Chụp một tấm ảnh qua máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại, sau đó bạn có đầy đủ những thông số của bức ảnh đó và có thể nhanh chóng gửi cho bạn bè, gia đình thông qua email, hoặc đăng lên các trang mạng xã hội, chỉnh sửa qua các phần mềm trên điện thoại hoặc máy tính. Tuy nhiên, nếu đã là dân chụp ảnh, bạn không thể không biết đến nhiếp ảnh analog, tất cả ảnh được chụp sẽ như là một màn ảo thuật của ánh sáng, sử dụng những cuộn film nhựa và phải mất thời gian tính theo ngày thậm chí cả tháng để có thể cầm được bức ảnh trên tay.
Mặc dù các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vẫn sử dụng những máy ảnh film nhưng chúng dường như đã bị bỏ quên như cái cách chúng ta bỏ quên đầu máy hơi nước hay điện thoại công cộng. Tuy nhiên, trong một hai năm gần đây, cộng đồng giới trẻ lại rộ lên phong trào chơi film, mang chất vintage hòa vào cuộc sống hiện đại. Hãy cùng Quantrimang tìm hiểu kĩ hơn về cách thức hoạt động của ảnh chụp bằng film nhé.
Máy ảnh film hoạt động như nào?
Những tính năng chính của máy ảnh film:
- Vỏ máy được làm từ nhựa hoặc kim loại, hoàn toàn kín, ánh sáng không thể lọt vào để bảo vệ cuộn film.
- Khẩu độ (hoặc một màn chắn): một lỗ hình tròn nhỏ trên thân máy để ánh sáng lọt vào trong thời gian ngắn khi bạn bấm nút chụp ảnh.
- Cơ chế màn trập: tưởng tượng một tập hợp lưỡi dao chồng lên nhau theo hình tròn, mở ra để hút sáng và khẩu độ trong một thời gian chính xác và sau đó đóng lại.
- Một hoặc nhiều ống kính ở phía trước màn trập. Ống kính là một phần rất quan trọng trên một chiếc máy ảnh và mỗi loại lense sẽ đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau.
- Một cuộn film, đặt ở buồng phim phía sau, đối diện với màn trập.
Cách chụp ảnh bằng máy film
Khi muốn chụp ảnh, bạn chĩa ống kính vào sự vật, bấm nút và màn trập nhanh chóng mở ra, cho phép ánh sáng đi qua khẩu độ vào đến cuộn film, thông thường chỉ là một phần giây rất nhỏ trước khi màn trập đóng lại.
Film nhựa rất nhạy cảm với ánh sáng. Chỉ một lượng sáng rất nhỏ có thể khiến cho ảnh bị thừa sáng, đôi khi là bị cháy sáng. Để tạo ra một bức ảnh hoàn hảo, bạn phải căn chỉnh chính xác lượng ánh sáng sẽ đi vào cuộn film, đó là phương pháp đo sáng. Đo sáng phụ thuộc vào hai yếu tố: tốc độ màn trập và độ mở của khẩu. Tốc độ màn trập được đo bằng giây (có thể từ 1/10.000 giây tới 30 giây). Khẩu độ có một đơn vị riêng là f-stops, ví dụ như f/4 và f/8. Số f càng nhỏ (như 1 hoặc 2) có nghĩa là khẩu độ đang mở lớn, sẽ nhiều ánh sáng lọt vào hơn; số f càng cao (như 16, 22 hoặc 32) có nghĩa khẩu đang mở nhỏ, ít sáng đi vào.
Những máy ảnh tự động, bỏ túi hay pns (point-and-shoot) tạo ra những bức ảnh đã được căn sáng chuẩn chỉ với một nút bấm. Chúng sử dụng photocell (cảm biến sáng điện tử), tự động điều chỉnh tốc độ màn trập, khẩu độ và cũng tự động lấy nét. Mặc dù các máy ảnh kỹ thuật số chuyên nghiệp hiện nay cũng có chế độ tự động, những người chụp ảnh vẫn ưa chuộng tùy chỉnh thông số thủ công hơn. Nó thể hiện sự sáng tạo, nắm bắt và làm chủ nguồn sáng. Không phải tự dưng người ta nói, chụp ảnh chính là cách chơi đùa với ánh sáng.
Tham khảo thêm:
Các tính năng khác của máy ảnh film
Hầu hết các máy ảnh film đều có một ống ngắm (để người dùng biết được mình sẽ chụp được những gì), một đèn flash (thêm sáng trong điều kiện môi trường tối) và một cơ chế đếm thời gian (để tự chụp ảnh bản thân khi không có sự giúp đỡ của ai). Những máy ảnh rẻ thường có ống ngắm đặt ngay bên trên ống kính chính, vì vậy những gì bạn thấy qua ống kính chỉ gần giống so với ảnh được chụp thôi. Máy ảnh chuyên nghiệp có một hệ thống gọi là SLR (single lens reflex), trong đó lăng kính và gương cho phép bạn nhìn qua ống kính thật, xem được ảnh chính xác sẽ có kết quả như nào. Máy film sẽ không có màn hình LCD để xem được ảnh sau khi chụp như trên các máy kỹ thuật số hiện đại.
Cuộn film nhựa hoạt động như thế nào?
Film được làm từ nhựa (đôi khi là bằng giấy), được phủ một lớp nhũ làm từ tinh thể muối bạc. Tinh thể này là hợp chất của bạc và các chất nhóm halogen như clo, i-ốt và brom. Hợp chất này ghi gặp ánh sáng sẽ biến thành bạc nguyên chất. Điều này có nghĩa, càng có nhiều ánh sáng chiếu vào, film sẽ càng biến đổi nhiều.
Quá trình tráng film
Một miếng film nhựa với ánh sáng được in trên đó chưa thành ảnh được. Để biến chúng thành những bức ảnh như chúng ta vẫn xem được hiện nay, bạn phải tráng film trong một căn phòng tối (thường được thắp sáng bằng đèn màu xanh hoặc đỏ để không ảnh hưởng đến chất lượng film). Quá trình bao gồm việc nhúng film vào một hợp chất hóa học, biến hình ảnh được tạo nên từ những tinh thể muối bạc nhỏ kia thành một bức ảnh rõ ràng và có thể tồn tại mãi mãi.
Hiện nay công nghệ đã phát triển hơn, film có thể tráng trong các lab với nhiều loại máy móc điện tử, hoàn thành tất cả các quy trình một cách tự động. Chúng như là những chiếc máy quét lớn có chứa chút hợp chất hóa học. Quá trình tráng film màu này được gọi là C-41.
Các loại film
Hầu hết các film được được cuộn chặt trong một vỏ nhựa, tránh ánh sáng để bạn có thể đặt vào buồng film trên máy. Thông thường, một cuộn film dài sẽ được chia thành 12, 24 hoặc 36 khung hình chữ nhật có kích thước 24mm x 36mm (đây là loại film thông thường, gọi là film 35mm). Cạnh trên và dưới được đục những lỗ nhỏ để tránh việc film bị rách khi chụp hình, vào hoặc thu film.
Ngoài ra còn rất nhiều loại film được thiết kế cho nhiều mục đích chụp ảnh khác nhau. Film đen trắng cực kỳ nhạy ánh sáng, kết quả ảnh cho ra sẽ chỉ là màu đen và trắng. Film màu cũng hoạt động như film đen trắng, nhưng có những cuộn sẽ nhạy màu xanh lá hơn, trong khi một vài cuộn lại nhạy màu xanh dương hoặc màu đỏ. Từng loại film cũng được thiết kế dựa theo điều kiện ánh sáng khác nhau. Khi chụp trong nhà, hoặc ánh sáng tối bạn nên chọn fast film hoặc ngược lại chọn slow film nếu ở ngoài trời và điều kiện ánh sáng tốt. Tốc độ film được thể hiện bằng chỉ số ISO. ISO 100 là chậm, 400 là nhanh và 200 gần như phù hợp với mọi hoàn cảnh.