Với phần lớn mọi người, máy tính cá nhân (PC) sẽ còn là ngôi sang sáng chói trong hệ mặt trời “điện tử” vì rất nhiều lí do.
Tim Cook và Steve Jobs của Apple đều cho rằng loài người đang bước vào kỉ nguyên “hậu PC”, nơi smartphone, tablet, đám mây sẽ hủy diệt máy tính truyền thống. Doanh số PC toàn cầu sụt giảm 0,1% trong quý II/2012 so với cùng kì năm ngoái khiến một số người lại càng tin vào kỉ nguyên này. Vì vậy, khi Giám đốc điều hành Microsoft – Kevin Turner tuyên bố chúng ta đang sống trong kỉ nguyên “PC+”, ông lại bị nghi ngờ. Tuy nhiên, nếu bạn cho rằng PC sẽ biến mất, bạn đã vui mừng quá sớm.
1. Đám mây không bao giờ đủ
Khi Apple và IBM ra mắt cỗ máy tính tiêu dùng và doanh nghiệp thực sự đầu tiên vào cuối những năm 1970 – đầu những năm 1980, họ đã mở ra kỉ nguyên trao quyền điện tử mới. Trước năm 1977, nếu muốn dùng máy tính, người dùng phải cần tới hệ thống “khủng bố” với các thiết bị phụ trợ loằng ngoằng.
PC cho phép người dùng gia đình và doanh nghiệp nhỏ, những người không bao giờ đủ tiên để hoàn thành tác vụ như xử lí văn bản, tính toán hay thậm chí là chơi game, nếu không nối với hệ thống lớn hơn. Ngày nay, nhờ sự phổ biến của dịch vụ băng thông rộng và Internet, nhiều người tin rằng chúng ta có thể quay ngược lại năm 1976 và nhờ cậy vào máy chủ của người khác để làm những việc nặng nhọc. Tuy nhiên, đó là điều không tưởng.
Điện toán đám mây có thể là một phần quan trọng của tương lai, nhưng không thể thay thế phần cứng và phần mềm của máy tính. Khi muốn chỉnh sửa ảnh hay video, bạn không muốn phải chờ đợi để tải về. Khi cần những dữ liệu quan trọng, bạn cần nó ngay lập tức, trong ổ nhớ lưu trữ. Và nếu Internet “sập”, khả năng hoàn thành công việc là “zero”.
Ngay cả những nhà sản xuất thiết bị di động cũng nhận ra giới hạn của điện toán đám mây. Trong hệ điều hành mới nhất, Google đã giới thiệu phần mềm nhận diện giọng nói ngoại tuyến.
2. Hình thức đa dạng
PC liên tục thay đổi hình dạng: mẫu máy tính vừa tay, tất cả trong một, notebook, hay tablet lai IdeaPad Yoga.
Với Windows 8 ra mắt mùa thu này, chúng ta còn chứng kiện thêm nhiều phom dáng PC khác, song hoạt động cùng một hệ điều hành, cùng sức mạnh và hiệu suất làm việc ương tự desktop hay laptop dạng vỏ sò. Trong khi đó, nếu muốn một máy tính bảng, bạn chỉ được dùng iOS mà không phải là OS X.
3. PC là vô địch về đa nhiệm
Nói về đa nhiệm, hệ điều hành di động sẽ phải im lặng. iOS và Windows Phone thậm chí còn không cho chạy ứng dụng ở background, còn trên Android, bạn cần phải bấm một số nút để chuyển đổi giữa các tác vụ đang mở. Tuy nhiên, hệ điều hành desktop như Windows hay Mac được thiết kế để bạn nhìn vào mọi cửa sổ thông tin khác biệt cùng lúc.
Ví dụ, khi cần viết email cho ông chủ và tra cứu số liệu trong bảng biểu, bạn có thể đặt cả Excel và Outlook ngay cạnh nhau hay chuyển đổi nhanh chóng chỉ bằng một cú nhấp chuột. Bạn còn vừa xem video, vừa theo dõi chuyển mã video, vừa “chat” với bạn bè trong các cửa sổ khác.
4. Bàn phím và chuột đánh bại ngón tay và màn hình
Lướt ngón tay qua các album ảnh hay thay đổi thao tác ngón tay để phóng to thu nhỏ một trang web rõ ràng là trải nghiệm thú vị, song khi giờ chơi đã hết, bạn vẫn cần tới bàn phím vật lí và thiết bị chỉ hướng để hoàn thành công việc.
Ví dụ, khi bạn cần gõ văn bản 3.500 chữ, liệu bạn có thể gõ nhanh thế nào trong khi phải nhìn vào các phím ảo thay vì nhìn vào kí tự như trên desktop? Dù bàn phím bán kèm không phải hiếm, nhưng không thể nào cho bạn cảm giác thực thụ như với bàn phím desktop hay notebook.
Ngoài ra, khi cần cắt cúp ảnh, bạn có thể dùng ngón tay vẽ ô vuông xung quanh khu vực cần thiết, song khi phải làm việc với các layer, mask, bộ lọc trên photoshop, bạn chắc chắn cần tới chuột hoặc bàn di. Và bạn có thực sự muốn chỉnh sửa bài luận trên màn hình 10 inch? Nếu gắn cả màn hình, bàn phím và chuột vào tablet, thậm chí còn tốn không gian hơn cả bản thân một chiếc notebook trung bình.
5. Khả năng nâng cấp
Nếu muốn tablet nhanh hơn, không còn cách nào khác ngoài bỏ xó và mua thiết bị khác. Tuy nhiên, nếu muốn nâng cấp PC, đó là chuyện hoàn toàn có thể. Bạn có thể thay đổi ổ cứng lưu trữ, RAM, mang lại hơi thở mới cho chiếc laptop cũ. Với PC, mọi thứ từ ổ cứng, bo mạch chủ, nguồn cung cấp điện năng đều thay thế được.
6. Tương thích phần cứng
Nếu muốn gắn tablet vào máy in, có thể bạn sẽ tìm ra một số cỗ máy in hiện đại kết nối không dây. Song điều gì xảy ra nếu văn phòng chỉ có máy in LaserJet 5P từ hồi Bill Clinton còn đương nhiệm hay bất cứ thiết bị cổ lỗ nào khác? Với PC, việc này khong thành vấn đề nhờ vào cáp nối và driver.
7. Nhà phát triển dùng PC
Phát triển một ứng dụng trên máy tính bảng là điều không tưởng. Mọi bộ công cụ phát triển cho Android, iOS, Windows Phone, BlackBerry đều hoạt động trên desktop chứ không phải điện thoại hay tablet. Để lập trình cho iOS, bạn cần có Mac, song máy tính Windows là nơi tốt nhất để lập trình mọi nền tảng di động khác. Ngoài ra, nếu có thể lập trình trực tiếp trên tablet, liệu bạn có thực sự muốn xem hàng ngàn dòng code trên màn hình 10 inch?
8. Doanh số bán hàng không nói lên tất cả
Mọi người đều “rên rỉ” vì báo cáo của Gartner mới đưa ra, trong đó cho thấy doanh số PC quý II/2012 đã giảm 0,1% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, ngoài tiêu đề, bạn nhận ra PC vẫn phổ biến hơn nhiều tablet.
Đầu tiên, thị trường mùa xuân năm nay có vài điểm khác biệt. Do Intel trì hoãn ra mắt chip Ivy Bridge tới cuối mùa xuân, phần lớn notebook và desktop cũng dậm chân theo. Ngoài ra, còn nhiều người dùng chờ đợi Windows 8.
Thứ 2, dù sụt giảm 0,1%, các nhà sản xuất PC vẫn bán được 87,5 triệu thiết bị khắp thế giới trong quý vừa rồi. Đó không phải là dấu hiệu của một công nghệ đang chết mòn.
Sau cùng, đối thủ lớn nhất của PC không đến từ tablet mà tới từ chính những PC đời cũ. Nếu bạn đang sở hữu một máy tính Core 2 Duo dùng Windows 7 và vẫn hoạt động trơn tru, bạn sẽ không cảm thấy cần phải thay thế bằng máy tính Core i5 nữa.