Rút tiền ở các cây ATM là điều quá quen thuộc với nhiều người. Tùy từng cây, từng ngân hàng mà số tiền rút tối đa mỗi lần khác nhau, chỗ thì 3,5 triệu, chỗ lại 5 triệu hoặc 10 triệu.
Có sự khác nhau như vậy là do cơ chế hoạt động của các cây ATM. Theo quy định của Ngân hàng nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng phải cài đặt phần mềm rút tiền tự động để đảm bảo mỗi máy ATM phải cung cấp đủ 4 loại mệnh giá tiền nhằm đảm bảo cơ cấu hợp lý các loại tiền trong lưu thông. Trong đó, tối thiểu có mệnh giá nhỏ là 20.000 hoặc 10.000 đồng.
Các ngân hàng sẽ căn cứ dữ liệu tại các điểm giao dịch để đánh giá tần suất rút tiền, mức độ phân bổ giá trị rút tiền, hành vi của khách hàng để đưa ra cơ cấu rút tiền tối ưu tại mỗi khu vực.
Do khoảng khe cửa trả tiền của các máy ATM là có hạn và cố định nên mỗi lần không quá 35 - 40 tờ tiền có thể lọt qua. Vì vậy, theo quy định tối đa mỗi lần rút tiền không được quá 35 tờ nên số tiền máy ATM chi ra 1 lần là có giới hạn và tùy vào mệnh giá mà số tiền rút tối đa là khác nhau.
Ví dụ, cây ATM có 4 hộp tiền là 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng, 50.000 đồng. Nếu khách hàng rút 5 triệu đồng sẽ nhận được 10 tờ mệnh giá 500.000 đồng. Trong trường hợp tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng đã hết, khách hàng sẽ chỉ được rút tối đa 1 lần là 3,5 triệu đồng với mệnh giá 100.000 đồng. Nếu 100.000 đồng đã hết thì số tiền tối đa cho 1 lần rút sẽ chỉ còn là 1.750.000 đồng đối với mệnh giá 50.000 đồng.