc điện tử, vành lắp filter, nút gạt AF-M, lẫy khóa khẩu độ...
3. Kiểm tra chất lượng quang học
Kiểm tra chất lượng thấu kính ở hai đầu ống. (Ảnh: Trần Hạ).
Trước tiên, hãy kiểm tra chất lượng thấu kính nằm ở hai đầu ống. Thông thường, một chút bụi và xước ở thấu kính phía ngoài cũng không ảnh hưởng nhiều đến bức hình cuối cùng. Tuy nhiên, bụi và xước tại thấu kính trong cùng có thể làm giảm đáng kể độ tương phản và độ nét. Tuyệt đối tránh những ống kính bị mốc hay bị "rễ tre" ở vùng trung tâm. Kiểm tra bụi ở các thấu kính bên trong bằng cách soi dưới nguồn sáng hẹp như đèn pin, bóng đèn dây tóc hay khe cửa sổ.
Một số lỗi xảy ra ở thấu kính: Bị "rễ tre" do bảo quản không đúng cách (trái) và bị hỏng lớp keo quang học (phải) - (Ảnh: Trần Hạ).
Các thành phần thấu kính thường được ghép với nhau theo cặp bằng một loại keo trong suốt gọi là keo quang học. Trong quá trình sử dụng và bảo quản, lớp keo có thể hỏng khiến những cặp thấu kính tách nhau ra một phần hoặc hoàn toàn. Hiện tượng này thường xảy ra tại vùng mép thấu kính khiến ảnh thu được bị mờ và xuất hiện flare ở viền. Do vậy, nên soi ống kính dưới nguồn sáng khuếch tán mạnh và đồng đều như bầu trời hay bức tường có nắng chiếu. Các lớp keo hỏng sẽ hiện lên như một vệt nước loang hay bong bóng ở mép ống kính.
4. Kiểm tra các cơ cấu bên trong
Kiểm tra hành trình zoom và lấy nét tay bằng cách xoay nhẹ nhàng. (Ảnh: Trần Hạ).
Xoay nhẹ nhàng vòng zoom và vòng lấy nét. Nếu ống kính còn tốt, hành trình lấy nét và thay đổi tiêu cự sẽ rất êm và mượt, không có dấu hiệu bị giật cục hay nặng bất thường. Lưu ý, vòng lấy nét trên một số ống kính mới sẽ hơi khít và phát ra tiếng rít nhè nhẹ do ma sát với motor bên trong.
Kiểm tra cơ chế lấy nét tự động và chống rung bằng cách thử trên máy. Không mua những ống kính có tốc độ lấy nét chậm hơn bình thường, lấy nét sai, hành trình lấy nét bị giật cục hay cơ chế chống rung hoạt động quá ồn.
Kiểm tra tình trạng hoạt động của các lá thép khẩu độ bằng cách đẩy nhẹ cần chỉnh khẩu ở đuôi ống kính. (Ảnh: Trần Hạ).
Một số ống kính cũ thường bị khô dầu hoặc dầu vón cục ở mặt tiếp xúc của các lá thép khẩu độ. Hiện tượng này làm ống bị lì, thậm chí chết hẳn khả năng điều chỉnh khẩu độ. Bạn kiểm tra bằng cách nhấn nút DOF Preview trên thân máy và quan sát tốc độ phản ứng của viewfinder, hoặc có thể làm trực tiếp bằng cách đẩy nhẹ cần chỉnh khẩu ở phía đuôi ống kính. Nếu không khắc phục được, bạn nên đem tới các trung tâm sửa chữa với mức phí dao động từ 10 đến 100 USD tùy loại.
5. Kiểm tra các quy định về sửa chữa và bảo hành
Ống kính cũ thường không được bảo hành tại chính hãng. Một số địa chỉ uy tín cho phép người dùng đổi hàng hoặc sửa chữa có tính phí trong thời gian ngắn. Bạn nên kiểm tra hóa đơn và giấy tờ mua bán thật kỹ lưỡng để tránh phiền hà sau này. Sau khi mua, cũng nên dành nhiều thời gian chụp thử với ống kính mới nhằm phát hiện ra các lỗi và kịp thời đổi lại cho cửa hàng.