Chặng đường đầu tư xây dựng nhà máy của Intel tại VN

Từ lưỡng lự, cân nhắc...

Tháng 8/2002, khi chủ tịch của Intel là Craig R.Barrett đến Hà Nội, được Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp kiến. Nhưng sau chuyến thăm 2 ngày ngắn ngủi của ông Barrett những thông tin đầu tư của tập đoàn này vẫn mờ mịt.

Khi ấy đã có những thông tin hành lang rằng Intel "nhòm ngó" đến Khu CNC Hoà Lạc (Hà Nội). Nhưng một nguồn tin từ Cty Intel VN cho biết thì sức thu hút từ VN chưa đủ mạnh - đặc biệt là những điều kiện về hạ tầng và các chính sách ưu đãi.

Đúng 1 năm sau chuyến thăm của Barrett đến VN, vị chủ tịch này đã đưa ra quyết định đầu tư xây dựng một cơ sở lắp ráp và kiểm tra các sản phẩm bộ vi xử lý của Intel tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).

Tuy nhiên, người đứng đầu Intel VN vẫn cho biết rằng, Intel luôn đi khảo sát khắp thế giới để tìm kiếm cơ hội đầu tư, vài ba năm lại có dự án đầu tư ở một đất nước mà họ cảm thấy có điều kiện thuận lợi. Thật thế, sau đó Intel đã có những chuyến khảo sát Khu CNC TPHCM.

... đến điểm dừng: Khu CNC TPHCM

Chuyện Tập đoàn Intel có đầu tư vào VN hay không, vì sao, bao giờ ... luôn là vấn đề quan tâm không chỉ của báo giới VN và quốc tế viết về lĩnh vực này, mà còn của những nhà đầu tư CNC trên thế giới, vì bước chân của Intel luôn dẫn theo những đối tác, các Cty vệ tinh gia công, sản xuất, cung cấp những phụ kiện đi theo.

Ngày 28/2, lễ công bố và nhận giấy phép đầu tư dự án của Intel sẽ tổ chức tại TPHCM. Hãng tin BBC nhận định "đây là một dự án khổng lồ cho khu vực tin học VN". Ông Phạm Chánh Trực-Trưởng BQL Khu CNC - thì cho rằng: "Intel là Cty bán dẫn đầu tiên trên thế giới có công nghệ nguồn đầu tư vào VN nên có ý nghĩa lớn đến việc phát triển CNC ở VN, giúp cho VN phát triển thị trường máy tính, hiện đại hoá hạ tầng CNTT, đào tạo nguồn nhân lực". Một số hãng tin quốc tế khác còn bình luận: Intel sẽ mang đến lợi nhuận và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN, giúp nâng cao uy tín CNTT VN...

Trên thực tế, những nước mà Intel đầu tư đều tạo ra những sức bật công nghệ như tại Mỹ, Malaysia, Trung Quốc. Song mãi đến thời điểm ngày 14-15/6/2005, người kế nhiệm ông Barrett ở cương vị tổng GĐ điều hành là ông Paul S.Otellini sang VN, dư luận mong chờ một tuyên bố về đầu tư, nhưng cuối cùng vẫn là những thông tin chung chung.

Nhưng từ nửa cuối năm 2005, tình hình đầu tư nhìn chung đã đổi khác. Intel đã đạt được những kết quả kinh doanh khả quan ở VN và đã tạo được quan hệ tin tưởng với nhiều bộ, ngành trung ương qua các chương trình hỗ trợ phát triển hạ tầng CNTT. VN cũng đã vươn lên vị trí thị trường số 1 về tăng trưởng máy tính cá nhân ở khu vực Đông Nam Á.

Theo hồ sơ đầu tư, Intel sẽ xây dựng nhà máy sản xuất chip, các linh kiện máy tính tại Khu CNC TPHCM trên diện tích 46,7ha, sẽ sử dụng khoảng 2.000 lao động. Theo một số chuyên gia, căn cứ vào dự án Intel đã đầu tư tại Trung Quốc, đến dự án đầu tư tại Việt Nam, thì suất đầu tư/lao động của Intel là - mỗi 10 triệu USD đầu tư xây dựng sẽ sử dụng từ 2,5-3,5 lao động.

Quyết định đầu tư của Intel vào Khu CNC TPHCM đã cho thấy những nỗ lực tiếp thị, tranh thủ các quan hệ để vận động... khá thành công của BQL Khu CNC TPHCM. Hy vọng lớn nhất khi Intel đầu tư vào VN là mang đến "chìa khoá" chuyển giao công nghệ, đưa VN bước vào lĩnh vực sáng tạo và thiết kế các sản phẩm CNC.

Thứ Ba, 28/02/2006 08:36
31 👨 123
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp