Apple đã đồng ý chi trả 95 triệu USD để giải quyết vụ kiện tập thể, trong đó một nhóm nguyên đơn cáo buộc các hoạt động của công ty liên quan đến bản ghi âm trợ lý ảo Siri đã vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Dữ liệu này được sử dụng để cải thiện Siri, hoặc chia sẻ với các nhà quảng cáo bên thứ ba nhằm tiếp cận khách hàng quảng cáo mục tiêu.
Vụ kiện được đệ trình vào năm 2019, trong đó cáo buộc rằng Apple đã lưu trữ bất hợp pháp dữ liệu tương tác giữa người dùng với trợ lý ảo Siri mà không có sự đồng ý rõ ràng và chia sẻ dữ liệu này với các nhà thầu bên thứ ba, bao gồm cả các nhà quảng cáo. Theo báo cáo từ The Guardian, các bản ghi âm này bao gồm nhiều loại dữ liệu cá nhân nhạy cảm như thông tin y tế, giao dịch kinh doanh và thậm chí cả các mối quan hệ cá nhân của người dùng.
Vụ kiện cũng lập luận rằng Apple đã không thông báo đầy đủ cho người dùng về mức độ thu thập và sử dụng các bản ghi âm Siri. Đáng chú ý, mặc dù Siri có thể được kích hoạt bằng một từ đánh thức như "Hey Siri" hoặc bằng cách giữ nút bên trên iPhone, nhưng vụ kiện tuyên bố rằng trợ lý ảo này cũng thụ động lắng nghe các cuộc trò chuyện của người dùng và ghi lại những đoạn trích khi vô tình được kích hoạt.
Về phần mình, Apple đã tuyên bố rằng mọi bản ghi Siri đều được ẩn danh và chỉ được sử dụng để cải thiện hiệu suất của trợ lý ảo. Tuy nhiên, vụ kiện cho rằng lời giải thích này là không thỏa đáng, và người dùng phải có quyền lựa chọn rõ ràng là có cho phép hoặc không cho phép Siri thực hiện bản ghi.
Sau hơn 5 năm ra tòa, luật sư của cả hai bên đã ngồi lại đàm phán vào tháng 10/2024. Apple đã đưa ra lời xin lỗi, đồng thời đình chỉ chương trình chấm điểm Siri và thực hiện một loạt thay đổi, bao gồm không còn lưu giữ bản ghi âm theo mặc định. Công ty cũng cho phép người dùng chọn không chia sẻ bản ghi Siri của họ và xóa các bản ghi hiện có.
Ngoài ra, Táo Khuyết cũng đồng ý chi trả khoản bồi thường cho những người dùng có khả năng bị ảnh hưởng bởi những hành vi thu thập dữ liệu của Siri. Theo Reuters, người dùng cá nhân có thể nhận được tới 20 đô la cho mỗi thiết bị hỗ trợ Siri mà họ sở hữu. Hàng chục triệu người tiêu dùng sở hữu iPhone và các thiết bị Apple khác từ ngày 17/9/2014 đến cuối năm 2024 có thể nộp đơn khiếu nại để nhận tiền bồi thường.
Vụ kiện về quyền riêng tư của Siri tiếp tục là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của tính minh bạch đối với các công ty công nghệ. Người dùng có quyền được hiểu đầy đủ về dữ liệu nào đang được thu thập và cách dữ liệu đó được sử dụng. Vụ kiện này cũng nhấn mạnh nhu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn của người dùng đối với việc thu thập dữ liệu của trợ lý ảo. Khi trợ lý ảo ngày càng được tích hợp vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng sẽ vẫn là một vấn đề cực kỳ quan trọng.