Psystar cáo buộc độc quyền và phi cạnh tranh |
Trong bộ hồ sơ dài tới 54 trang được gửi lên Tòa án quận Bắc California (Mỹ), đại diện của Psystar tuyên bố việc các hãng thứ ba tham gia nghiên cứu phát triển kinh doanh sản phẩm “bản sao Mac PC” là hoàn toàn có thể. Apple áp dụng các biện pháp ngăn cản là hành động cạnh tranh không công bằng và vi phạm luật chống độc quyền.
Tháng 4-2008, Psystar chính thức tung ra thị trường một sản phẩm “được xem là nhân bản từ Mac PC của Apple” có tên gọi là OpenMac. Nhưng chỉ sau khi ra mắt được vài giờ đồng hồ, sản phẩm này đã ngay lập tức được đổi lại tên thành “Open Computer”.
Đến ngày 8-7, Apple đâm đơn kiện Psystar lên Tòa án quận California, cáo buộc nhà sản xuất này đã vi phạm bản quyền bằng hành động sử dụng một phiên bản hệ điều hành Mac OS X đã chỉnh sửa cho OpenMac, vi phạm hợp đồng, thương hiệu và cạnh tranh không công bằng.
Trong hồ sơ vụ kiện, Apple chỉ rõ Psystar còn kinh doanh cả các sản phẩm máy chủ Openserv sử dụng phiên bản Mac OS X Server và cung cấp cho khách hàng các bản sửa lỗi được sao chép nguyên văn từ website chính thức của Apple.
Psystar phủ nhận hoàn toàn cáo buộc nói trên, tuyên bố chưa từng bán ra bất kỳ sản phẩm PC nào có sử dụng phiên bản hệ điều hành Leopard đã được chỉnh sửa một cách trái phép, đồng thời khẳng định không sao chép phần mềm Leopard, bản thân hãng này tự phát triển các bản sửa lỗi riêng, không hề sao chép bất kỳ chi tiết nào của Apple.
Nhưng bên cạnh đó, Psystar cũng thừa nhận hãng này biết việc Apple cấm việc sử dụng hệ điều hành Mac OS trên các dòng sản phẩm sử dụng phần cứng. Tuy nhiên, Psystar tuyên bố thẳng trong hồ sơ vụ kiện: “Không có lý do gì mà một hãng thứ ba không thể tìm kiếm và lắp ráp một hệ thống PC có thể chạy được Mac OS theo ý riêng. Hệ thống kiểu như thế này không hoàn toàn được Apple chứng nhận toàn bộ. Apple đang áp dụng chiến lược kinh doanh độc quyền và phi cạnh tranh”.
Psystar còn viện dẫn rằng Apple đã từng tuyên bố cho phép Windows được phép chạy trên sản phẩm PC của hãng này chứ không cho Mac OS được phép chạy trên các PC được sản xuất dành riêng cho Windows. Nếu Mac phát hiện một phần cứng không được Apple chứng nhận, nó sẽ xem đó là “sản phẩm nhân bản Mac”. Trong trường hợp này Mac có thể sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn.
Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có những sản phẩm được chứng nhận chạy hệ điều hành của Apple OS mới có thể cạnh tranh với chính sản phẩm của Apple. Nói một cách khác là Apple đã lợi dụng vị thế của mình để xây tường thành tự bảo vệ, ngăn cản các hãng thứ ba gia nhập thị trường.
Psystar yêu cầu tòa án buộc Apple phải cho phép cạnh tranh trên thị trường. Các hãng sản xuất thứ ba được quyền sản xuất các dòng sản phẩm PC có thể chạy được hệ điều hành Mac OS theo cơ chế cấp phép và chứng nhận kỹ thuật của Apple.
Ngoài ra nhà sản xuất OpenComputer cũng yêu cầu Apple phải bồi thường thiệt hại đồng thời phải rút lại mọi cáo buộc hãng này đã vi phạm bản quyền, phi cạnh tranh… đã đưa ra trước đây.