Apple đã làm được một điều chưa từng có với một tập đoàn tầm cỡ như vậy: doanh số liên tục tăng với tốc độ 2, thậm chí 3 con số mỗi năm, để rồi vươn lên trở thành công ty có mức vốn hóa lớn nhất Mỹ.
Với giá trị vốn hóa thị trường 337,17 tỷ USD, Apple đã chính thức giành ngôi vương suốt nhiều năm qua của Exxon Mobil. Hãng dầu nhớt này đã tụt xuống vị trí số hai khi chỉ đạt vốn hóa 330,77 tỷ USD.
Trong vòng 2 năm, giá trị vốn hóa thị trường của Apple đã đánh bại những tập đoàn khổng lồ khác như Microsoft, IBM, Wal-Mart và Cisco.
Dưới đây là một số yếu tố đưa giá trị của Apple lên hàng bậc nhất thế giới theo tổng hợp của 24/7 Wall St.
1. Sản phẩm liên tục được cải tiến
Apple có khả năng liên tục trình làng những phiên bản mới của cùng một sản phẩm, bằng cách cải tiến chúng. Máy tính Mac lần đầu tiên được ra mắt công chúng vào những năm 1980. Hiện tại, Mac đã có đủ loại kích cỡ, bộ xử lý và tính năng phần mềm. Gần đây, doanh số sản phẩm này đã đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Một ví dụ điển hình khác minh chứng cho khả năng “tái tạo” sản phẩm của hãng này là iPod, được bày bán lần đầu tiên năm 2001. Trong thập kỷ qua, đã có hơn 10 phiên bản lớn của iPod ra đời.
Trên hết, điểm nhấn đáng chú ý nhất của Apple về khả năng này chính là iPhone. Tới đây, hãng sẽ cho xuất xưởng iPhone 5. Tuy các tính năng cơ bản chủ yếu vẫn được giữ nguyên, nhưng sản phẩm phiên bản sau của Apple luôn phổ biến hơn phiên bản trước.
2. Sản phẩm mới
Trong vòng 20 năm, sản phẩm duy nhất của Apple chỉ là máy tính Mac. Nhưng hãng này đã không ngừng làm phong phú thêm kho sản phẩm của mình với iPod, iPhone và iPad. iPod đã có mặt trên thị trường được 10 năm, iPhone là 3 năm, còn iPad mới vẻn vẹn một năm. Không một hãng nào trên thế giới có khả năng trình làng sản phẩm mới với tốc độ nhanh như Apple. Doanh số bán sản phẩm sau đều cao hơn sản phẩm trước.
3. Lợi nhuận khổng lồ
Tỷ lệ lãi gộp của Apple đạt hơn 41% và tăng chắc trong những quý vừa qua. Đây là điều chưa từng có trong ngành công nghiệp phần cứng và giúp tập đoàn có giá hơn trong mắt các nhà đầu tư. Nhờ vào quy mô và tồn quỹ lớn mà Apple có thể lựa chọn nhà cung cấp thiết bị với giá thành thấp nhất.
4. Nhân vật đại diện xuất sắc
Steve Jobs đã trở thành một nhân vật được ngưỡng mộ trong mắt khách hàng và các nhà đầu tư của Apple. Hiện tại, ông là một trong những CEO, nếu không muốn nói là một trong những người nổi tiếng nhất thế giới. Jobs được xem như là người tạo ra mỗi sản phẩm của Apple, từ khâu thiết kế đến tiếp thị. Người ta không quan tâm đến chuyện trên thực tế, ông không thể làm tất cả từ đầu đến cuối.
5. May mắn
Apple thực sự rất may mắn. Trước đây, chỉ thiếu chút nữa hãng đã không vượt qua nổi sự tấn công như vũ bão của loạt máy tính với hệ điều hành Windows. Apple cho ra mắt iPod đúng vào thời điểm Sony đang thống trị thị trường với dòng sản phẩm Walkman. Tuy nhiên, Sony đã chậm chân trong việc nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm kỹ thuật số. Sau đó, Apple giới thiệu sản phẩm iPhone trong bối cảnh thị trường điện thoại di động gần như đã bão hòa. Song, đó cũng là lúc các vấn đề về thiết kế của Nokia nổi lên, doanh số bán RAZR của Motorola giảm sút, cũng như BlackBerry chỉ được RIM nhắm đến thị trường doanh nhân.
6. Hệ thống phân phối
Apple có mối liên hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ không dây và các nhà phân phối. Hãng có thể khiến AT&T phải bỏ ra hơn 400 USD cho một điện thoại để được độc quyền phân phối iPhone. Cũng với phương pháp này, Apple đã bắt tay với một số nhà cung cấp tại châu Âu, và sau đó là tại Nhật Bản và Trung Quốc.
Tương tự với các nhà bán lẻ trên mạng. Sản phẩm của Apple là một điểm nhấn lý tưởng để thu hút khách hàng đến với các trang thương mại điện tử, và tất nhiên là để gia tăng doanh số bán hàng nữa. Sản phẩm của hãng có mặt trên các trang chủ của bestbuy.com, và có một vị trí đặc biệt tại các gian hàng điện tử của những doanh nghiệp bán lẻ như Wal-Mart.
7. Kho ứng dụng khổng lồ
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng kho ứng dụng cho các sản phẩm của hãng, đặc biệt là cho iPhone và iPad đã tạo ra lượng khách hàng trung thành khổng lồ với thị trường smartphone và máy tính cá nhân.
Với 400.000 ứng dụng Apple đang sở hữu, sản phẩm iPhone có thể được cá nhân hóa để không cái nào giống cái nào. Những công ty phần mềm và Internet mạnh nhất thế giới đã xây dựng và tích cực quảng bá cho ứng dụng của Apple như là một cách hữu hiệu để thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ.
Không một hãng phát triển game, trang web lớn, kênh truyền thông xã hội hay nhà cung cấp phần mềm máy tính lớn nào không dùng ít nhất một ứng dụng được sử dụng trên sản phẩm của Apple.
8. Âm nhạc và phim ảnh
iTunes là nhà phân phối nội dung truyền thông lớn nhất thế giới. Sản phẩm TV của Apple đã đem nội dung trên các sản phẩm truyền thông của hãng đến tận phòng khách của các gia đình. Dịch vụ iCloud mới đây cho phép người sử dụng tiếp cận với các kho dữ liệu truyền thông của họ từ bất kỳ thiết bị có liên kết với iTune nào trên thế giới.
9. Tiếp thị
Quảng cáo năm trên truyền hình năm 1984 của Apple cho máy tính Mac vẫn là một trong những chiến dịch quảng cáo ấn tượng nhất trong lịch sử.
Chiến dịch “Think Difference” của hãng từ cuối những năm 1990 cũng tương tự, sử dụng hình ảnh các nhân vật như Albert Einstein và Thomas Edison. Hay mới đây, quảng cáo thêm album của ban nhạc The Beatles lên iTunes đã được trình chiếu trên khắp thế giới.
Quảng cáo “Mac vs. PC” cũng là một trong những chương trình tiếp thị được bàn luận sôi nổi nhất trong vòng 2, 3 năm qua. Apple có khả năng làm cho người ta tin rằng họ có mặt ở khắp mọi nơi. Và trên thực tế đã gần như vậy.
10. Thiết kế sản phẩm
Các sản phẩm của Apple liệu có thiết kế ưu việt hơn các hãng đối thủ? Dường như phản ứng của thị trường đã cho thấy điều đó. Thiết kế nút bấm trên một vòng tròn của iPod giúp tránh nhầm lẫn các phím. Máy tính Mac gọn nhẹ trong khi đa số sản phẩm cùng loại khác lại cồng kềnh, nặng nề. IPhone có bàn phím cảm ứng thay vì hàng loạt nút bấm theo bảng chữ cái bé xíu. IPad mỏng hơn đa số sản phẩm laptop trên thị trường. Các tính năng máy ảnh, video, đa nhiệm đều được đánh giá vượt trội so với sản phẩm của các hãng khác.