Trong những cách thức khác nhau mà một hành tinh kết thúc vòng đời, sự kiện này có lẽ thuộc dạng kinh hoàng nhất: một hành tinh di chuyển ngày càng gần về phía ngôi sao chủ, nóng dần lên khi xoáy vào bên trong, cho đến khi vượt qua điểm không thể quay lại và bị ngôi sao nuốt chửng trong một vụ nổ ánh sáng dữ dội. Đó chính là những gì đã xảy ra trong sự kiện có tên ZTF SLRN-2020, và giờ đây, Kính viễn vọng Không gian đắt giá nhất thế giới James Webb (JWST) đang quan sát chặt chẽ để tìm hiểu thêm những chi tiết thú vị về hiện tượng hiếm gặp này.
Một khám phá bất ngờ
Tiến sĩ Ryan Lau, trưởng nhóm nghiên cứu tại NOIRLab, cho biết: "Vì đây là một sự kiện chưa từng được ghi nhận rõ ràng, chúng tôi không hoàn toàn biết sẽ thấy gì khi hướng kính Webb vào nó. Nhờ khả năng quan sát hồng ngoại với độ phân giải cao, chúng tôi đang thu thập những hiểu biết quý giá về số phận cuối cùng của các hệ hành tinh – có lẽ bao gồm cả hệ Mặt Trời của chúng ta".
Ban đầu, các nhà thiên văn cho rằng hành tinh bị phá hủy khi ngôi sao phình to và nuốt chửng nó. Nhưng dữ liệu mới từ JWST cho thấy một kịch bản khác: hành tinh này đã xoáy dần vào trong cho đến khi bị ngôi sao hút mất.

Quá trình "tan chảy" kinh hoàng
Nhà nghiên cứu Morgan MacLeod từ Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian giải thích: "Hành tinh ban đầu chỉ chạm vào bầu khí quyển của ngôi sao, nhưng sau đó quá trình rơi vào trở nên không thể kiểm soát. Khi bị hút vào, nó dần bị 'bào mòn' và trải rộng xung quanh ngôi sao".
Khi hành tinh cuối cùng bị hút vào lõi sao, nó làm bắn ra các lớp khí từ bầu khí quyển ngoài của ngôi sao. Lượng khí này dần nguội đi và tạo thành một đám mây bụi lạnh bao quanh ngôi sao. Bên trong đám bụi này, các nhà khoa học còn phát hiện một đĩa khí nhỏ hơn chứa carbon monoxide (CO) nằm gần ngôi sao.
Sự kiện này cực kỳ hiếm, nhưng nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ quan sát được nhiều hơn trong tương lai nhờ JWST và các đài quan sát hiện đại sắp đi vào vận hành như Đài thiên văn Vera C. Rubin và Kính viễn vọng Không gian Nancy Grace Roman của NASA.