Bảo mật và an toàn dữ liệu

Chưa bao giờ vấn đề bảo mật (BM) và an toàn dữ liệu lại được coi trọng như hiện nay, trong bối cảnh mạng máy tính phá bỏ mọi ngăn cách, “mọi lúc, mọi nơi” người ta đều có thể lấy được thông tin cần thiết. Không thiếu chuyện những tay cao thủ dễ dàng đột nhập vào kho dữ liệu tối mật của một quốc gia hay nhẹ nhàng nẫng đi khoản tiền kếch xù từ một ngân hàng danh tiếng.

Hết rồi thời của những tay trộm siêu hạng với chìa khoá vạn năng và những gã “găngxtơ” khét tiếng dao súng cầm tay.

“Kỷ nguyên máy tính”, “thời đại Internet” hay những tên gọi tương tự hàm ý về sự văn minh, tiến bộ của xã hội con người. Nhưng tấm huy chương nào cũng có mặt trái. Cũng xã hội đó đã tạo ra những hình thức tội phạm mới: văn minh hơn, sạch sẽ hơn và cũng nguy hiểm hơn.

Tên gọi “hacker” thường gợi lên một cái gì đó không mấy thiện cảm. Trên thực tế “hacker” chỉ là những chuyên gia máy tính giỏi. Tuy nhiên, nếu tri thức của họ sử dụng vào mục đích phi nghĩa sẽ nguy hiểm đến mức nào. Khi đó, “hacker” là kẻ khoác áo tội phạm và chúng ta gọi là “tin tặc”.

Dữ liệu - mục tiêu của “tin tặc”

Thông tin đã trở thành một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất với tổ chức, DN. Con người tập trung nhiều sức lực, trí tuệ để có thông tin nhanh, chính xác. Ai có thông tin, kẻ đó chiến thắng. Bởi vậy, thông tin đã trở thành mục tiêu săn đuổi của những ai muốn vượt lên, và đồng thời là cái mà ai cũng cố gắng giữ.

Với sự phát triển của CNTT, hầu như mọi thứ đều được “số hóa”, đặc biệt là thông tin. Bạn soạn thảo hợp đồng bằng Word, gửi thư qua e-mail, thanh toán với ngân hàng bằng thẻ tín dụng...; nói chung bạn làm việc, giao dịch đều qua máy tính và mạng. Bạn không thể làm khác đi bởi sẽ bị cô lập, sẽ luôn chậm hơn, bạn mất khả năng cạnh tranh và sẽ thua cuộc.

Dù nằm trong máy tính hay két sắt thì dữ liệu của bạn vẫn là mục tiêu nhắm tới của các đối thủ cạnh tranh. Trong trường hợp này, “tin tặc” là những tay đáng ngại nhất. Bạn phải biết cách phòng chống.

Bảo mật và an toàn thông tin

Là những biện pháp ngăn chặn sự truy cập không hợp pháp vào dữ liệu. Thông tin hay dữ liệu có thể được BM bằng thông tin nhận diện hay mật khẩu. Chỉ cá nhân đủ thẩm quyền mới được cấp quyền truy cập.

Liên quan đến BM, chữ ký số cũng được đưa vào sử dụng để tăng cường tính pháp lý cho các loại tài liệu số hoá, đồng thời nhằm tránh sự mạo danh người gửi.

Ngoài các biện pháp ngăn cách dữ liệu hay thông tin quan trọng khỏi những con mắt thọc mạch thì bảo vệ hệ thống mạng máy tính cũng là chuyện phải làm. Nói chung, một hệ thống mạnh, được bảo vệ an toàn sẽ giúp tránh rò rỉ thông tin. Những kẻ xấu không chỉ rình để đánh cắp thông tin, mà luôn tìm thời cơ chọc phá, gây tổn thất cho các mạng máy tính. Những cách thức thường được sử dụng là lây nhiễm virus, thả bom thư, tấn công kiểu gây tắc nghẽn mạng (DOS), v.v...

Tại VN, vấn đề BM hệ thống thông tin chỉ mới bắt đầu được quan tâm và song hành với nó, thị trường BM bắt đầu nóng dần lên và đang sẵn sàng cho nhu cầu BM từ quy mô nhỏ cho đến lớn.

Thứ Năm, 07/04/2005 08:07
31 👨 775
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp