Khi quyết định chọn mua một chiếc smartphone, sẽ có hàng tá yếu tố khác nhau khiến bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng có phải cứ nhiều "chấm", tính năng nhiều là tốt?
Khi mà phần cứng đang có dấu hiệu trở nên bão hòa, người dùng lại chuyển sang tìm kiếm những thiết bị sở hữu nhiều tính năng hấp dẫn. Các nhà sản xuất cũng vì thế mà ra sức PR cho sản phẩm của mình với những loại tính năng “trên trời dưới biển”, thông minh đáng kinh ngạc hay những tính năng độc quyền không ai có.
Tuy nhiên, nhiều tính năng hơn cũng đồng nghĩa với việc bạn trong tư cách người mua hàng sẽ phải trả thêm tiền. Thực sự có những tính năng mà bạn sẽ thấy không bao giờ hoặc rất hãn hữu sử dụng đến. Sau đây, chúng tôi xin liệt kê 6 tính năng mà người dùng không cần đến khi chọn mua một chiếc smartphone.
1. Chip lõi tứ, camera nhiều “chấm” nhưng công nghệ cũ
Hai năm trước, một chiếc điện thoại thông minh sở hữu máy ảnh 5 megapixel đã là đáng nể. Năm ngoái, con số này tăng lên 8 megapixel. Còn hiện tại các nhà sản xuất liên tục trình làng những mẫu smartphone mới với camera lên đến 13 megapixel. Tuy nhiên, cảm biến hình ảnh với độ phân giải lớn có đảm bảo mang đến cho bạn một bức ảnh chụp chất lượng? Câu trả lời là chưa chắc.
Thực tế, iPhone 4 chỉ được trang bị camera 5 megapixel nhưng lại khiến nhiều mẫu smartphone Android có camera 8 megapixel phải "xấu hổ". Hay như Galaxy S3 và HTC One X đều sở hữu máy ảnh 8 megapixel, nhưng chất lượng chụp hình của HTC One X lại được đánh giá cao hơn. Rõ ràng, thông số kỹ thuật chưa đủ để chúng ta đưa ra kết luận cuối cùng. Sự kết hợp của một bộ cảm biến chất lượng và ứng dụng máy ảnh với các tùy chỉnh phù hợp mới là mấu chốt để đem lại những bức hình đẹp.
Bên cạnh đó, bạn có thể bắt gặp nhiều mẫu điện thoại đến từ Trung Quốc được trang bị hẳn vi xử lý lõi tứ nhưng "giá rẻ như cho". Những người không am hiểu nhiều về công nghệ di động sẽ nghĩ ngay đó là những món hời. Tuy nhiên, đó có thể là một cạm bẫy. Chẳng hạn, các vi xử lý lõi tứ MediaTek dựa trên nền Cortex-A7 là một công nghệ cũ có hiệu năng thậm chí thua kém các mẫu chip lõi kép đời mới nhưng đi kèm với đó là khả năng tiêu tốn năng lượng cũng nhiều hơn.
2. Những tính năng đi kèm nhưng không cải thiện chất lượng hình ảnh/video
Sự phong phú về khả năng tùy chọn nhiều thiết lập trong ứng dụng camera là một lợi thế nhất định, nhưng một số nhà sản xuất lại quá tham lam khi đưa vào những tính năng không giúp cải thiện chất lượng hình ảnh (hoặc video). Trong khi đó, ảnh chụp ở các thiết lập thông thường vẫn tỏ ra yếu kém và gây thất vọng.
Ví dụ: Gần đây nhất là tính năng HTC Zoe được trang bị trên chiếc smartphone HTC One. HTC Zoe sẽ cho phép người dùng ghi lại một tập hợp gồm 1 video HD dài 3,6 giây và 20 tấm ảnh. Đây là một tính năng mới lạ và hấp dẫn, tuy nhiên không giống như quảng cáo ban đầu, chất lượng camera Ultrapixel của HTC One đều thua thiệt trước các đối thủ như Lumia 920 hay Galaxy S4.
Những tính năng như chụp hình cùng lúc từ cả camera trước và sau trên LG Optimus G Pro hay Galaxy S4 là một bổ sung thú vị chứ chưa thể đạt giá trị cao như những công nghệ giúp cải thiện chất lượng ảnh. Chắc chắn, nếu các nhà sản xuất ứng dụng được các công nghệ như PureView hay OIS giống trên Lumia 920 thì đó lại là một tính năng hoàn toàn đáng tiền. Nếu lựa chọn một mẫu điện thoại thiên về chụp hình, bạn nên ưu tiên cần có các công nghệ như HDR, khẩu độ f/2.0 hoặc thấp hơn rồi hãy nghĩ tới một số tính năng “màu mè” khác.
3. Tính năng âm thanh theo phong trào và sự sành điệu
Đánh trúng tâm lý nhiều người dùng thích nghe nhạc trên smartphone, HTC đã đem công nghệ Beats Audio trên hầu hết các mẫu smartphone mới của mình. Nhưng thực tế thì Beats Audio vốn dĩ không hơn gì một tập hợp các thiết lập cân bằng âm thanh, và do đó người dùng phải cần thêm một ứng dụng EQ tốt từ bên thứ ba như Equalizer EQ để nâng cao chất lượng âm thanh ra khi chơi nhạc, video hay game.
4. Phím vật lý không cần thiết
Kể từ khi Android 3.x Honeycomb ra đời, Google đã cố gắng thuyết phục các nhà sản xuất điện thoại và máy tính bảng loại bỏ bớt các phím cứng không cần thiết. Thậm chí đối với hệ điều hành Android, các phím vật lý cơ bản như phím Home, Back hoặc Menu cũng có thể trở thành thừa thãi khi chúng được tích hợp trực tiếp trên màn hình máy.
Gần đây, LG Optimus G Pro lần đầu tiên bố trí một phím bấm khá kỳ lạ trên cạnh máy với tên gọi QButton. Theo mặc định, phím QButton sẽ cho phép người dùng bật nhanh ứng dụng QMemo. Nhưng để thể hiện sự đa năng, bạn có thể gán cho Qbutton mở một ứng dụng khác. Hay như một số mẫu smartphone trước đây ăn theo trào lưu Facebook sẵn sáng “chơi sang” khi dành riêng một phím cứng để làm nút “Like”. Đó thực sự là một sự lãng phí và mang tính quảng cáo nhiều hơn. Nhưng nếu trong trường hợp của Optimus G Pro thì Qbutton vẫn có thể chấp nhận được, bạn có thể gán cho nút này mở ứng dụng camera vì máy cũng chưa có sẵn nút chụp hình vật lý.
5. Tính năng chỉ hoạt động nếu có các smartphone tương tự đặt gần nhau
Thị trường smartphone đặc biệt là Android đang có sự phân mảnh rất rõ rệt. Vì vậy, một tính năng chỉ dành riêng cho một hoặc một vài sản phẩm nhất định có thể làm hạn chế sự trải nghiệm của người dùng. Group Play trên Galaxy S4 là một tính năng như vậy. Tính năng này cho phép những người dùng Galaxy S4 có thể kết hợp lại với nhau để tạo nên một dàn âm thanh ảo phát ra từ chính những chiếc điện thoại này.
Hiện tại, Group Play mới chỉ hỗ trợ cho S4, ngay cả S3 hay Note 2 cũng không thể sử dụng được. Phải chăng, Samsung đang cố nhồi nhét thêm một tính năng mà ngay cả việc sử dụng trong thực tế cũng có phần không hợp lý khi hiện nay các dàn loa hay máy nghe nhạc cũng có thể làm nhiệm vụ này rồi. Đây vẫn chỉ là một chiêu trò PR khác của hãng điện tử Hàn Quốc mà thôi: “Tôi có Galaxy S4, bạn A có Galaxy S4, bạn cũng nên mua S4 đi và chúng ta sẽ cùng làm thành một dàn hợp xướng. Nghe cũng thú vị đó chứ”.
6. Công nghệ hiện đại của tương lai nhưng bạn sẽ không bao giờ dùng tới
Hiện nay, việc biến smartphone trở thành một cỗ máy thông minh hơn nữa luôn là động lực sáng tạo của các nhà khoa học. Thậm chí, chiếc điện thoại giờ đây đã có thể hiểu và làm theo khẩu lệnh của con người. Công nghệ này rất thú vị, tuy nhiên, bạn có thực sự cần đến nó hay không. Khi sử dụng smartphone ở nhà hay ở cơ quan và ngoài đường, liệu bạn có thường xuyên soạn tin nhắn và gửi đi bằng khẩu lệnh hay chưa. Hoặc đơn giản hơn, bạn dùng khẩu lệnh để yêu cầu smartphone đặt lịch hẹn hoặc tìm kiếm một nhà hàng gần vị trí bạn sống. Bạn sẽ nghĩ sao nếu smartphone không thể dịch được yêu cầu của bạn hoặc đưa ra những kết quả rất không chính xác. Rõ ràng, ít nhất 90% người dùng sẽ không thường xuyên sử dụng các tính năng này.
Điện thoại Pantech Sky A820L có tính năng vẫy tay để điều khiển.
Hay như một số điện thoại cao cấp hiện nay có tính năng vẫy tay để xem ảnh hoặc trả lời điện thoại. Đây là một tính năng rất thông minh nhưng tính ứng dụng cũng không thấy đâu cả. Bạn thử đặt tình huống mình có cuộc gọi đến, bạn đưa tay vào túi quần lấy điện thoại ra, thay vì một chạm đơn giản để nhấc máy thì bạn lại phải vẫy tay để trả lời. Nhiều người nhìn thấy có khi sẽ còn không biết bạn đang làm gì nữa.
Mới đây, công nghệ điều khiển smartphone bằng mắt đã được giới thiệu. Các nhà phát triển đã giới thiệu một đoạn video cho thấy người dùng thậm chí có thể “chém hoa quả” bằng mắt nhưng thực sự bản thân tôi cũng chưa hiểu làm thế nào mắt người lại có thể bỏ qua “trái bom” để không chém nhầm cho được. Có thể đó sẽ là một cơ chế thần kỳ nào đó nhưng nhiều khi đôi bàn tay vẫn đem lại cảm giác chính xác và thực tế hơn cả, khi sử dụng một chiếc smartphone.
Kết luận
Tổng kết lại khi bạn quyết định mua một chiếc smartphone, hãy hết sức lưu ý rằng quảng cáo từ các nhà sản xuất luôn thổi phồng nhiều hơn là sự thật. Những tính năng hào nhoáng đó hiếm khi trở nên thực sự hữu ích, có khi còn phản tác dụng như xử lý thiếu chính xác hay gây tốn pin. Vì vậy những tiêu chí quan trọng nhất đối với một chiếc điện thoại là: Thiết kế thoải mái, màn hình hiển thị tốt, tuổi thọ pin dài và phần mềm phù hợp với nhu cầu sử dụng của bạn.