Apple làm ứng dụng cho Android, điều gì đang xảy ra?

Bên cạnh hàng loạt các cải tiến trong OS X 10.11, iOS 9, watchOS 2.0 thì Apple còn ra mắt thêm dịch vụ stream nhạc Apple Music. Nhưng yếu tố bất ngờ nhất không phải ở chỗ Apple Music xuất hiện, mà nằm ở việc Apple sẽ cung cấp sản phẩm này lên hệ điều hành đối thủ Android, điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử từ trước đến nay.

Apple ra mắt dịch vụ nghe nhạc Apple Music, hỗ trợ cả Android

Thực chất thì Apple Music được xây dựng dựa trên Beats Music, một dịch vụ stream mà hãng mua lại từ Beats như là một phần trong thương vụ trị giá 3 tỉ USD hồi năm ngoái. Khi đó thì Beats Music đã có sẵn ứng dụng dành cho Android rồi. Apple cũng từng nỗ lực mang sản phẩm của mình lên nền tảng đối thủ, ví dụ như việc hãng cho cài iTunes, QuickTime và iCloud Drive lên Windows, nhưng chỉ là Windows mà thôi. Chứ còn trên Android, Apple hoàn toàn vắng bóng.

Apple Music trên Samsung Galaxy

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi với Apple Music. Với thị phần quá rộng lớn của Android trong thế giới di động hiện nay, thật khó để Apple có thể tiếp tục "ngoảnh mặt làm ngơ", cũng như việc Apple Music đã không thể bỏ qua lượng người dùng Windows đông đảo trên máy tính vậy. Apple vẫn rất muốn giữ những sản phẩm đó cho riêng mình nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho phần cứng của hãng, thế nhưng mọi chuyện không hề suôn sẻ như thế. Nếu Apple không mang Apple Music lên Android, sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các dịch vụ stream nhạc đa nền tảng khác như Spotify sẽ khiến Music bị hạn chế tiềm năng vốn có, cũng đồng nghĩa với việc Apple sẽ không thể kiếm thật nhiều tiền từ dịch vụ này.

Ngoài ra, còn một điểm chung vô cùng quan trọng giữa việc mang iTunes lên Windows (năm 2003) và Apple Music lên Android (năm 2015) đó là cả hai sản phẩm này đều tạo doanh thu trực tiếp. Ngay khi bạn mua một bài nhạc trên iTunes, hay bạn đăng kí gói cước 10$ của Apple Music, thì tiền sẽ về tay Apple ngay lập tức. Trong khi đó, những thứ như iWork, iMessage đều là những dịch vụ giá trị gia tăng và không tạo ra doanh thu, chúng chỉ giúp cho trải nghiệm của người dùng với thiết bị iOS và OS X trở nên tốt hơn mà thôi chứ Apple sẽ không thể hái ra nhiều tiền. Chính vì vậy mà Apple mới không mang chúng lên Android và để dành trải nghiệm đó cho riêng hệ sinh thái của hãng. Hay nói cách khác, Apple không thích mang dịch vụ của họ lên các nền tảng đối thủ, nhưng hãng vẫn sẽ làm nếu điều đó thật sự mang lại lợi nhuận.

Cũng cần phải nói thêm rằng mới đây Apple đã làm ứng dụng Move to iOS, một app cài trên Android cho phép người dùng chuyển dữ liệu của mình - bao gồm danh bạ, tin nhắn, hình ảnh/video, bookmark trình duyệt, tài khoản email, lịch, hình nền, nhạc cũng như sách - sang thiết bị iOS 9. Nó thậm chí còn được đề xuất danh sách các app nên cài cho người mới chuyển từ Android sang iOS nữa. Về công cụ này thì Apple vẫn muốn hướng đến trải nghiệm người dùng iOS nhiều hơn là việc lấy lợi nhuận.

Tuy nhiên, những hành động nói trên không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy Apple sẽ "mở" hơn, không hề. Khi Apple ra mắt iTunes cho Windows hồi năm 2003, giới công nghệ cũng đã hi vọng rằng công ty sẽ kinh doanh theo một hướng "thân thiện" hơn, sẵn sàng mang các sản phẩm của mình lên nhiều nền tảng khác nhau kể cả những nền tảng đối thủ. Nhưng trong hơn một thập kỉ qua, điều đó đã không trở thành hiện thực, Apple vẫn giữ lại hầu hết các dịch vụ, phần mềm cốt lõi cho iOS và OS X.

Nếu nhìn xa hơn, vượt khỏi biên giới của Apple thì chúng ta có thể thấy rằng xu hướng đa nền tảng đang là một thứ được nhiều công ty công nghệ lớn theo đuổi. Đã qua rồi cái thời BBM chỉ dành cho máy BlackBerry, Office chỉ dành cho Windows hay game Nintendo chỉ chơi được trên máy Nintendo. Trong tương lai, các hãng đang dần tiến đến mục tiêu khiến cho phần mềm của mình trở nên độc lập với thiết bị, từ đó tiếp cận được nhiều người dùng hơn và tất nhiên là kiếm được nhiều tiền hơn. Google thì đã theo đuổi xu hướng này từ lâu, mới đây thì có thêm Microsoft gia nhập với chiến lược đặt cloud và mobile lên hàng đầu.

Liệu Apple Music có thành công hay không là chuyện khác, tuy nhiên ít nhất nó đã cho thấy Android đã lớn mạnh đến mức ngay cả Apple cũng không thể nào làm ngơ được. Nhưng quan trọng hơn, việc Apple cũng như các hãng khác đa dạng hóa nền tảng hỗ trợ thì người được hưởng lợi cuối cùng cũng là người dùng, bởi vì bạn sẽ được trải nghiệm dịch vụ tốt trên bất kì thiết bị nào bạn có, và ngay cả trên cùng một thiết bị thì bạn cũng được quyền chọn lựa giữa nhiều nhà cung cấp dịch vụ để chọn ra cái tên xứng đáng nhất, phù hợp nhất với nhu cầu và túi tiền của mình.

Thứ Tư, 10/06/2015 08:15
31 👨 87
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp