Khi chiếc máy nghe nhạc bị cháy, chủ nhân của nó được Apple đề nghị ký vào bản cam kết không tiết lộ chuyện này thì mới được đền bù.
Ellie và chiếc iPod Touch đã cháy xém.
Tháng 7, Ken Stanboroughm 47 tuổi, ở thành phố Liverpool (Anh), đã làm rơi chiếc iPod Touch của cô con gái Ellie 11 tuổi. "Nó phát ra tiếng rít", Ken cho biết. "Tôi cảm thấy nó nóng trên tay tôi và tôi nghĩ là đã nhìn thấy nó bốc hơi". Ông ngay lập tức vứt nó ra cửa sau và chỉ trong vòng 30 giây, thiết bị này nổ tung, kéo theo làn khói cao tới 3 mét.
Ông Ken liên hệ với Apple và cửa hàng Argos, nơi ông mua chiếc máy với giá 162 bảng Anh (4,7 triệu đồng). Sau khi qua vài ban bè, ông được nói chuyện với một giám đốc Apple qua điện thoại. Cuối cùng, Apple gửi thư cho ông từ chối trách nhiệm nhưng sẽ hoàn tiền.
Bức thư cho biết để nhận được tiền, ông Stanboroughm phải "đồng ý tuân theo các điều khoản và thỏa thuận này phải hoàn toàn bí mật". Nếu thỏa thuận này bị vi phạm, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại và chi phí luật pháp.
"Tôi cho rằng đó là một lá thư rất khó chịu", Stanboroughm đã từ chối ký. "Họ định đặt án chung thân lên chúng tôi. Nếu chúng tôi lỡ để bí mật này lộ ra, họ sẽ tìm đến luật pháp để gây hấn với chúng tôi".
Tuần trước, người ta phát hiện ra rằng Apple đã cố gắng giấu kín nhiều vụ iPod cháy nổ, thậm chí làm bỏng người sử dụng. Một phóng viên của Mỹ đã có 800 trang tài liệu về các vụ việc lấy từ Ủy ban An toàn sản phẩm cho người tiêu dùng (CPSC). Các thanh tra của cơ quan này cho hay pin lithium ion của iPod có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng trên.
Cộng đồng mạng cũng than phiền về tình trạng iPod đời cũ cháy nổ. Năm ngoái, chính phủ Nhật Bản còn khuyến cáo iPod Nano có thể ẩn chứa nguy cơ cháy và cho biết đã có 14 trường hợp ở đất nước này, trong đó 2 người bị bỏng nhẹ. Tháng 3, một bà mẹ ở bang Ohio (Mỹ) kiện Apple vì chiếc iPod Touch cháy trong túi quần của cậu con trai, khiến cậu bé bị bỏng chân.