Vào một sáng chủ nhật đẹp trời, một người bạn gửi cho tôi bức ảnh về một hàng người đang đứng chờ trước cửa hàng Palo Alto Whole Foods. Đó là bìa của ấn bản đặc biệt "Founding Fathers of Silicon Valley" (Tạm dịch: Những nhà sáng lập của thung lũng Silicon) được xuất bản bởi Newsweek. 7 khuôn mặt trên tờ bìa này bao gồm: Bill Gates, Mark Zuckerberg, David Packard, Bill Hewlett, Jeff Bezos, Elon Musk và Steve Jobs.
Bỏ qua thực tế là 3 trong số 7 người đàn ông này không sống tại Vịnh San Francisco. Ít nhất một trong số họ cũng chưa được sinh ra khi những vườn cây ăn quả ở thung lũng lần đầu tiên được chuyển đổi thành một vùng đất trống nhằm phục vụ cho cuộc cách mạng máy tính. Rõ ràng, sự thật đang dần trở nên rất khó hiểu.
Thực tế, không chỉ có 7 cái tên trên, thung lũng Silicon trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới còn có sự đóng góp của rất nhiều những người phụ nữ tài ba khác. Họ là những nhà đồng sáng lập không hề được có mặt trên các bìa tạp chí. Họ là những nhà khoa học máy tính không lựa chọn ra đi để gây dựng sự nghiệp riêng, thay vào đó, họ tạo ra những đóng góp quan trọng bằng cách dành hàng giờ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Họ là những con người có đam mê mãnh liệt đối với công nghệ.
Dưới đây là 6 người phụ nữ đứng đằng sau sự phát triển vượt bậc của thung lũng Silicon mà tôi tạm đặt tên là "Founding Mothers of Silicon Valley" như là cách để khẳng định rằng: không chỉ đàn ông, phụ nữ họ cũng có thể tạo ra rất nhiều điều kỳ diệu.
1. Judy Estrin
Vào năm 1975, Judy Estrin làm việc trong một nhóm nghiên cứu tại Stanford chịu trách nhiệm phát triển Internet. Thời điểm ấy, bà là một học viên cao học và chính nhờ niềm đam mê của mình, Estrin đã có đóng góp rất lớn cho các giao thức mạng, tạo tiền đề hình thành nên kiến trúc cơ bản của Internet.
Sinh ra trong một gia đình có cả bố lẫn mẹ đều là các nhà khoa học máy tính, Judy Estrin cũng hướng mình đi theo con đường này. Bà lựa chọn nghiên cứu về toán học và khoa học máy tính tại Đại học California, Los Angeles và sau đó, nhận bằng thạc sĩ về kỹ thuật chế tạo máy tại Đại học Stanford. Bà nhớ rõ lần về nhà sau khi kết thúc buổi học về khoa học máy tính đầm đìa nước mắt và phải thức cả đêm để vận hành một chương trình. Nói về kỷ niệm này, Estrin chia sẻ: "chìa khóa để giải quyết các vấn đề về lập trình - mà tôi nghĩ chúng ta cũng có thể ứng dụng vào trong cuộc sống - đó chính là phải nhìn vào vấn đề lớn nhất và tách nó ra thành các vấn đề nhỏ, sau đó, tìm giải pháp cho từng cái một".
Trên tất cả, Estrin hiểu được các hệ thống mạng. Nỗ lực khởi nghiệp đầu tiên của bà là Bridge Communications – một công ty bà sáng lập cùng chồng và một số người bạn khác vào năm 1981 nhằm kết nối các mạng lưới không tương thích với nhau lại và khiến chúng hoạt động bình thường. Công ty này chính thức ra mắt vào năm 1985 và được bán cho 3Com 2 năm sau đó với giá hơn 200 triệu USD.
Ngay sau đó, Estrin cùng chồng tiếp tục tham gia vào nhóm sáng lập Network Computing Devices cung cấp các máy trạm Unix (Unix workstation) với chi phí thấp và đồ họa mạnh mẽ (chính thức ra mắt vào năm 1992). 3 năm sau đó, cặp đôi này lại tiếp tục sáng lập Precept Software – một công ty cung cấp dịch vụ stream video qua Internet. Năm 1998, Cisco mua lại Precept Software với giá 84 triệu USD và đề nghị Estrin làm giám đốc điều hành mảng công nghệ. Tại thời điểm đó, đây là công ty mạng lớn nhất thế giới.
Hai năm sau đó, Estrin rời Cisco để làm những việc bà muốn. Bà tiếp tục cho ra đời 5 startup và năm 2008, xuất bản cuốn sách về cải tiến. Ngoài ra, Estrin cũng nằm trong ban điều hành của 3 công ty đại chúng – FedEx (20 năm), Sun Microsystems (8 năm) và The Walt Disney Company (15 năm) cùng rất nhiều công ty khởi nghiệp khác (bao gồm cả Medium).
2. Lynn Conway
Vào năm 1968, Lynn Conway đã bị sa thải khỏi IBM Research do bị phát hiện đã tiến hành thay đổi giới tính. Conway đến IBM 5 năm trước khi bắt đầu nghiên cứu vật lý tại MIT và sau đó là Columbia. Trong suốt thời gian này, bà đã đóng góp rất nhiều trong việc tiên phong hình thành các công nghệ siêu máy tính. Sau khi bị sai thải, bà đầu quân cho Memorex - ở thời điểm đó là một công ty máy tính còn khá non trẻ.
Vào năm 1973, Conway được làm việc tại Xerox Palo Alto Research Center (PARC) – một trung tâm nghiên cứu nổi tiếng rất uy tín trong việc phát minh ra máy tính cá nhân, máy in laser, màn hình máy tính và nhiều thứ khác. Cùng với một số đồng nghiệp, Conway chịu trách nhiệm khởi động một sự cải tiến trong thiết kế microchip vào những năm 1970 dẫn tới một cách tiếp cận mới về thiết kế chip. Việc tích hợp một loạt các phương pháp trên quy mô lớn (VLSI) cho phép các kỹ sư có thể kết hợp hàng chục ngàn mạch transitor trên cùng một chip. Về sau, cuốn cẩm nang của họ đã trở thành "kinh thánh" về thiết kế chip.
Sau đó, Conway gia nhập DARPA. Trong vai trò là phó giám đốc về điện toán chiến lược, bà đã lập kế hoạch cho những nỗ lực vô cùng lớn trong thập niên 80 để mở rộng công nghệ dựa trên các hệ thống vũ khí thông minh hiện đại. Năm 1985, bà trở thành giáo sư cho EECS và Associate Dean of Engineering tại Đại học Michigan. Khi đã nghỉ hưu, những câu chuyện về ngày đầu làm việc của Conway tại IBM bắt đầu được hé lộ. Chính vì sự miệt thị đối với những người thay đổi giới tính, bà bắt đầu tham gia các chương trình với cương vị là nhà hoạt động ủng hộ việc chuyển đổi giới tính. Trong một buổi chia sẻ về hành trình cuộc đời mình, Conway nói: "nếu bạn muốn thay đổi tương lai, bạn phải bắt đầu sống như thể bạn đã tạo ra được những thay đổi đó".
3. Sandy Kurtzig
Doanh nhân về phần mềm đầu tiên sở hữu hàng triệu USD đó là Sandy Kurtzig. Tuy nhiên, đây không phải là mục tiêu ban đầu của bà. Năm 1972, bà bỏ công việc part-time bán máy tính cho General Electric để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình riêng của mình. Tránh nhàm chán, bà bắt đầu kinh doanh phần mềm, đầu tư 2.000 USD tiền tiết kiệm và điều hành "công ty nhỏ" tại nhà. Phần mềm của Kurtzig chủ yếu hỗ trợ các công ty sản xuất theo dõi hàng tồn kho, bán hàng, hoạt động tài chính, sản xuất và các công việc trên một quy mô mà trước đây chỉ có thể được lưu trữ trên những chiếc máy tính lớn có bộ nhớ khổng lồ và khá đắt. Bà gọi đó là ASK Computer Systems.
Để phát triển kinh doanh, bà bắt đầu sáng tạo. Vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm rất giới hạn vào đầu những năm 70 nên bà phải sử dụng hết lợi nhuận thu được. Với mong muốn tiếp cận được với các minicomputer (những máy tính cỡ trung bình, có kích thước thường lớn hơn PC) mà công ty cần, bà đã phải thuyết phục bạn bè tại nhà máy Hewlett-Packard gần nhà để có thể được sử dụng chúng vào các buổi tối. Kurtzig và đồng nghiệp phải làm việc từ 6 giờ tối cho tới 6 giờ sáng hôm sau – quá nhiều so với một công việc bán thời gian hay side project (dự án phụ). Đến năm 1978, Kurtzig thiết lập được một thỏa thuận với Hewlett-Packard bán những chiếc minicomputer đã được tải sẵn các chương trình. Khi chính thức được ra mắt vào năm 1981, công ty của bà đứng thứ 11 trong nhóm các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất quốc gia tại thời điểm đó.
Năm 1985, Kurtzig bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho các đam mê khác và chăm sóc hai cậu con trai của mình. Vài năm sau đó, tăng trưởng của công ty ở mức thấp và bắt đầu chững lại. Năm 1989, theo yêu cầu của ban điều hành, bà trở lại công ty và trong một vài năm, bà đã giúp cho doanh số các sản phẩm ASK bao gồm phần mềm cơ sở dữ liệu và bán hàng một lần nữa lại tăng lên chóng mặt. Hai năm sau, công ty này được bán cho Computer Associates.
Hiện tại, Kurtzig đang là nhà sáng lập và chủ tịch hội đồng quản trị của công ty phần mềm doanh nghiệp dựa trên đám mây Kennandy – một startup được đặt tên theo tên hai con trai của bà.
4. Donna Dubinsky
Trước iPhone hoặc thậm chí cả Blackberry, có một "Palm Pilot" – đây là một công ty sản xuất thiết bị cầm tay được thành lập bởi Palm và Donna Dubinsky là giám đốc điều hành nằm trong ban sáng lập.
Sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh Harvard, Dubinsky bắt đầu làm việc tại Apple vào năm 1981 trong vai trò là nhân viên hỗ trợ khách hàng. Vài năm sau đó, bà được giao nhiệm vụ điều hành một công ty con của Apple có tên là Claris.
Năm 1991, Dubinsky rời Apple và trở thành CEO của Palm nhờ những kiến thức cũng như kinh nghiệm mà bà đã tích lũy được trong thời gian làm việc cho "Táo Khuyết". Tại đây, bà được giao nhiệm vụ huy động vốn, mở rộng công ty và phát triển chiến lược bán hàng. Năm 1995, Palm được US Robotics mua lại. Dubinsky cùng đồng nghiệp thành lập Handspring chuyên cung cấp các thiết bị điện toán.
Năm 2005, Dubinsky và đội kỹ thuật của bà gia nhập Numenta với nỗ lực áp dụng công nghệ đảo ngược (reverse-engineer) đối với vùng necortex (tân vỏ não) của bộ não. Sau gần 10 năm làm việc trong thầm lặng, bà cùng đồng nghiệp đã bắt đầu công bố sản phẩm của mình. Trong một buổi chia sẻ, Dubinsky nhấn mạnh: "Hãy tưởng tượng bạn có thể tạo ra một bộ não với tốc độ xử lý thông tin nhanh hơn 1 triệu lần so với não người, không bao giờ mệt mỏi và thông minh chẳng khác gì một nhà toán học xuất sắc".
5. Sandy Lerner
Vào năm 1984, Sandy Lerner được giao nhiệm vụ quản lý các máy tính tại trường Cao học Kinh doanh của Đại học Stanford. Cùng với bạn trai và các thành viên khác trong nhóm, Lerner nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng của việc giúp các máy tính có thể "trò chuyện với nhau" và họ gọi ý tưởng ấy chính là "router".
Lerner đã từng là CEO tại Cisco, thành lập một công ty mỹ phẩm (sau đó bán lại cho Moet-Hennessy Louis Vuitton), đồng thời là tác giả của cuốn Second Impressions: Ava Farmer tiếp nối tác phẩm rất nổi tiếng của Jane Austen Kiêu hãnh và định kiến (Pride and Prejudice). Thời gian này, Lerner cũng bắt đầu tham gia vào hội phụ nữ khởi xướng cho các nghiên cứu về khoa học toán học tại Đại học Shenandoah và lời khuyên bà dành cho các doanh nhân đó là: đừng bao giờ trao cho các nhà đầu tuyên quyền kiểm soát công ty của bạn.
6. Diane Greene
Công việc đầu tiên của Diane Greene đó là thiết kế các giàn khoan dầu ở ngoài khơi. Bà tốt nghiệp khoa kỹ thuật chế tạo máy tại Đại học Vermont và kiến trúc hàng hải tại MIT. Tuy nhiên, vì là nữ giới nên Greene không được trực tiếp quan sát các giàn khoan dầu. Bà quyết định nghỉ việc và trải nghiệm những công việc khác.
Năm 1988, Greene nhận bằng thạc sĩ khoa học máy tính tại Đại học California ở Berkeley. Sau đó, bà làm việc cho Sybase, Tandem Computers và Silicon Graphics trước khi thành lập công ty cung cấp dịch vụ video stream có tên là Vxtreme. Công ty này được bán cho Microsoft với giá 75 triệu USD vào năm 1997.
Năm 1998, Greene cùng chồng (là giáo sư khoa học máy tính) cùng một số đồng nghiệp khác thành lập VMWare. Công ty này được xem là "người tiên phong" cho ngành công nghiệp ảo hóa. Trong một buổi nói chuyện vào năm 2013 có sự tham gia của các đại diện đến từ Ycombinator, Greene giải thích rằng ảo hóa là một lớp phần mềm nằm giữa phần cứng và hệ điều hành. "Nó giống như việc nghĩ rằng một hệ điều hành đang chạy trên một phần cứng nhưng kỳ thực không phải vậy". Chính xác là nó cho phép bạn chạy nhiều hệ điều hành cùng lúc. Năm 2004, Tập đoàn EMC đã mua lại VMWare với giá 635 triệu USD và Greene vẫn tiếp tục là giám đốc điều hành.
Năm 2007, Greene đầu quân cho Google và tiếp tục thành lập một startup cung cấp phần mềm doanh nghiệp có tên Bebop. Về sau, Google đã trả giá 380 triệu USD cho Bebop và bổ nhiệm Greene làm phó chủ tịch cấp cao của mảng giải pháp doanh nghiệp.