Nếu là một trong số hàng tỷ người dùng Facebook Messenger thì đã đến lúc bạn nghĩ tới việc chuyển sang sử dụng một ứng dụng nhắn tin khác. Khác với WhatsApp, Signal hay Telegram, Messenger thiếu những biện pháp bảo mật để đảm bảo rằng bạn không bị theo dõi.
Mọi thứ bạn trao đổi trên Messenger đều đi qua các máy chủ của Facebook, thứ mà Facebook có thể dễ dàng truy cập. Bên cạnh theo dõi tin nhắn để đảm bảo bạn tuân thủ các quy định, Facebook còn tải về các nội dung của bạn mà không xin phép hay có bất cứ cảnh báo nào.
Theo hai chuyên gia bảo mật Tommy Mysk và Talal Haj, cơ chế xem trước link của Facebook Messenger tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm thông tin của người dùng. Để tạo ra phần xem trước nội dung link, Facebook sẽ truy cập vào dữ liệu của link, có thể là bài báo, trang web hoặc các nội dung riêng tư khác. Như vậy, dữ liệu của người dùng và cả thông tin như vị trí có thể bị Facebook thu thập.
LinkedIn, Slack, Twitter, Zoom và Google Hangouts cũng sử dụng cơ chế xem trước link giống Facebook Messenger. Tuy nhiên, các hãng này khác Facebook ở chỗ họ chỉ tải về lượng thông tin cần thiết cho việc tạo bản xem trước còn Facebook lại tải về một lượng lớn dữ liệu. Theo dõi của Mysk và Haj cho thấy Facebook thường tải về máy chủ của họ tới 2.6GB dữ liệu cho một link trong khi các ứng dụng khác chỉ tải về từ 20 tới 50MB dữ liệu.
Trong khi đó, các ứng dụng nhắn tin khác dùng cơ chế tạo bản xem trước của link ngay trên thiết bị của người gửi link. Điều này giúp dữ liệu của họ được đảm bảo, không bị lộ hoặc bị theo dõi.
Theo Mysk và Haj, để đảm bảo an toàn và không bị theo dõi, các bạn nên sử dụng các ứng dụng nhắn tin có mã hóa đầu cuối như Telegram, Signal và iMessage. Ngoài ra, chỉ nên dùng Facebook Messenger để trò chuyện với bạn bè, gia đình chứ không nên sử dụng nó cho các công việc quan trọng.