Đây không phải lần đầu tiên, một sản phẩm có xuất sứ đến từ Trung Quốc bị tố cáo các vấn đề liên quan đến mã độc và bảo mật..
Hãng bảo mật Bluebox đã phát hiện một vài ứng dụng độc hại đã được cài sẵn trên Xiaomi Mi 4, chúng đội lốt là một ứng dụng của Google nhằm mục đích quảng cáo và trojan, giúp hacker có thể kiểm soát điện thoại từ xa...
Ngoài ra, các chuyên gia bảo mật của Bluebox còn phát hiện rất nhiều lỗ hổng bảo mật cho phép các hacker khai thác trên Xiaomi Mi 4.
Andrew Blaich, trưởng nhóm phân tích bảo mật của Bluebox cho biết thêm Xiaomi Mi 4 sử dụng một phiên bản Android không có chứng nhận của Google. Thực tế, Xiaomi Mi 4 sử dụng nền tảng MIUI do Xiaomi phát triển dựa trên nền tảng Android.
Hãng Xiaomi sau đó đã cho phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến sản phẩm của họ. Hãng này cho rằng thiết bị mà Bluebox sử dụng trong cuộc phân tích có thể không phải là một sản phẩm chính hãng, vì vậy Bluebox không thể kết luận về việc Xiaomi chính là kẻ chủ mưu trong việc cài đặt sẵn các mã độc này. Tuy nhiên phía Bluebox thì cho rằng hành động phủ nhận của Xiaomi là một sự chối bỏ trách nhiệm.
Tháng 7 năm 2014, smartphone Redmi Note của Xiaomi cũng bị phát hiện những dấu hiệu bí mật gửi thông tin của người dùng về máy chủ của Xiaomi tại Trung Quốc. Xiaomi sau đó đã phủ nhận điều này và cho biết đó thực chất là một tính năng trên sản phẩm của hãng và sau đó đã phải phát hành bản nâng cấp phần mềm để hủy bỏ đi chức năng này.