Để được Apple "đóng dấu" chất lượng cho sản phẩm vỏ ốp của mình, các nhà sản xuất sẽ phải đáp ứng một tiêu chuẩn khá khó nhằn: bảo vệ cho iPhone từ mọi góc độ khi rơi từ độ cao 1 mét.
Với lượng người dùng đông đảo, iPhone cũng vượt trội so với các dòng smartphone khác về số lượng lựa chọn phụ kiện. Với hàng nghìn lựa chọn phụ kiện dành cho iPhone, bạn làm thế nào để biết được đâu là phụ kiện "xịn" và phụ kiện rởm? Câu trả lời sẽ đến từ MFi (Made for iPhone), chương trình gắn mác chứng thực phụ kiện iPhone do chính Apple kiểm nghiệm và khuyên dùng.
Chỉ ít lâu sau khi 2 thế hệ iPhone cỡ lớn đầu tiên (iPhone 6 và 6 Plus) ra mắt, Apple đã chính thức đặt ra một tiêu chuẩn mới cho các loại vỏ ốp được gắn mác MFi: vỏ ốp này phải bảo vệ được tất cả các phần của iPhone khi rơi từ độ cao 1 mét xuống một bề mặt cứng (ví dụ như vỉa hè). Tiêu chuẩn này bao gồm cả mặt màn hình cảm ứng – bộ phận thường không được vỏ ốp bảo vệ tốt khi rơi.
Để làm được điều này, Apple yêu cầu các nhà sản xuất phụ kiện phải thiết kế để tạo ra khoảng trống 1 mm giữa bề mặt màn hình iPhone và bề mặt va chạm (vỉa hè, sàn nhà)... khi tiếp xúc. Các nhà sản xuất có thể thiết kế các loại phụ kiện che phủ hoàn toàn bề mặt màn hình hoặc thiết kế sao cho gờ viền của vỏ ốp lồi cao lên khỏi cạnh bên của máy. Hiện rất nhiều các loại vỏ ốp bảo vệ đã có sẵn 2 đặc tính này.
Khi tham gia vào chương trình MFi, các nhà sản xuất phụ kiện sẽ được sản xuất các mẫu vỏ ốp, dây nối, sạc... được chính Apple kiểm nghiệm và "đóng dấu" chứng thực chất lượng. Các loại phụ kiện này sẽ được quyền sử dụng cả các công nghệ độc quyền của Apple, ví dụ như cáp Lighting hoặc đầu cắm 32 chân. Các nhà sản xuất đáp ứng được tiêu chuẩn của Apple sẽ được quyền gắn logo "Made for iPhone/iPad/iPod" để chứng minh rằng sản phẩm phụ kiện của họ tuân theo các tiêu chuẩn của Apple.
Ngoài ra, tiêu chuẩn MFi của Apple cũng đã được cập nhật để loại trừ một số chất liệu có hại tới môi trường. Các chất mới bị đưa vào danh sách cấm sử dụng để chế tác phụ kiện cho iPhone bao gồm Formaldehyde, chất lượng lấy từ động/thực vật bị đe dọa tuyệt chủng, PFOS, PFOA, PBDE, PBB và chất Phthalate. Đây có thể coi là một bước đi đáng khích lệ nhằm giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng từ phía Apple. Trong số các chất bị cấm, Phthalate là loại hợp chất đáng chú ý hơn cả: loại chất thường được dùng để làm mềm nhựa này đã bị phát hiện có chứa độc tố và cũng đã bị cấm sử dụng làm đồ chơi cho trẻ em.