Kể từ khi kế ngôi CEO Microsoft từ Bill Gates năm 2008, Steve Ballmer đã ghi những dấu ấn nào tại gã khổng lồ phần mềm?
Người đứng đầu phù hợp hơn
Đây là thay đổi rõ ràng nhất kể từ khi Ballmer không phải dựa vào Gates: Ballmer đưa các chuyên gia kĩ thuật phụ trách mỗi nhóm sản phẩm khác nhau.
Trước đây, trưởng nhóm sản phẩm thường tới từ bộ phận bán hàng: Kevin Johnson (người đứng đầu Windows và Online từ năm 2005 tới 2008) và Jeff Raikes (đứng đầu Office và phần mềm doanh nghiệp khác trong gần thập kỉ) là ví dụ tiêu biểu. Họ thường được “bù” lại bằng nhân viên kĩ thuật cấp dưới và hỗ trợ của Gates cũng như cố vấn kĩ thuật như Ray Ozzie.
Từ năm 2009, mọi việc thay đổi hoàn toàn: mọi nhóm sản phẩm đều do chuyên gia kĩ thuật phụ trách: Ballmer đưa kĩ sư Qi Lu từ Yahoo lên điều hành nhóm Online, chuyên gia kĩ thuật như Steven Sinofsky (Windows), Kurt DelBene (Office), Satya Nadella (máy chủ và đám mây), Don Mattrick (Xbox) phụ trách các nhóm khác. Tháng 12/2011, Ballmer giao Windows Phone cho Terry Myerson - điều hành kĩ thuật Windows Phone, thay thế Andy Lees, vốn có nền tảng tiếp thị nhiều hơn.
“Đấu đá” nội bộ ít hơn và hợp tác nhóm tốt hơn
Microsoft nổi tiếng vì những cuộc đấu nội bộ và thuyết Darwin (ưu tiên cá thể xuất sắc) giữa các nhóm: các nhóm khác nhau sẽ phát triển các sản phẩm cùng giải quyết vấn dề cơ bản và để thị trường lựa chọn người thắng cuộc. Ballmer khuyến khích hợp tác và phối hợp giữa các nhóm sản phẩm. Ví dụ: giao diện Windows Metro với thanh menu trượt, vốn được thiết kế cho Windows Phone nay đã được đưa vào Windows, Office, Xbox Live.
“Thủ tiêu” thất bại nhanh chóng
Ballmer nhanh chóng cất nhắc kẻ thắng cuộc và loại bỏ sản phẩm không hiệu quả, đặc biết nếu chúng không phục vụ mục đích chiến lược cao cả nào. (Công cụ tìm kiếm Bing phát triển chậm và tốn kém, nhưng được Microsoft giữ lại để cạnh tranh với Google trên lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.)
Ví dụ rõ nhất là điện thoại Kin, chỉ tồn tại trên thị trường vài tuần trước khi bị khai tử và tập trung mọi sự chú ý vào nền tảng Windows Phone. Trong vài năm qua, Microsoft cũng “hành quyết” không ít kẻ thua cuộc như máy nghe nhạc Zune MP3, một số sản phẩm kế toán doanh nghiệp nhỏ, và Office Live. Trong khi đó, Bill Gates lại ưa thích các sản phẩm “cưng” như đồng hồ SPOT và máy tính bảng Windows XP, giữ chúng sống sót trong nhiều năm dù thậm chí không được đem bán.
Thành công cơ sở là điều quan trọng
Windows Longhorn – tên mã ban đầu của Vista – gần như nhấn chìm Microsoft. Công ty mất 2 năm để phát triển, và tới 5 năm sau đó để chính thức được đưa ra thị trường nhưng chất lượng lại quá tệ. Sự trì hoãn càng làm mọi việc nghiêm trọng hơn, vì hầu hết các công ty lớn đều mua hợp đồng phần mềm 3 năm của Microsoft kèm yêu cầu nâng cấp. Nếu Microsoft không thể đáp ứng, chắc chắn đối tác sẽ không muốn kí kết hợp đồng lần sau. Trong 5 năm vừa qua, Microsoft trở nên dễ dự đoán hơn: Windows, Office và các sản phẩm máy chủ quan trọng đều đặn ra đời mỗi 2 hoặc 3 năm. Phương thức này xuất phát phần lớn từ trưởng nhóm Windows – Steven Sinofsky, và Ballmer áp đặt nó với phần còn lại của công ty.
Hợp tác với Yahoo và Nokia
Khi Microsoft muốn gia nhập thị trường mới, hãng sẽ ra quyết định: tự xây dựng hoặc thôn tính. Với tìm kiếm, hãng xây dựng Bing từ đầu và thêm vào công nghệ sau vài vụ mua lại. Về phần mềm quản lí doanh nghiệp, hãng mua lại Great Plains và Navision. Nhưng trong vài năm qua, cách thức thứ 3 xuất hiện: hợp tác.
Bắt đầu sau khi Yahoo từ chối lời đề nghị mua của Microsoft năm 2008, một năm sau, Ballmer ngồi lại với Carol Bartz (cựu CEO của Yahoo) và kí hợp đồng đưa kết quả của Bing trong danh sách kết quả tìm kiếm của Yahoo, trao đổi nhân viên… Năm 2011, Ballmer kí giao dịch tương tự với Nokia trên lĩnh vực điện thoại di động. Đây được xem là sự hợp tác giữa những kẻ yếu thế hơn nhằm chống lại kẻ thù mạnh hơn.
Xbox – hệ thống giải trí gia đình
Kể từ khi Xbox 360 ra mắt năm 2005, Microsoft luôn nói Xbox không chỉ là thiết bị chơi game: nó được thiết kế để đưa tới mọi thể loại giải trí cho phòng khách. Trong 3 năm đầu, dường như đây chỉ là lời hứa suông. Ballmer bổ nhiệm Don Mattrick dẫn đầu đội Xbox đầu năm 2010, đẩy Robbie Bach và J Allard ra khỏi cửa. Kể từ đó, Microsoft kí được nhiều giao dịch với hàng tá nhà cung cấp chương trình truyền hình, từ ESPN tới Comcast, và tung ra Kinect, thêm vào điều khiển giọng nói và chuyển động, biến Xbox trở nên thân thiện hơn với những người không phải game thủ.
Nghiêm túc với đám mây
Năm 2008, Microsoft bắt đầu tung ra dịch vụ điện toán đám mây đích thực như BPOS và Windows Azure. Kể từ khi đó, Ballmer luôn nói tới tầm quan trọng của đám mây tại hầu hết mọi buổi thuyết trình, và năm 2011, tại trung tâm buổi ra mắt Office 365, dịch vụ doanh nghiệp nền điện toán đám mây mới nhất. Ông thậm chí còn thay thế người lãnh đạo lâu năm của mảng Máy chủ và Công cụ, Bob Muglia bằng Satya Nadella, kĩ sư lâu năm của Bing.
Bản quyền là vũ khí
Trở lại đầu những năm 2000, Microsoft quyết định cần phải chiến đấu chống lại hệ điều hành nguồn mở Linux. Cách Microsoft lựa chọn là tìm kiếm những bằng sáng chế Linux vi phạm, sau đó tiếp cận các nhà bán lẻ và nhà phân phối Linux, yêu cầu trả phí bản quyền. Khi có đại lí đồng ý, Microsoft công khai các giao dịch, gửi cảnh báo tới các đại lí khác của Linux.
Những nhân viên lâu năm của Microsoft tiết lộ Ballmer trực tiếp tham gia vào chiến lược này. Trong 2 năm qua, Microsoft cũng làm điều tương tự với Android và giành thắng lợi vang dội: Google đã phải chi trả 12,5 tỉ đô để mua lại Motorola Mobility với phần lớn nguyên nhân là thu về bằng sáng chế chống lại Microsoft. Microsoft nay còn kiếm nhiều tiền từ bằng sáng chế Android hơn từ nền tảng Windows Phone của riêng mình.