Tại sao tâm trí con người luôn cảm thấy mệt mỏi? Đơn giản là bởi vì chúng ta vẫn còn lưỡng lự giữa việc ôm giữ những điều đã xảy ra hay buông bỏ chúng để tiếp tục sống với hiện tại.
Cuộc sống luôn có những thứ đáng để ghi nhớ nhưng cũng có vô số điều bạn cần quên đi đúng lúc để không bỏ lỡ những khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc sống. Thế nhưng, không phải ai cũng có đủ dũng khí để buông bỏ. Chính vì thế mà không ít người luôn cảm thấy "khổ", thậm chí còn khổ hơn rất nhiều so với những người khác.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin thú vị về cách để nhận ra vấn đề của mình và làm thế nào để loại bỏ chúng.
4 lý do tại sao bạn luôn cảm thấy khổ?
1. Trí nhớ "quá tốt" nên luôn cảm thấy phiền muộn
Bạn có chắc rằng mình luôn quên những điều nên quên và nhớ những điều nên nhớ? Thực tế là điều ngược lại. Chúng ta thường xuyên nhớ kỹ những chuyện đáng lẽ ra nên quên và vô tình, bỏ qua nhiều thứ nên nhớ.
Tại sao người vô tư lại có thể khiến cho những người xung quanh mến mộ? Bởi đơn giản là họ chẳng bao giờ bị những chuyện không vui, những lời chế giễu của mọi người ảnh hưởng. Họ làm ngơ với mọi ân oán trong cuộc đời, họ để những điều xấu qua đi và chỉ giữ lại trong đầu những điều tốt đẹp của thế giới. Họ sống trong không gian đầy niềm vui do chính họ tạo ra và sẵn sàng chào đón bất cứ ai mong muốn được bước vào thế giới nhỏ đó.
Bạn không cần phải trở thành một người "vô tâm" để được sống hạnh phúc. Chỉ cần bạn nhớ những cái cần nhớ và học cách buông bỏ những điều không vui đã xảy ra là bạn đã có thể bình tĩnh hơn trước những thăng trầm của cuộc đời. Không ai khẳng định hiệu ứng tích cực sẽ có sau một vài ngày nhưng nếu chăm chỉ luyện tập trong vài tháng, vài năm thì kết quả sẽ thấy rõ.
2. Mong muốn quá nhiều nên luôn cảm thấy khổ sở
Người thông minh luôn biết rằng họ còn thiếu rất nhiều thứ và nỗ lực sẽ là đòn bẩy giúp họ lấp đầy những lỗ hổng của mình. Tuy nhiên, họ cũng hiểu con đường để đạt được những điều đó chẳng bao giờ bằng phẳng mà ngược lại, có rất nhiều chông gai không hề đoán trước được. Thế nên, người thông minh chẳng bao giờ cầu hoàn hảo.
Vì mong quá nhiều nên con người thường cảm thấy khổ. Bởi khi so sánh với người này, thấy thiếu cái này; so sánh với người kia, thiếu cái kia và nhìn đâu cũng thấy thiếu. Cuộc sống không phải là một cuộc đua để chúng ta cạnh tranh nhau xem ai là người sở hữu nhiều tài sản nhất, được nhiều người quan tâm, được yêu thương nhất, có nhiều mối quan hệ nhất? Đừng khiến bản thân mệt mỏi vì ai biết được trên đường đua ấy, có lúc, bạn sẽ mất tất cả.
Khi thấy bản thân còn khổ, hãy nhìn ra xung quanh để biết rằng nhiều người còn thiếu thốn hơn nữa. Trời đất rộng lớn có đủ những thứ kỳ lạ, có quá nhiều thứ hấp dẫn, mê đắm lòng người, làm sao bạn có thể không động tâm, khó có thể không ham muốn, khó có thể ngừng ảo tưởng? Thế nên, tốt nhất là hãy "biết đủ" để kiềm chế.
3. Toan tính quá nhiều nên khó vui vẻ thật sự
Bạn có thấy mệt mỏi khi mỗi ngày đến văn phòng đều phải suy nghĩ làm thế nào để gây ấn tượng với sếp, làm thế nào để "hất cẳng" đồng nghiệp và leo lên được vị trí kia, làm thế nào để loại bỏ những người bạn không thích, làm thế nào để thỏa mãn được khao khát vật chất và dục vọng?
Bạn có thấy mệt mỏi khi so sánh bản thân mình với người khác? Nhìn thấy họ sung sướng, bạn cho rằng họ dựa vào một "thế lực" nào đó mới có được như vậy? Nhìn thấy họ vui, thành công, bạn cảm thấy áp lực và cho rằng bản thân kém cỏi? Nếu đạt được rồi, bạn thấy hài lòng nhưng nếu bất ngờ có biến cố, bạn giày vò bản thân đến tuyệt vọng?
Đừng vội vàng phán xét khi bạn chưa hiểu rõ. Đừng suy tính quá nhiều vì chính bạn sẽ tự giăng bẫy cho chính mình. Đôi khi, sự không hoàn hảo mới là thứ tạo nên niềm vui chứ không phải cầu toàn mới là đích đến.
4. Nghĩ quá nhiều nên luôn thấy mệt mỏi
Công việc, gia đình, bạn bè, bản thân, sự nghiệp, tài chính, sức khỏe... có đủ thứ trên đời khiến con người không thể không suy nghĩ. Tuy nhiên, bí quyết để hạnh phúc ở đây là đừng để những thứ đó làm bạn cảm thấy mệt mỏi. Nếu cuộc sống yên bình thì nó không còn là "cuộc sống" đúng nghĩa nữa.
Hiểu rõ nhất về bản thân vĩnh viễn chỉ có bản thân mình. Cuộc sống không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, vui vẻ cũng là sống qua một ngày, phiền muộn cũng là sống qua một ngày, vậy vì sao không để bản thân sống từng ngày vui vẻ?
Hạnh phúc giống như một tòa kim tự tháp, có rất nhiều tầng, càng lên cao thì hạnh phúc càng ít, đạt được hạnh phúc lại càng khó. Càng ở tầng dưới thì hạnh phúc càng dễ "chạm" đến hơn.
3 cách để "bớt" khổ?
1. Chọn lối sống phù hợp
Nếu lựa chọn lối sống không phù hợp, vượt quá khả năng kiểm soát của mình thì bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Chẳng hạn như thu nhập ít nhưng chi tiêu nhiều, mua sắm nhiều, đua đòi nhiều... thì dù có kiếm được nhiều tiền, bạn cũng chẳng thể nào cảm thấy đủ cả.
Nếu thật sự có thể buông bỏ sức nặng trên vai về nhu cầu vật chất, bạn sẽ thấy cuộc sống này trở nên dễ thở và thuận lợi hơn cho bạn.
2. Ý thức được trách nhiệm và làm chủ cuộc sống
Nhiều người gặp khó thì hay than thân trách phận, không thì đổ lỗi cho ai đó. Thay vì như vậy, hãy đối mặt và chịu trách nhiệm với từng lời nói, hành vi, cử chỉ của bản thân. Nếu bạn không thay đổi cách suy nghĩ thì cuộc sống sẽ luôn nặng nề, nhiều toan tính và lo lắng không cần thiết.
3. Quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe "tinh thần"
Sống khỏe mạnh không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần. Nếu biết tôn trọng cơ thể thì chúng ta sẽ không phải lo nghĩ về bệnh tật, cuộc đời sẽ thanh nhàn hơn và có được một đêm ngon giấc. Ngay từ bây giờ, bạn có thể bắt đầu loại bỏ các thói quen xấu, uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, tập thể dục và thường xuyên áp dụng các bài tập thiền hay yoga để đầu óc thư thái. Ngoài các hoạt động này, hãy dành thời gian quan tâm tới những người xung quanh nhiều hơn bằng cách sắp xếp thời gian để ăn tối, trò chuyện cùng gia đình, gặp gỡ bạn bè... Làm được như vậy, chắc chắc cuộc sống của bạn sẽ "bớt" khổ hơn nhiều đấy.