Sundar Pichai hiện đang là phó chủ tịch cấp cao của Google và ông quản lý hầu hết mọi sản phẩm cốt lõi của hãng, từ Drive, Maps, Google Apps, Chrome OS, Search, cho đến quảng cáo, bộ phận ATAP (làm ra Project Ara, Tango) và tất nhiên, không thể không kể đến Android.
Sundar Pichai đứng đầu hầu hết dự án quan trọng của Google
Vai trò của Pichai do chính CEO Larry Page “truyền lại”, và trong suốt 11 năm cống hiến cho công ty, thứ mà Pichai muốn làm nhất đó là mang khả năng điện toán hiện đại đến nhiều tỉ người trên thế giới. Cả cách mà ông quản lý nhân viên của mình, cũng như niềm tin của ông vào việc ứng dụng công nghệ để mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn, đều hướng về cái “tỉ người” đó.
Thái độ với công nghệ mới
Sau Page và Sergey Brin, rõ ràng Pichai là con người có quyền lực cao thứ 3 ở Google. Với những người ở vị trí như Pichai thì thường họ sẽ lãnh đạo đội ngũ của mình bằng tầm nhìn xa, bằng uy tín, bằng sự khoa trương, và đôi khi là cả ba. Nhưng với Pichai thì không có sự khoa trương nào cả. Văn phòng của ông rất sạch sẽ, đơn giản, và chính sự đơn giản này đã phản ánh thái độ làm việc của ông với cấp dưới. Ông là một người thân thiện, vui vẻ, rất quan tâm lắng nghe người khác và phản hồi lại bằng cả tấm lòng. Ngay cả khi bị bao vây bởi hàng trăm nhà báo sau sự kiện Google I/O thì ông cũng vui vẻ trả lời tất cả mọi câu hỏi của mọi người, ai cũng như ai. Ông thậm chí còn tìm đến một số nhà báo để nhắc là tuần trước họ đang có một cuộc nói chuyện chưa hoàn tất.
Và chính thái độ làm việc này cũng đã phản ánh thái độ của ông đối với những gì mà công nghệ có thể làm được, từ đó ảnh hưởng lên sản phẩm của Google. Ông quan niệm rằng công nghệ của Google phải được sử dụng bởi rất nhiều người chứ không chỉ là những người hiểu biết hay giàu có. Now on Tap, Photos, thực tế ảo, ngay cả dự án điện thoại lắp ghép Ara đều hướng đến mục đích này. Dưới sự lãnh đạo của Pichai, tất cả mọi sản phẩm mà Google đang làm dường như đang đi cùng một hướng và thống nhất hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, Pichai dường như chưa bao giờ đặt mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu. Thứ mà ông đặt lên trên cùng đó là khả năng tiếp cận đến mọi công nghệ mới cho tất cả mọi người. Ông tự hào rằng dù bạn là tỉ phú hay một bác nông dân thì việc sử dụng sản phẩm Google của bạn là như nhau.
Khi được hỏi rằng liệu ông có đang dành ưu tiên cho sản phẩm nào hay không, và làm sao mà ông chuẩn bị cho công nghệ tương lai, Pichai nói: “Theo một cách nhất định thì có. Chúng tôi có những dịch vụ lớn với rất nhiều người dùng và chúng cũng hoạt động trên quy mô rất lớn. Chúng tôi còn có những nền tảng đang tiến hóa từng ngày. Nhưng nếu bạn nghĩ về tương lai và lên kế hoạch cho 2, 3 năm tới, về công nghệ sẽ phát triển ra sao hay bạn sẽ dẫn dắt sản phẩm như thế nào, thì bạn sẽ cần nghĩ về chúng một cách tổng quát nhất, soạn ra một lộ trình cụ thể và suy nghĩ thật tường tận.”
Pichai đưa ra ví dụ: “Chúng tôi đã nghĩ rất nhiều về cách để giúp người dùng tổ chức thông tin của mình trên thiết bị di động. Đây là nhiệm vụ cốt lõi của chúng tôi. Nó giúp chúng tôi lùi lại một bước, suy nghĩ về nó và cải thiện nó cho tốt hơn”. Kết quả là tính năng Now on Tap của Google Now đã ra đời.
2 trọng tâm chính
Pichai chia sẻ rằng hiện tại mọi thứ mà Google đang làm đều nhằm giải quyết 2 trọng tâm. Thứ nhất và cũng là cái được ghi trong thư của hai nhà sáng lập, đó là Google cần phải giải quyết được những vấn đề lớn trên thế giới cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Chúng tôi muốn làm nó ở quy mô rộng, và muốn làm nó cho mọi người. Nếu bạn nhìn vào Google Search, nó đang hoạt động theo cách như thế. Maps, YouTube, Chrome hay Android cũng đều đi theo con đường tương tự.
Trong tâm thứ hai liên quan đến việc quản lý, tổ chức, sắp xếp thông tin của người dùng trên toàn thế giới. Lại lấy ví dụ Google Now, nó biết được khi nào bạn chuẩn bị ra khỏi nhà đi làm để đưa cho bạn dự báo thời tiết cũng như chỉ đường đi ngắn nhất, một cách tự động. Hoặc khi bạn vừa ra sân bay, Now sẽ biết được chuyện đó và đưa cho bạn thẻ lên máy bay. Nói cách khác, Now biết khi nào bạn cần thông tin gì để đưa ra sẵn cho bạn.
Để có được những công nghệ như thế, Pichai cho hay Google đã sử dụng machine learning khá nhiều. Đây là một kĩ thuật giúp máy tính có thể hiểu được sâu hơn, rõ hơn về những đối tượng trong ảnh hoặc trên màn hình, bao gồm cả chữ, chi tiết ảnh, người, cảnh vật, thú vật và hơn thế nữa. Công nghệ này đã được áp dụng cho Google Photos trước đây để bạn có thể nhanh chóng tìm một tấm hình chụp một chú chó bên trong, điều không thể với các công cụ tìm kiếm khác trừ khi bạn đặt lại tên file hay gắn tag cho nó.
“Tất cả chúng đều là những bước tiến lớn trong khoa học máy tính, và hầu hết đều được dẫn dắt bởi machine learning. Chỉ trong vòng 3 năm qua, chúng tôi đã giảm được sai số của việc nhận diện chữ từ 23% xuống chỉ còn 8%. Và điều đó có được là nhờ mạng lưới máy tính mô phỏng lại thần kinh của con người đang được chúng tôi xây dựng. Chúng tôi đã đi được những bước quan trọng”.
The Next Billion
Trong thời gian qua nhiều nhân viên của Google liên tục nhắc đến cụm từ này. Nó có nghĩa ẩn dụ cho hàng tỉ người dùng tiềm năng mà Google đang muốn chạm đến. Khi được hỏi về The Next Billion, Pichai nói:
“Toàn bộ ngành PC đã đến được với 1,7 tỉ người. Nhưng với mobile, chúng ta đang thực sự có được một nền tảng đầu tiên có khả năng tiếp cận mọi người ở quy mô cực lớn. Tôi hoàn toàn có thể thấy được con đường chạm đến trên 5 tỉ người dùng. Tôi nghĩ rằng trong chỉ 12 tháng qua đã có khoảng 600 triệu người lần đầu tiên được tiếp cận với smartphone. Chính vì vậy, chúng tôi suy nghĩ rất cẩn thận về điều này.
Từ tận bên trong, chúng tôi muốn xây dựng những sản phẩm dành cho mọi người. Ở mức cơ bản nhất, điều này vừa có nghĩa là phải tạo ra một nền tảng điện toán nào đó, vừa phải mang nó đến nhiều người hơn. Đây là lý do vì sao chúng tôi rất hứng thú với Android One cũng như các máy Chromebook giá rẻ. Google cũng muốn đưa kết nối mạng đến cho những vùng sâu vùng xa, và thế là dự án Loon ra đời để mang kết nối Wi-Fi đến các khu vực hẻo lánh thông qua một chiếc khinh khí cầu.”
Vị phó chủ tịch này nói thêm rằng từ góc nhìn của một nhà cung cấp dịch vụ, Google phải làm cho trải nghiệm người dùng tốt hơn. Đây là lý do mà Google phải nghĩ nhiều về ý nghĩa của một sản phẩm với những người dùng tại Ấn Độ, Brazil, Indonesia hay Châu Phi, những nơi mà kết nối mạng không tốt nên có thể họ sẽ không dùng được YouTube, Google Search, Google Maps… Làm sao chúng tôi có thể làm trải nghiệm của người dân những nước này trở nên tốt hơn? Đó là điều trăn trở của Google.”
Nhắc đến thị trường Trung Quốc, đây là nơi Android đang ngày càng trở nên phổ biến nhưng các dịch vụ của Google thì không. Liệu Pichai có còn giữ quan điểm “chúng tôi muốn vào đó nhưng chúng tôi sẽ đợi” hay không? Ông đáp: “Chúng tôi vẫn tiếp tục cung cấp Android ở mức rộng nhất có thể cho Trung Quốc. Thị trường ở đó rất độc đáo, vậy nên chúng tôi rất quan tâm đến chuyện đầu tư vào đó. Chúng tôi cũng rất muốn được phục vụ người dùng Trung Quốc với các dịch vụ của mình, rõ ràng là như thế. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cần phải nghĩ kĩ về cách chúng tôi sẽ làm những thứ này. Chúng tôi cũng rất mở với những cách tiếp cận mới, nhưng hiện tại thì phải chờ xem sao đã.”
Những thử nghiệm ảo tưởng hay tương lai của công nghệ?
Dự án khí cầu Wi-Fi Loon, thuộc trường sinh bất lão Project Calico… tất cả đều là những thử nghiệm lớn nhỏ mà Google đang tiến hành. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều người không thấy được tiềm năng triển khai thực tế của chúng mà chỉ như một cách nghiên cứu công nghệ của Google mà thôi.
Nói về việc này, Pichai chia sẻ: “Tôi sẽ đặt ra một đường ranh giới giữa những công việc nghiên cứu và các dự án của bộ phận ATAP với các sản phẩm cốt lõi, xe tự hành, Project Loon hay thậm chí là kính sát tròng thông minh. Liệu chúng tôi có thể mang công nghệ đi giải quyết những vấn đề theo một cách rất riêng hay không? Liệu nó có áp dụng cho hàng triệu, hàng tỉ người không? Tất cả mọi việc mà chúng tôi đang làm đều đi theo những nguyên tắc như thế. Và nếu mới nhìn thì bạn sẽ thấy những dự án đó quá tham vọng hoặc quá điên rồ, nhưng chúng tôi đều làm chúng một cách vô cùng nghiêm túc.
Ngoài ra, những dự án này cũng giống như việc kinh doanh trong dài hạn. Bạn sẽ không thấy nó phát triển trong tương lai trước mắt, nhưng trong tương lai xa thì khác. Nếu chúng tôi thấy một thứ phù hợp, chúng tôi sẽ tiếp tục, nhưng nếu có gì đó không đúng thì chúng tôi cũng sẽ khắc phục ngay. Chúng tôi làm như vậy bởi chúng tôi tin rằng phần mềm đang dần tiến đến giai đoạn nơi mà nó có vai trò cực kì quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại”.
Google và Microsoft, Apple
Khi được hỏi về nỗ lực mang ứng dụng Android lên thiết bị Windows 10 Mobile, Pichai nói rằng hiện tại cũng có nhiều dự án tương tự chứ không chỉ riêng Microsoft, điển hình như cách mà Amazon mang app Android lên những thiết bị của mình chẳng hạn. “Nó không quá mới lạ với chúng tôi. Đây là một cách mà họ có thể tận dụng lợi thế từ hệ sinh thái ứng dụng của Android. Có nhiều thứ chúng tôi làm với Android là mã nguồn mở, và nó được thiết kế để ai cũng có thể dùng được, nên cũng tốt thôi (khi mà Microsoft làm thế)”.
Về phần Apple, Pichai nói: “Apple và Google thường được nhắc đến cùng với nhau, nhưng chúng tôi đang làm những thứ khác nhau. Với người dùng, họ nhìn thấy sự khác biệt đó trong quá trình chọn iPhone hay một chiếc điện thoại Android”.
Ông nói thêm rằng Apple muốn tự mình làm tất cả. “Họ hoạt động theo mô hình tích hợp chiều dọc, và họ nghĩ về một sản phẩm từ đầu đến cuối. Còn chúng tôi thì đi theo mô hình chiều ngang và tiếp cận với nhiều đối tác. Chính vì vậy, khá là khó để so sánh trực tiếp Google với Apple. Ngoài ra, “Apple cũng đang làm rất tốt việc của mình, và điều đó buộc chúng tôi cũng phải cố gắng hơn nữa. Hi vọng vòng xoáy này sẽ thật ‘lành mạnh’”.
Pichai cũng tin rằng cách mà Google đang áp dụng để phát triển sản phẩm sẽ tốt cho người dùng. "Chúng tôi thường nghĩ về việc tạo ra các nền tảng có thể được mọi người sử dụng. Google nghĩ kĩ về cách đưa những sản phẩm đó lên điện toán đám mây, đồng thời tận dụng sức mạnh từ những nghiên cứu mà chúng tôi đã dành nhiều năm thực hiện”.
Mong muốn cho tương lai
“Thứ đã thu hút tôi đến với Google cũng như Intenret đó là sự công bằng cho mọi người”, Pichai nói. “Tôi đã luôn thích cách mà Google Search hoạt động. Miễn là bạn có kết nối mạng và một cái máy tính, thì việc bạn là một đứa trẻ ở vùng sâu vùng xa hay bạn là một giáo sư ở Đại học Stanford hoặc Havard không còn quan trọng nữa.”
Trong tương lai, Pichai muốn Google tiếp tục làm điều tương tự - đó là làm ra công nghệ cho mọi người chứ không chỉ làm cho một nhóm người dùng nhất định nào. “Với tôi, điều quan trọng đó là chúng tôi phải giữ được sự công bằng”.
Cuối cùng, ông hi vọng Google sẽ thành công trong việc sử dụng công nghệ để tiếp cận đến hàng tỉ người dùng tiềm năng bằng tất cả mọi tiến bộ của mình, từ các kĩ thuật machine learning cho đến những dự án vô cùng điên rồ nhưng lại có khả năng thay đổi thế giới.