Chỉ với các dấu hai chấm, gạch ngang và ngoặc đơn đóng, giáo sư Scott E. Fahlman thuộc đại học Carnegie Mellon (Mỹ) đã tạo ra nét biểu cảm sinh động :-) cho các tin nhắn trên máy tính. Ngày 19/9 năm nay, khuôn mặt cười của Internet tròn 25 tuổi.
Lúc đó, người ta đang tranh cãi với nhau về những hạn chế trong việc biểu hiện sự hài hước ở thế giới mạng. Thế là Fahlman gửi ngay tin nhắn chứa hình :-) cho một bảng tin trực tuyến. "Hãy đọc theo chiều ngang nhé", ông viết.
Giáo sư Scott E. Fahlman và gương mặt cảm xúc đầu tiên cách đây 25 năm. |
Sự gợi ý này đã mang lại cho người dùng máy tính một cách thức mới để chuyển tải thông điệp cảm xúc một cách rõ ràng hơn với những ký tự bàn phím. Hàng loạt ý tưởng khác đã ra đời như :-( (buồn), :-P (lè lưỡi), :-D (cười hở răng), :-O (ngạc nhiên)... Những khuôn mặt cảm xúc (gọi là smiley hay emoticon) như vậy nhanh chóng được dùng trong giới sinh viên các trường đại học rồi lan sang những công ty và cuối cùng là cả thế giới.
Các chuyên gia ngôn ngữ cho rằng những gương mặt đó chính là cách biểu hiện tình cảm dễ dàng nhất cho người giao tiếp qua mạng, bị cách trở vì điều kiện địa lý và không nhìn thấy nhau. Sau này, emoticon trong công cụ chat như Yahoo Messenger, Windows Live Messenger... được phát triển thành các gương mặt có nét biểu cảm sinh động (dưới dạng ảnh và hình động). Giới trẻ tiếp nhận phần mềm chat và mặt cười một cách tự nhiên như một phần tất yếu của cuộc trò chuyện. Thậm chí có người "nghiện chat" khi giao tiếp thực cũng bày tỏ nét mặt và hành động của mình theo cách của emoticon như chớp chớp mắt liên tục, vừa cau mày vừa bấm ngón tay trên mặt bàn...
Để đánh dấu sinh nhật này, Fahlman và các đồng nghiệp tổ chức một cuộc thi nhỏ cho sinh viên để tìm kiếm những sáng tạo mới cho công nghệ liên lạc. Cuộc thi mang tên Smiley Award (giải thưởng mặt cười) do Yahoo tài trợ trị giá 500 USD.
Những hình biểu tượng cảm xúc như thế này giờ đây đã là một phần
không thể thiếu trong những cuộc giao tiếp bằng tin nhắn trên mạng