Trước thực tế cửa hàng Apple "nhái" vẫn mọc như nấm tại Việt Nam, một vấn đề được đặt ra đó là liệu Apple có "tuyên chiến" như đã từng làm tại Trung Quốc hay không?
Cần tỉnh táo để nhận diện cửa hàng Apple “xịn”
Sau một thời gian giới truyền thông trong nước lên tiếng về chuyện loạn cửa hàng “do Apple ủy nhiệm”… nhái tại Hà Nội, TP.HCM thì đến nay, câu chuyện xem ra vẫn không thay đổi.
Riêng tại thị trường sôi động như Hà Nội, không mấy khó khăn để người ta có thể bắt gặp đến vài chục cửa hàng tự nhận là điểm bán “do Apple ủy nhiệm” nhưng luôn sẵn sàng tung dịch vụ... unlock, jailbreak iPhone trên các tuyến phố như Hàng Bài, Kim Liên mới, Cầu Giấy, Thái Hà, Bà Triệu…
Nhiều cửa hàng thản nhiên dùng nhận diện thương hiệu của hãng “Quả táo cắn dở”.
Theo đánh giá của giới kinh doanh, đáng ngại là nhiều khách hàng không biết nhiều về Apple vẫn tin rằng đó là những điểm bán sản phẩm Apple được phân phối chính ngạch. Và đương nhiên, những khách hàng này sẽ là đối tượng dễ mua phải iPhone, iPad không đảm bảo chất lượng, thậm chí là sản phẩm Apple đã qua sử dụng được đóng hộp mới và tân trang lại.
Trong thực tế, mô hình cửa hàng của Apple đang xây dựng tại Việt Nam gồm có ba cấp với cấp 1 là APR (Apple Premium Reseller), cấp 2 AAR (Apple Authorised Reseller) và cấp thấp nhất là CES (Consumer Electronic Stores).
Hiện nay, tại Việt Nam mới có FPT Retail, Future World, iCenter với hệ thống cửa hàng bán lẻ tại nhiều thành phố lớn đã đạt đến cấp 1 APR. Trong đó, FPT Retail là doanh nghiệp duy nhất đang sở hữu cả ba mô hình cửa hàng của Apple nói trên với hệ thống cửa hàng kinh doanh của doanh nghiệp này trên toàn quốc.
Một cửa hàng tự nhận đạt cấp 2 "Authorised Reseller" tại Trung tâm thương mại Vincom Hà Nội
Ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Trung tâm kinh doanh sản phẩm Apple thuộc FPT Retail cho hay, các cửa hàng do Apple ủy nhiệm đều phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu thiết kế gian hàng, chính sách kinh doanh.
Ví dụ như với cấp độ cao nhất APR, doanh nghiệp phải tuân thủ thiết kế chi tiết cho gian hàng của Apple Mỹ, phải nhập nội thất từ nước ngoài về Việt Nam. Trong cửa hàng, vị trí đặt MacBook, iPad, iPhone, iPod, phụ kiện hay nơi đặt bảng giá, banner, tờ rơi… cũng phải theo làm đúng thiết kế.
Thậm chí, từ tháng 3/2012, khi thị trường Đông Dương và Myanma chuyển sang chịu sự quản lý trực tiếp của Apple Thái Lan (trước đó là Apple Trung Quốc) thì tiêu chuẩn cũng có thay đổi khi bắt buộc trong các gian hàng tại Việt Nam phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh.
Apple có "tuyên chiến"?
Như vậy, số lượng doanh nghiệp và cửa hàng do Apple ủy nhiệm kinh doanh sản phẩm Apple tại Việt Nam hiện mới chỉ được đếm trên đầu ngón tay trong khi lực lượng cửa hàng “nhái” lại tỏ ra áp đảo, tùy tiện lựa chọn cấp độ cửa hàng theo ý thích để trưng ra bên ngoài biển quảng cáo.
Trước thực tế này, một vấn đề được đặt ra đó là liệu Apple có tuyên chiến với nạn mở cửa hàng Apple “nhái” tại Việt Nam như đã từng làm tại nước láng giềng Trung Quốc hay không?
“Apple iStore” nhái trên phố Thái Hà
Tại một quốc gia luôn được nhắc đến như “thiên đường hàng nhái” là Trung Quốc, thì từ năm 2011 đến nay, Apple đã có động thái mạnh tay khi cáo buộc nhiều cửa hàng bán lẻ nhái thương hiệu Apple (như ở Côn Minh) lừa gạt khách hàng khi nhận là các cửa hàng bán lẻ chính hãng Apple. Cơ quan chức năng tại đây đã tiến hành điều tra hàng trăm cửa hàng và đóng cửa nhiều điểm do không có giấy phép nhượng quyền thương hiệu hợp pháp của Apple.
Còn tại Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp đang bán sản phẩm Apple phân phối chính ngạch đều cho rằng đó là điều có thể diễn ra trong khoảng 1-2 năm tới, nhất là khi Việt Nam đang ngày càng trở thành thị trường tiêu thụ lớn của Apple. Thế nên, việc tùy tiện tự phong cấp độ cửa hàng Apple trong thời gian tới sẽ chỉ diễn ra với các cửa hàng nhỏ lẻ, "chụp giật" kiểu nay mở nhưng mai có thể đóng.