Bộ phận hay hỏng nhất trong máy Walkman đọc đĩa là mắt đọc. Ngoại trừ một số máy có mắt đọc đã bị lỗi kỹ thuật trước đó thì còn lại là do điều kiện thời tiết (ẩm mốc, bụi bặm...), phương pháp sử dụng máy không đúng của nhiều khách hàng.
Bản nhạc ưa thích vừa cất lên chưa được bao lâu thì bỗng dưng âm thanh "cà giật, cà thọt" bản hát được bản không. Có mỗi đoạn nhạc mà lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Lấy đĩa ra lau chùi sạch sẽ rồi bỏ lại vào máy, hiện tượng "cà lăm cà lặp" vẫn tiếp tục tái diễn. Thay bằng đĩa khác mới hơn, tình trạng "cà rịch cà tang" cũng không thuyên giảm. Nếu máy nghe nhạc của bạn bị một trong những hiện tượng trên thì nên tham khảo những thông tin dưới đây.
Tia laser yếu, gương mờ
Bộ phận quan trọng và hay "sổ mũi, nhức đầu" nhất ở máy nghe nhạc Walkman là mắt đọc. Mắt đọc có nhiệm vụ phát ra tia laser rọi qua một thấu kính (gồm nhiều lớp gương) tạo ra một điểm sáng. Điểm sáng rất nhỏ này sẽ chiếu lên mặt đĩa CD. Nhận được tín hiệu, đĩa sẽ phát ánh sáng ngược trở lại thấu kính để máy nhận biết, truy xuất và đọc dữ liệu. Theo thời gian, tia laser sẽ yếu dần và lớp gương cũng bắt đầu mờ. Khi đó, khả năng đọc dữ liệu đĩa cũng kém hơn nên máy sẽ bị hiện tượng "cà lăm", truy xuất được rất ít bài hát trong đĩa. Cuối cùng nặng nhất là máy báo lỗi không đọc được đĩa (bảng hiển thị thông báo no disc).
Ngoại trừ một số máy có mắt đọc đã bị lỗi kỹ thuật trước đó thì còn lại là do điều kiện thời tiết (ẩm mốc, bụi bặm...), phương pháp sử dụng máy không đúng của nhiều khách hàng. Thói quen không bảo quản mặt đĩa để đĩa bị trầy xước nhiều cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng mắt đọc mất đi "phong độ". Nếu dùng đĩa cũ, đĩa trầy xước thường xuyên, bắt buộc mắt đọc phải tăng công suất phát sáng để truy xuất dữ liệu. Làm việc quá sức trong thời gian dài, tất yếu tia laser bị giảm năng lực đáng kể. Bên cạnh đó, do nằm ở vị trí khá nhạy cảm trong máy nên lớp gương dễ bị làm mờ với các tác động bên ngoài: bụi bặm, hoặc mở máy lấy đĩa mồ hôi ở ngón tay có thể vô tình chạm vào. Tất cả khiến cho quy trình vận hành của máy gặp trở ngại, nhất là với khách hàng có chế độ chăm sóc hoặc bảo quản không đúng cách.
Chế độ chăm sóc
Trước khi đi đến biện pháp cuối cùng là thay mắt đọc, bạn có thể tự sửa chữa máy với một vài mẹo nhỏ rẻ tiền.
Đầu tiên, nên đánh bóng lại các đĩa cũ và bị trầy xước, kể cả đĩa chỉ trầy sơ sơ. Bạn có thể tự làm hay mang đến khu tân trang đĩa ở góc ngã tư Huỳnh Thúc Kháng và Hồ Tùng Mậu (quận 1, TP HCM), giá đánh bóng một đĩa là 1.000 đồng. Tuy nhiên, cần lưu ý, có những đĩa mà khi bạn đưa đĩa lên nơi có ánh sáng mà thấy đường chiếu ánh sáng từ mặt đĩa bên này có thể đâm xuyên qua mặt đĩa bên kia thì không nên đem đi đánh bóng. Loại đĩa này đã bị hỏng hoàn toàn, có đánh bóng cũng không dùng được.
Sau khi các đĩa đã được làm mới mà những triệu chứng như "cà lăm", lúc hát lúc không và không hát được vẫn còn thì nên mang máy đến các trung tâm sửa chữa chuyên nghiệp. Thao tác lau mặt gương mắt đọc khá phức tạp do gồm nhiều lớp gương chứ không chỉ có một, nên đòi hỏi người thợ phải chuyên nghiệp. Tiền công lau thấu kính và vệ sinh chung cho máy dao động chừng 30.000 - 50.000 đồng. Do vậy, bạn không nên tự ý dùng bông hoặc vải mềm lau vào mặt gương này. Những sợi bông nhỏ không nhìn thấy dễ bị dính kẹt lại ở mặt gương sẽ còn gây thiệt hại nhiều hơn. Hiện thị trường có bán nhiều đĩa làm sạch máy, nhưng theo các kỹ thuật viên ở công ty Điện tử - Tin học Kasati thì các loại đĩa vệ sinh này có chất lượng rất kém. Chúng sẽ làm lớp thuốc cảm quang ở mắt đọc bị tan biến mất, nguyên nhân khiến cho tia laser chiếu vào thấu kính làm giảm độ sáng cần thiết.
Giá mắt đọc mới hiện rẻ hơn rất nhiều so với vài năm trước đây, khoảng 200-300 nghìn đồng tùy theo loại. Nhưng với một số walkman đời cũ, mắt đọc khá hiếm hàng. Walkman mới thì có loại có mắt mới để thay, nhưng một số model không có hàng. Vì vậy, bảo quản chiếc máy nghe nhạc ngay từ đầu vẫn là biện pháp hiệu quả nhất. Hạn chế tối đa sử dụng đĩa cũ, trầy xước. Không nên chỉ nghe liên tục (repeat) một hoặc hai bài ưa thích trong thời gian dài. Khi mở nắp máy lấy đĩa ra, cần chú ý không cho ngón tay chạm vào lớp gương ở mắt đọc. Trước khi cho đĩa vào máy, có thể lau sơ mặt đĩa bằng dụng cụ cọ nhung quét đĩa. Tránh tình trạng đĩa bị dính mồ hôi ở tay, bụi. Quan trọng nhất là không thổi mạnh vào mặt trong máy, bụi và nước bọt sẽ theo hơi gió bay vào và bám lại, làm tổn hại đến mắt đọc và một số bộ phận khác ở máy: trục, bánh quay đĩa, các board mạch điện tử.