Những thứ tưởng chừng như mới được con người hiện đại phát minh như bê tông, màu nhuộm, ống nano... thực ra đã được người xưa sáng tạo và sử dụng từ cách đây hàng ngàn năm trước. Trong đó có những phát minh dù khoa học kỹ thuật đã rất phát triển nhưng chúng ta vẫn không thể lý giải được.
Bê tông La Mã
Từ nghìn năm trước, người La Mã cổ đại đã sử dụng bê tông để xây dựng nhiều tòa nhà và tượng đài trong thành Rome. Trải qua 2000 năm với biết bao tác động của môi trường, con người, các công trình kiến trúc đó vẫn tồn tại cho tới ngày nay.
Đấu trường La Mã tại Roma, Ý. (Ảnh: Diliff/wikimedia).
Thành phần bí mật có trong loại bê tông mà người La Mã cổ đại sử dụng để xây nhiều công trình như đền thờ Pantheon và đấu trường Colosseum là cát núi lửa và đá cẩm thạch (canxi hydroxide). Hỗn hợp này giúp tạo ra một mạng lưới tinh thể chịu được đứt gãy tốt, giúp cho bê tông La Mã có độ bền ưu việt hơn hẳn so với bê tông hiện đại.
Mái vòm Đền Pantheon – được làm hoàn toàn bằng bê tông. (Ảnh: MatthiasKabel/Wikimedia).
Màu nhuộm
Năm 1856, William Perkin đã sáng chế ra loại thuốc nhuộm hữu cơ đầu tiên khi vô tình phát hiện ra hợp chất mauveine tím trong lúc bào chế loại thuốc chống sốt rét quinin.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học có thể người Ai Cập đã tạo ra loại thuốc nhuộm tổng hợp vào năm 3000 trước Công nguyên để tạo ra nước men sử dụng trong gốm sứ.
Chất nhuộm Ai Cập.
Một hộp nhỏ nhuộm màu xanh dương của người Ai Cập cổ đại. Chiếc hộp hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Altes ở Berlin, Đức. (Ảnh: Bairuilong/wikimedia).
Bằng cách nung nóng một hỗn hợp gồm cát, tro, canxi cacbonat (có lẽ được chiết xuất từ vỏ sò, ốc...), và một quặng chứa đồng ở nhiệt độ trên 800°C, người Ai Cập cổ đại đã tạo ra silicat đồng canxi (CaCuSi4O10 hay CaOCuO(SiO2)4) màu xanh dương.
Công nghệ mạ crôm
Năm 1920, George Sargent được cho là người đã phát minh ra công nghệ mạ crôm ngày nay.
Nhưng vào năm 1970, khi khai quật đội quân đất nung nổi tiếng trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những thanh kiếm sắc bén vốn được phủ một lớp ôxít crôm mỏng. Đặc biệt, sau hai thiên niên kỷ, các lưỡi kiếm vẫn không hề bị gỉ. Người Trung Quốc cho rằng, những thợ rèn vũ khí vào triều đại đầu tiên của họ đã phủ một lớp ôxit crôm mỏng lên binh khí để bảo vệ chúng khỏi bị ăn mòn.
Thanh kiếm 2000 năm tuổi bằng đồng trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn còn sắc bén
Như vậy, công nghệ mạ crôm đã xuất hiện từ thời đại nhà Tần, Trung Hoa cổ đại. Không những thế, công nghệ người xưa sử dụng còn vượt trội hơn cả những công nghệ hiện đại nhất ngày nay.
Ống nano chế tạo thép Damascus
Năm 1991 đánh dấu sự ra đời của ống nano cacbon, một loại vật liệu mà sau này được coi như là một "kỳ quan của thế giới nano".
Các ống nano cacbon là một dạng thù hình của nguyên tố cacbon và chúng được cấu tạo từ nhiều hình trụ với các vách ngăn có độ dày chỉ bằng một nguyên tử. Cấu trúc tinh thể đặc biệt này đã làm cho ống nano cacbon có nhiều tính chất đặc biệt: nhẹ hơn thép 6 lần nhưng bền hơn thép 100 lần, có tính đàn hồi rất tốt, vừa có thể dẫn điện tốt ở điều kiện này lại vừa có thể trở thành bán dẫn ở điều kiện khác...
Ống nano cacbon. (Ảnh: Nationalgeographic).
Tuy nhiên, vào năm 2006, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, vào hàng trăm năm về trước, người dân ở Damascus (thủ đô của Syria) đã biết sử dụng các ống nano cacbon trong hoạt động chế tạo thép. Kết quả là họ đã tạo ra được những lưỡi gươm rất đẹp, được bao phủ trong các đường vân kim loại xoáy với độ bền chắc và sắc bén vượt trội.
Thanh kiếm bằng thép Damascus được rèn bởi người Ba Tư vào thế kỷ 18. (Ảnh: Rahil Alipour Ata Abadi/wikimedia).
Và với trình độ khoa học hiện nay chúng ta đã biết được chính xác thành phần cấu tạo nên loại thép Damascus, cũng như các nhà luyện kim hiện đại vẫn chưa thể rèn thành công loại thép này.