Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, số liệu thống kê năm 2011 cho thấy, chỉ có 35% các cơ quan, tổ chức đã xây dựng, áp dụng chính sách an toàn thông tin (ATTT) và số vụ việc mất ATTT đang gia tăng ở mức báo động.
Phát biểu tại Hội thảo xây dựng chính sách đảm bảo ATTT trong việc phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam ngày 25/5, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, theo báo cáo đánh giá xếp hạng Trang/Cổng thông tin và mức độ ứng dụng CNTT năm 2011, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã cung cấp gần 100.000 dịch vụ công trực tuyến (có hơn 800 dịch vụ mức độ 3 và 8 dịch vụ mức độ 4). Những ứng dụng nội bộ phục vụ chỉ đạo, điều hành đã và đang được khai thác, mở rộng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhận định, vấn đề ATTT đang đặt ra nhiều thách thức, số liệu thống kê 2011 cho thấy, chỉ có khoảng 35% cơ quan, tổ chức đã xây dựng và áp dụng chính sách ATTT. Các Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước còn tồn tại nhiều lỗ hổng, chưa áp dụng những giải pháp đảm bảo ATTT phù hợp. Những vụ việc mất ATTT, vấn nạn thư rác, tấn công xâm nhập gia tăng ở mức báo động về số lượng, đa dạng về hình thức và ngày càng tinh vi hơn.
Vì vậy, "bên cạnh việc đảm bảo ATTT về mặt kỹ thuật, môi trường pháp lý, hệ thống cơ chế, chính sách về ATTT cần được hoàn thiện, quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của đối tượng liên quan", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT), đối với việc ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành, tỷ lệ cán bộ thường xuyên sử dụng email khá cao (trên 80% đối với cơ quan cấp Bộ, trên 60% ở cấp quận/huyện). "Mặc dù vậy, vấn đề an toàn, an ninh, xây dựng quy chế sử dụng email vẫn chưa được chú trọng”, ông Phúc nói.
Hội thảo xây dựng chính sách đảm bảo ATTT trong việc phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam diễn ra trong bối cảnh các tổ chức tin tặc đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các cơ quan chính phủ của nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Iran... để lại hậu quả nghiêm trọng. Chính phủ một số quốc gia cho rằng, chủ nghĩa tin tặc có khi còn nguy hiểm hơn chủ nghĩa khủng bố và đưa ra nhiều chương trình phòng thủ an ninh trên mạng.