Các nhà khoa học đảm nhận sứ mệnh Mars Express của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) vừa tuyên bố phát hiện ra sự tồn tại của hàng loạt hồ nước lỏng ở nhiều kích thước nhau bị “chôn vùi” dưới lớp băng trên hành tinh đỏ - một phát hiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc chứng minh dấu vết của sự sống trên sao Hỏa, một trong những hành tinh sở hữu nhiều đặc điểm giống với Trái đất nhất trong hệ mặt trời.
Bằng cách sử dụng hệ thống radar tiên tiến chuyên thăm dò lớp dưới thổ nhưỡng và tầng điện ly Sao Hỏa MARSIS (Mars Advanced Radar for Subsurface and Ionosphere Sounding), các nhà khoa học đã tìm thấy cùng lúc ba hồ nước lỏng. Trước đó, cũng chính cơ quan này đã phát hiện ra sự tồn tại của một hồ chứa ngầm trên bề mặt sao Hỏa vào năm 2018.
Trong số ba hồ chứa ngầm mới được phát hiện, cái lớn nhất có diện tích khoảng 20km x 30km và được bao quanh bởi một số hồ chứa nhỏ hơn, tạo thành một hệ thống hồ nước gầm có mối liên hệ mật thiết với nhau, cũng như có thể chứa đựng nhiều khám phá chưa từng được biết đến.
Theo nhận định của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thiên văn học, khám phá mới nhất của đội ngũ Mars Express làm dấy lên khả năng về sự tồn tại của một (hoặc nhiều) hệ thống hồ chứa cổ nằm bên dưới lớp băng trên bề mặt sao Hỏa, với niên đại có thể lên tới hàng tỷ năm tuổi. Đây sẽ là địa điểm lý tưởng để tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa, nhưng tất nhiên việc tiếp cận chúng không hề đơn giản.
Vào năm 2018, Tàu quỹ đạo do thám sao Hỏa (Mars Reconnaissance Orbiter) của NASA cũng đã tìm thấy các địa điểm có những mỏ băng dày lộ thiên trên bề mặt sao Hỏa. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác mới được công bố vào tháng một năm nay đã cho thấy chỉ còn một lượng rất nhỏ hơi nước còn lại trong bầu khí quyển của sao Hỏa, và lượng nước này cũng đang mất đi thậm chí còn nhanh hơn những khám phá trước đây, làm giảm cơ hội tìm thấy nước bề mặt trên hành tinh này.
Có thể sự sống đã từng tồn tại trên Hành tinh Đỏ ở thời điểm nó vẫn đang sở hữu một môi trường “lành tính” hơn nhiều.