Tên lửa Long March 5B (Trường Chinh 5B) của Trung Quốc được phóng lên vũ trụ vào lúc 2h22 hôm 24/7 từ đảo Hải Nam mang theo phòng thí nghiệm Vấn Thiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tên lửa này đang rơi tự do trở về khí quyển Trái Đất. Tên lửa Long March 5B nặng 23 tấn nên nhiều chuyên gia lo ngại rằng nó sẽ không cháy hết trong khí quyển mà các mảnh vỡ từ tầng đầu tiên sẽ rơi không kiểm soát xuống mặt đất. Dự kiến, thời gian chạm đất là vào tuần tới.
Michael Byers, giáo sư Đại học British Columbia, cho biết, tên lửa sẽ vỡ thành nhiều mảnh khi đi vào khí quyển, một số trong đó có kích thước khá lớn và sẽ rơi xuống mặt đất.
Holger Krag, Giám đốc văn phòng rác vũ trụ thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho biết, theo dự đoán các mảnh vỡ từ tên lửa Trung Quốc sẽ rơi xuống khu vực nằm trong phạm vi từ 44 độ vĩ Bắc tới 44 độ vĩ Nam. Tuy nhiên, phải đến những giờ cuối cùng mới có thể xác định được vị trí chính xác nơi các mảnh vỡ rơi xuống.
Theo ước tính của NASA, khả năng mảnh vỡ rơi xuống khu dân cư rất thấp, chỉ vào khoảng 1/3.200.
Đây là không phải là lần đầu tiên Trung Quốc để mảnh vỡ từ tên lửa của nước này rơi không kiểm soát từ vũ trụ về Trái Đất.
Trước đó, 2 sự kiện tương tự cũng xảy ra. Vào năm 2021, tầng chính của một tên lửa Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ Dương gần Maldives khoảng 10 ngày sau khi phóng. Năm 2020, mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc bao gồm phần ống dài hơn 12m rơi xuống hai ngôi làng ở Bờ Biển Ngà, phá hủy một số tòa nhà.