Những chiếc bồn cầu có chức năng sưởi, tự động rửa hay có thể thiết lập được chương trình phục vụ chưa phải là những chiếc bồn cầu thông minh thật sự.
Từ năm 2020, một nhóm kỹ sư tại Đại học Y khoa Stanford do tiến sĩ tiết niệu học Seung-min Park đứng đầu đã triển khai một dự án phát triển ra một chiếc bồn cầu được trang bị camera và các thuật toán máy học (machine-learning).
Các nhà nghiên cứu cho biết, mục đích của việc trang bị công nghệ hiện đại này là giúp tính toán "tốc độ dòng chảy và khối lượng nước tiểu bằng thị giác máy tính".
Ngoài ra, camera và thuật toán này còn có thể cho biết một số vấn đề sức khỏe mà người dùng gặp phải như táo bón, bệnh trĩ, bệnh tiết niệu, dấu hiệu máu trong phân cảnh báo ung thư… thông qua phát hiện màu sắc nước tiểu và phân, trong một thang đo được gọi là bảng phân loại Bristol.
Chiếc bồn cầu thông minh thực sự này còn có một tính năng đặc biệt là nhận diện vân hậu môn.
Tiến sĩ Park cho biết, việc sử dụng chất thải và hậu môn của con người như một bộ nhận diện sinh trắc học đã được biết đến từ lâu. Đại danh họa Salvador Dalí ở thế kỷ trước đã từng phát hiện trên mỗi lỗ hậu môn có khoảng 35 - 37 nếp nhăn khác nhau, và chúng cá biệt hóa giống như vân tay vậy.
Nhóm nghiên cứu cho biết, tính năng kỳ lạ là một phần của công nghệ bảo mật, nhằm tránh tình trạng nhầm lẫn, xáo trộn dữ liệu trong quá trình trải nghiệm bồn cầu của người dùng.
Xu hướng thông minh hóa nhà vệ sinh
Ngoài tiến sĩ Park và Đại học Y khoa Stanford, một số nhóm nghiên cứu khác trên thế giới cũng có ý tưởng về những chiếc bồn cầu thông minh. Năm 2021, một nhóm các kỹ sư tại Đại học Duke cũng đã công bố một nguyên mẫu nhà vệ sinh thông minh có chức năng phân tích để tìm kiếm sự hiện diện của máu và các protein cụ thể trong chất thải con người nhờ được trang bị camera, các cảm biến sinh hóa và cả công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Chức năng này có thể giúp cảnh báo sớm người dùng về nguy cơ bệnh tật, bao gồm cả COVID-19.
Một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe là Casana cũng đang phát triển một bệ ngồi toilet đặc biệt có các chức năng đo huyết áp, nhịp tim và cả nồng độ oxy trong máu.
Năm 2015, Google cũng từng đăng ký một bằng sáng chế bệ ngồi toilet thông minh có chức năng theo dõi tim mạch.
Toi Labs, một công ty khác cũng có chung ý tưởng này khi họ phát triển các bệ ngồi bồn cầu có chức năng cân và thu thập thông tin sinh trắc học. Chiếc ghế có thể phân tích khối lượng, độ trong, độ đậm đặc và màu sắc của phân và nước tiểu để cảnh báo bệnh đường tiết niệu, sinh dục và tiêu hóa.
Liệu người dùng có sẵn sàng ngồi xuống một chiếc bồn cầu chụp ảnh mình?
Bản thân các nhà nghiên cứu và các hãng phát triển toilet thông minh biết rằng không phải ai cũng đồng ý ngồi xuống một chiếc bồn cầu có camera hướng lên chụp ảnh họ, một vị trí và trong hoàn cảnh nhạy cảm.
Không chỉ lo lắng về chiếc camera chụp ảnh hậu môn mà người dùng còn đặt ra vấn đề về việc dữ liệu của họ đang được thu thập.
Phân và nước tiểu không chỉ tiết lộ tình trạng sức khỏe của bạn mà còn có thể phát hiện bạn có đang sử dụng ma túy hay chất kích thích hay không. Những thông tin này có thể bị thu thập, sử dụng bởi các công ty bảo hiểm để quảng cáo hoặc đưa ra những gói hợp đồng ưu tiên dành cho người khỏe mạnh.
Khi nhà vệ sinh được thông minh hóa, nó không còn là một nơi riêng tư của con người nữa. Để giải quyết vấn đề này, tiến sĩ Park và các nhà khoa học Stanford quyết định đưa toàn bộ dữ liệu mà chiếc bồn cầu thông minh của họ thu thập lên hệ thống lưu trữ trên mây thông qua kết nối không dây thay vì trong toilet. Những dữ liệu này đều được mã hóa end-to-end để đảm bảo tính bảo mật. Các nhà khoa học có thể dễ dàng tải về thông tin thu thập được ở dạng hình ảnh, video với chú thích rõ ràng, chi tiết theo từng người dùng cụ thể để tiến hành nghiên cứu.
Tiến sĩ Park cho biết thêm, một thuật toán đặc biệt được phát triển để phân loại dữ liệu ảnh hậu môn, có khả năng tự động xử lý dữ liệu mà không cần sự can thiệp của con người.