Chơi đài radio cổ

Radio cổ không đắt, không hiếm, không khó tìm, nhưng thú chơi radio cổ lại không phổ biến.

Sau thú chơi loa kèn cổ, đầu đĩa than hay băng cối, khoảng 3, 4 năm trở lại đây, radio cổ lại trở thành món đồ quý trong bộ sưu tập của dân chơi âm thanh Việt Nam. Tuy nhiên, thú chơi này không phổ biến rộng rãi, mà chỉ tập trung ở những người đã chơi lâu năm và thuộc dạng "lão làng".

Anh Phương có nick trên diễn đàn Nghe Nhìn Việt Nam là "tai_trau", một audiophile có tiếng tại Hà Nôi, đang sở hữu một bộ sưu tập radio cổ có số lượng kha khá. Theo anh Phương, ngoài tiêu chí "cổ", radio được dân chơi lựa chọn trước tiên phải đúng nghĩa là "radio". Đó là thiết bị chỉ thu và phát sóng phát thanh đơn thuần, cấu tạo gồm loa, bộ thu sóng và mạch điện khuếch đại, chứ không được tính lẫn cả radio cassette hay receiver tích hợp bắt sóng AM/FM.


Một chiếc radio cổ mác Hồng Đăng của Trung Quốc của dân chơi âm thanh Việt Nam. (Ảnh: Vnav).

Radio cổ được người chơi tìm kiếm cũng có 2 loại, loại radio tube (bóng đèn) và radio transistor (bán dẫn). Trong đó, radio tube được ưa chuộng hơn, ngoài lý do "cổ" (ra đời từ những năm 50 - 60) thì loại này cũng cho chất lượng âm thanh tốt hơn thế hệ dùng transistor ra đời sau (khoảng những năm 80).

Radio tube được sản xuất trước những năm 75, có cái còn sản xuất từ giữa thập niên 50, hầu hết đã qua tay người sử dụng. Bởi vậy chất lượng vẻ bề ngoài và bên trong của những món đồ này cũng không còn đẹp và tốt như khi mới xuất xưởng nữa. Nhìn chung, các mẫu radio cổ đều có vỏ bị xước xát, hư hỏng chút ít bề mặt bên ngoài, cũ, hỏng, hay thiếu đồ bên trong như những thiết bị tụ, bóng đèn... Cái nào có ngoại hình còn đẹp, mới, đủ nút bấm, nút dò sóng là đạt tiêu chuẩn chọn của dân chơi. Thi thoảng mới tìm được một chiếc radio cổ đúng nhãn hiệu, thiết kế độc nhưng nếu quá cũ, hỏng hóc nhiều từ vỏ ngoài cho đến ruột gan, bảng mạch bên trong thì cũng phải cho qua.

Điều quan tâm nhất khi tìm và chọn một chiếc radio cổ của các audiophile lại là độ độc đáo trong thiết kế bên ngoài (như một số dòng radio có hệ thống kim chỉ sóng) và hình thức của món đồ đó, rồi mới đến loa. Những đồ bên trong như tụ, bóng đèn, bảng mạch... lỡ có thiếu hay hỏng cũng không sợ. "Chính cấu tạo đơn giản của radio giúp người chơi không phải chú trọng nhiều đến chất lượng đồ bên trong", anh Phương đưa ra ý kiến. Nếu máy móc bên trong có hỏng hay thiếu đồ gì, tìm rồi thay lại cũng không quá khó, sửa, chỉnh một chút là nó lại chạy được ngay, quan trọng là hình thức còn đẹp không.


Ảnh chụp bên trong chiếc radio cổ hiệu Philips của Quangteo (thành viên của diễn đàn nghe nhìn Việt Nam). (Ảnh: Vnav).

Hiện tại, các mẫu radio cổ mà dân chơi Việt Nam sở hữu khá đa dạng về nguồn gốc, từ những mẫu Trung Quốc sản xuất như Hồng Đăng, Thượng Hải cho đến hàng sản xuất tại châu Âu như của hãng Orionton, Telefunken, Philips, rồi cả Zenith, Westinghouse của Mỹ. Trong đó, những model của châu Âu (đặc biệt là hàng của Đức) được dân chơi đánh giá cao hơn về thiết kế độc đáo cho đến cả chất lượng, còn với Hồng Đăng, Thượng Hải của Trung Quốc thì được lựa chọn do trước đây phổ biến nên dễ tìm hơn và hình thức còn tương đối đẹp so với các hãng khác.


Với Limming (diễn đàn nghe nhìn Việt Nam), chiếc radio cổ Zenith G725 hàng Mỹ sản xuất từ năm 50 này độc đáo bởi nó là một trong những model sớm nhất trên thế giới có FM, lại được thiết kế theo kiểu dùng kim. (Ảnh: Vnav).

Tại Việt Nam, để có được một chiếc radio cổ tầm tầm không quá khó, nhưng để có được một chiếc độc thì cũng khá vất vả bởi ít có cửa hàng nào bán, muốn tìm được nhiều khi trông vào may mắn. Với nhiều người, radio cổ cũng chỉ là những đồ món đồ cũ và lạc hậu, không dùng đến thì có thể bán thanh lý như đồ đạc cũ. Nhưng với dân chơi, đó là món đồ "có giá trị", may mắn gặp, rồi có được cơ hội mua lại với giá chỉ vài trăm ngàn. Anh Phương cho biết thêm, những mẫu radio cổ mà xuất từ Trung Quốc thì có nhiều ngoài miền Bắc, thế nên dễ tìm ở các cửa hàng đồ cũ, đồ điện nhỏ ngoài này. Cũng có người mua bên các cửa hàng ở Trung Quốc rồi chuyển về đây, nhưng radio cổ của Trung Quốc chưa độc lắm.

Trong khi đó, độc đáo và hiếm hơn là hàng châu Âu và Mỹ, muốn kiếm thì nên tìm ở những vùng miền Nam, Tây Nam Bộ, ở những cửa hàng trong đó. Bởi thời Mỹ Ngụy (trước những năm 75), dân trong đó nhiều người có radio. Ngoài ra, Cam Ranh cũng là cảng nhập hàng điện tử lớn thời bấy giờ, đồ điện tử cổ (cả Radio) của châu Âu hay Mỹ trong đó có số lượng lớn, nhiều mẫu, dễ bắt gặp hơn.

Ngoài ra, những người chơi khác lại tìm kiếm nguồn hàng từ nước ngoài và trên mạng. Ở một số diễn đàn mua bán, rao vặt trong nước, thi thoảng lại xuất hiện mẩu tin thanh lý đồ cũ trong nhà như loa, đầu băng, radio cũ. Người bán rao giá cho những chiếc radio cũ chỉ khoảng vài trăm ngàn. Nếu "máu" hơn, muốn có đồ độc hơn nhưng cũng khó khăn hơn đó là nhờ hoặc trực tiếp mua tại các cửa hàng âm thanh cũ tại nước ngoài rồi chuyển về.


Mẫu radio tube Westinghouse (Mỹ) được sản xuất từ những năm 60, nhưng có cả tính năng báo thức bằng radio của thành viên Quangteo (diễn đàn nghe nhìn Việt Nam). (Ảnh: Vnav).

Một dân chơi có nick Quangteo trên diễn đàn Nghe Nhìn Việt Nam lại sở hữu được nhiều mẫu radio cổ bằng cách đấu giá trực tuyến mạng, chiếc radio tube Westinghouse (Mỹ) sản xuất năm 60 mà anh đang có ngoài hình thức đẹp, còn độc đáo ở chỗ có thêm báo thức bằng radio. Anh tiết lộ, số tiền bỏ ra để thắng (bid) được chiếc Westinghouse chỉ có 10 USD (không tính phí vận chuyển). Trên trang web đấu giá trực tuyến, các mẫu radio cổ tập trung thành cả một mục riêng, giá đưa ra phần nhiều từ 10 đến 20 USD, rồi dưới 50 USD một chiếc, cá biệt mới có một, hai chiếc là trên 100 USD. Nếu quen với việc mua bán kiểu này, việc sở hữu được một chiếc radio cổ độc đáo cũng không quá khó.

Chơi âm thanh là một thú vui đòi hỏi khả năng tài chính dư dả, kiến thức, kinh nghiệm, cảm nhận của bản thân và cả chất lượng âm thanh thiết bị mang lại. Riêng thú chơi radio cổ lại không tốn quá nhiều về tài chính, không đòi hỏi quá nhiều chất lượng âm thanh, điều quan trọng chỉ là hình thức và độ độc đáo của sản phẩm. Người chơi radio cổ không có nhiều, họ đều là các audiophile lão làng, là người có một chút hoài cổ và muốn thưởng thức lại cái chất âm thanh mộc mạc của máy radio ngày xưa.

Thứ Ba, 09/03/2010 08:00
4,85 👨 14.328
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp