Kinh tế suy thoái đã tác động tới toàn bộ các mặt đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa. Trong số đó, ngành IT cũng chịu không ít áp lực, buộc phải sa thải nhân công, cắt giảm chi tiêu, hủy bỏ các khoản đầu tư không cần thiết, chuyển hướng kinh doanh. Trong bối cảnh đó, vai trò của giám đốc CNTT (CIO) lại quan trọng hơn bao giờ hết. Đó chính là người chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua cơn bão tài chính đang hoành hành dữ dội như hiện nay.
Một CIO giỏi là người biết cách khắc phục những khó khăn để hướng tới tương lai. Những quyết định đưa ra trong bối cảnh khó khăn hiện nay có tầm quan trọng hơn bao giờ hết, bởi nó tác động trực tiếp tới sự sống còn của doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, các CIO cần phải chủ động, quản lý hiệu quả các rủi ro, cải tiến công nghệ , tận dụng những mối quan hệ sẵn có, và luôn khích lệ nhân viên.
* Chủ động
Chủ động chứ không phải là ngồi đợi những thứ sẽ diễn ra, và đây cũng không phải lúc các CIO làm các công việc bàn giấy kiểu như “ngâm cứu” bảng tính, hay xét duyệt các kế hoạch dự án. Hãy ra ngoài và xem các doanh nghiệp khác đang phải chống chọi như thế nào để có được những giải pháp hợp lý cho doanh nghiệp của mình. Khi bắt buộc phải cải tổ và tái cơ cấu, các doanh nghiệp sẽ phải triển khai những giải pháp khác nhau tùy thuộc vào quy mô tổ chức, loại hình sản xuất, cơ cấu doanh nghiệp. Chính vì vậy, khi nắm được tất cả những hướng giải quyết đó, CIO sẽ sàng lọc và áp dụng những giải pháp phù hợp với doanh nghiệp của mình.
* Quay trở lại những thứ căn bản
Khi nguồn vốn IT trở nên nghèo nàn hơn, CIO buộc phải “quên” đi một số dự án kiểu như đầu tư công nghệ mới bởi chi phí của chúng rất tốn kém. Thay vào đó, CIO nên tập trung nhiều hơn vào những nguyên tắc lãnh đạo cơ bản như quản lý thay đổi, quản lý con người, tạo dựng và gắn kết mối quan hệ giữa nhà phân phối, đối tác, và khách hàng. Việc giữ chân khác hàng là nhiệm vụ rất quan trọng bởi khi khó khăn, khách hàng thường yêu cầu cao hơn, lựa chọn kỹ càng hơn, “săm soi” nhiều hơn; và cũng như các doanh nghiệp, họ không dễ dàng bỏ tiền ra một cách dễ dãi như trước đây.
* Sử dụng sáng tạo nguồn vốn
Khi lâm vào khó khăn, các doanh nghiệp thường phải cân nhắc rất kỹ trước khi chi tiêu bất cứ khoản gì. Một CIO chuyên nghiệp cần phải cân đối các nguồn đầu tư để không bị “thâm hụt” ngân sách. Tất cả những dự án đều được đặt lên bàn để cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng. Nếu chưa thực sự cần thiết thì có thể hoãn những dự án ít quan trọng hơn, thay vì duy trì tất cả những dự án để rồi bị lâm vào tình trạng thiếu tiền đầu tư cho tất cả. CIO có thể cho hoãn một dự án nào đó để vài tháng sau mới triển khai tiếp; hoặc sử dụng các nguồn lực khác, miễn sao hợp lý và cân bằng trong tất cả những yếu tố cần xem xét.
* Quản lý rủi ro
Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay thì rủi ro rất dễ xảy ra. Chỉ cần một quyết định sai lầm sẽ dẫn tới sự sụp đổ không thể cứu vãn. Chính vì thế, CIO cần phải có chiến lược quản lý rủi ro một cách xác đáng, phải quản lý chặt chẽ các nguồn lực, có phương án dự phòng cho những tình huống xấu nhất; đồng thời phải quản lý cả những ưu tiên và điều chỉnh các khoản thu chi, đầu tư.
* Thắt chặt mối quan hệ
CIO cần phải thắt chặt quan hệ với những cấp lãnh đạo khác trong công ty như giám đốc tài chỉnh (CFO), giám đốc hoạt động (COO), giám đốc điều hành (CEO) và những cổ đông chiến lược khác. Bởi chỉ khi có sự ủng hộ của họ thì những kế hoạch cải tổ của bạn mới thành công được. Hãy tỏ ra khiêm nhường và kính trọng ngay cả khi những vị giám đốc này không tán thành kế hoạch của bạn. CIO cần phải chứng minh tính thiết thực và hiệu quả của dự án, và cần phải theo đuổi tới cùng nếu CIO tin rằng đó là sự thay đổi mang tính sống còn cho doanh nghiệp. Trên mỗi cương vị khác nhau, không phải ai cũng nắm được tường tận và hiểu biết sâu rộng về những lĩnh vực không phải chuyên môn của mình.
* Tiếp tục cải tiến
Ngân sách eo hẹp không có nghĩa bạn bỏ qua sự cải tiến. Có những cải tiến tỏ ra không mấy tốn kém mà lại rất hiệu quả. Và có những cải tiến tuy tốn kém nhưng xét trên mặt bằng chung, chúng sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn so với khoản đầu tư bỏ ra. Cải tiến để mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp là việc CIO nên làm. Đây cũng là khoảng thời gian mà CIO cần nghiên cứu, tận dụng những công nghệ mới, và đẩy mạnh sáng kiến. Chẳng hạn như có thể tận dụng những sáng kiến về Web 2.0 như ứng dụng mạng xã hội để chia sẻ và hợp tác tốt hơn. Không phải đầu tư thêm tiền nhưng bạn vẫn có thể mang lại những hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và cho nhân viên.
* Quan tâm sâu sát
Hãy quan tâm tới tất cả những công việc mà bộ phận của bạn đang thực hiện, dù là ở cấp độ nhỏ nhặt nhất. Điều đó không có nghĩa CIO phải nhúng tay vào thực hiện cách dự án, mà để bao quát và kiểm soát tất cả những khía cạnh cần thiết nhằm để ra những chỉ đạo kịp thời.
* Phát triển những lĩnh vực mới
Khó khăn là khó khăn chung và tất cả doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Ngành IT được xem là đang gặp rất nhiều khó khăn, điều đó đòi hỏi người lãnh đạo cần phải linh hoạt, cân nhắc nhiều yếu tố và phải hướng tới những lịch vực bên ngoài nếu cảm thấy cần thiết để cứu vãn doanh nghiệp. Chẳng hạn như thay vì tập trung vào IT thì CIO cần để mắt tới những nguy tắc xử lý khác như phân phối, hoạt động, chăm sóc khách hàng…
* Cởi mở với nhân viên
Doanh nghiệp khó khăn trước hết ảnh hưởng trực tiếp tới nhân viên, nhất là tâm lý làm việc. CIO cần phải ý thức rất rõ ràng về điều này. Ngoài việc thường xuyên giao tiếp với nhân viên và thông báo cho họ về những khó khăn mà công ty đang gặp phải, CIO cũng cần đưa ra những thuận tiện và cơ hội phát triển để khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên. Suy cho cùng sẽ chẳng ai có động lực làm việc nếu tương lai của họ mù mịt và không thể định hướng được. Hãy giúp nhân viênhiểu được lý do tạo sao cần cắt giảm chi phí và làm thế nào để họ có thể giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này.