Với một số kinh nghiệm về chất lượng các nhãn hiệu thường thấy trên thị trường, bạn có thể tìm cho mình một màn hình tinh thể lỏng (LCD) cũ vừa túi tiền mà lại sử dụng được từ 2 đến 3 năm.
Anh Đức Huy ở TP HCM, không có nhiều tiền để sắm hẳn một chiếc LCD mới nên hai tháng trước, sau khi tìm trên mạng, anh tậu về một chiếc hiệu Prius 15 inch hình ảnh đẹp, sắc nét với giá 75 USD. Anh thấy cái giá đó cũng vừa tầm hơn so với các loại khác như Dell, Gateway hay NEC (cao hơn khoảng 10-20 USD). Hơn nữa, Prius được bảo hành một tháng nên anh cũng yên tâm phần nào. Nhưng đúng hai tháng sau, cái màn hình phải "ra đi" vì hỏng nặng không thể sửa được.
Theo tìm hiểu của VnExpress, màn hình tinh thể lỏng cũ trên thị trường hiện có rất nhiều nhãn hiệu, giá cả khoảng từ 60 đến 90 USD kích cỡ 15 inch và 90 USD-120 USD đối với loại 17 inch. Mức giá này rẻ hơn khoảng từ 40 đến 60 % so với hàng mới. Tuy nhiên, chất lượng thì vô chừng, nếu không có kinh nghiệm lựa chọn máy, người mua dễ dàng "ôm quả đắng".
Rất nhiều loại màn hình LCD được bán trên thị trường. Ảnh: H.T. |
Theo đánh giá của anh Trần Đình Hoành, một người chuyên xử lý máy tính cũ, màn hình Dell có chất lượng tốt hơn những dòng khác, có thể sử dụng đến hơn 3 năm. Hàng này có giá cao nhất trên thị trường, khoảng 90 USD (15 inch) và 120 USD (17 inch). Gateway, NEC, IBM được anh Hoành đánh giá ở bậc thấp hơn một chút, nhưng cũng có thể sử dụng được từ 2 đến 3 năm. Loại này có giá khoảng 80 USD đối với cỡ 15 inch và 100-110 USD cỡ 17 inch.
Anh Nguyễn Thanh Hiếu, chuyên đi thu mua màn hình tại một công ty tin học ở đường Gia Phú, quận 6, TP HCM, chia sẻ một số kinh nghiệm về chất lượng các loại màn hình tinh thể lỏng hiện nay trên thị trường như sau: Trừ các loại LCD cũ kể trên, số còn lại đẹp mã song chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng khoảng 3 tháng là hỏng. Nhiều màn hình nhãn hiệu có tiếng nhưng cũng đều mắc một trong hai 'bệnh', chẳng hạn Prius sau khoảng thời gian sử dụng vài tháng thường bị hỏng phần màn hình, không thể sửa được. Màn hình Hitachi lại gặp tình trạng bị hỏng bo mạch cao áp (dùng duy trì, điều chỉnh dòng điện). Lỗi này khi sửa mất khoảng 50.000 đồng là tiếp tục sử dụng được. Thế nhưng cứ sau vài ba tháng màn hình lại hỏng một lần, làm mất thời gian cho người sử dụng. Chưa tính rằng mỗi nơi sửa chữa "hét" mỗi giá khác nhau, thậm chí nhiều khi thợ sửa bảo rằng "nó hỏng rồi" để người tiêu dùng phải mua cái mới.
Theo anh Hoành, loại LCD NEC được thiết kế theo chuẩn phù hợp với người châu Á, màu sắc mang tone nóng, sáng rõ và có phần rực rỡ hơn phong cách "lạnh" của dòng châu Âu (màu hơi sẫm) như của Dell, Gateway hay IBM. Màn hình NEC còn phù hợp cho xem phim, chơi game vì hình ảnh rất rõ đẹp. Nhưng hàng này rất hiếm linh kiện để sửa chữa.
Một "đầu nậu" buôn LCD cũ cho biết, mỗi lô hàng khoảng 2.000 chiếc được nhập về thì nhãn hiệu hoặc loại chất lượng tốt chỉ có chừng 30-50 cái. Còn lại đa phần là những monitor chỉ còn đủ "sống" được khoảng 2-3 tháng mà thôi.
Các chuyên gia máy tính cũng khuyến cáo, lựa chọn một nhãn hiệu có chất lượng tốt chưa đủ, mà còn nên lưu ý hàng có ngày sản xuất gần đây để sử dụng được lâu hơn. Date code (ngày sản xuất) thường được in ở mặt sau vỏ ngoài của màn hình. Về mặt kỹ thuật, thời gian sử dụng trung bình liên tục của một màn hình LCD mới 100% là từ 20.000 đến 40.000 giờ.
Dùng mắt thường kết hợp với các công cụ kiểm tra màn hình, người mua có thể phát hiện những lỗi như điểm bầm (màu bị nhòe), vết sọc, độ sáng màn hình...