Google Play Store có rất nhiều ứng dụng mang tên “task manager” (quản lí tác vụ) hay “task killer” cho Android. Những công cụ này cho phép xem, tắt ứng dụng đang chạy. Nhưng thật sự là bạn không cần chúng.
Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn những cách chính thống nhất để quản lý các tác vụ đang chạy bên trong điện thoại Android. Đồng thời cho bạn thấy rằng các ứng dụng quản lý tác vụ từ bên thứ ba là hoàn toàn không cần thiết, thậm chí có thể gây hại cho thiết bị.
Quản lí tự động:
Các ứng dụng quản lí tác vụ thường kèm lời quảng cáo giúp tăng tốc xử lí cho Android bằng cách loại bỏ các tác vụ thừa đang chạy nền. Chúng được cấp quyền chạy nền cao nhất đồng thời quản lí sự tắt mở của những ứng dụng còn lại trên RAM.
Nhưng Android không phải là Windows. Tài nguyên hệ thống (RAM) được các ứng dụng chiếm hữu chỉ để lưu thông tin của chúng mà thôi, chúng không hề tiêu tốn bất kì tài nguyên nào khác (wifi, 3G hay CPU… ). Một ứng dụng còn ở trên RAM sẽ nhanh chóng mở lại (nhanh hơn rất nhiều) nếu chúng không có trên RAM vì đã bị xóa bỏ bởi trình quản lí thứ ba.
Android cũng đã được tích hợp sẵn một trình quản lí tác vụ hoàn toàn tự động. Nếu nhận thấy ứng dụng mới mở cần nhiều tài nguyên, hệ thống sẽ tự động loại bỏ các tác vụ khác chứ không phải chờ đến ứng dụng của bên thứ ba.
Dừng ứng dụng thủ công:
Nếu bạn vẫn muốn tự mình loại bỏ thông tin về ứng dụng đang lưu trên RAM, Android 4.0 trở lên cho phép bạn thực hiện thao tác này theo cách không thể dễ dàng hơn.
Với đa số smartphone và tablet dùng phím ảo, có biểu tượng truy cập nhanh màn hình đa nhiệm (thường là 2 hình chữ nhật xếp chồng lên nhau). Với các smartphone dùng phím bấm ngoài (cả vật lí và cảm ứng), thông thường có thể truy cập màn hình này bằng cách giữ phím Home. Một số launcher mạnh mẽ (như Nova Launcher) thậm chí cho phép định nghĩa các thao tác cử chỉ để mở màn hình đa nhiệm.
Trên màn hình đa nhiệm, bạn lướt lên xuống để chọn ứng dụng muốn loại bỏ khỏi RAM, chạm vào nó và kéo sang trái hoặc phải cho nó biến mất. Vậy là xong. Xóa ứng dụng trên màn hình đa nhiệm và Android sẽ tự động loại bỏ nó khỏi RAM.
Thông thường bạn không cần phải làm việc này nhưng cũng sẽ có đôi lúc ứng dụng bị treo hoặc mất cảm ứng. Xóa chúng khỏi RAM và mở lại 99% có thể giải quyết vấn đề.
Dừng ứng dụng “chuyên nghiệp” hơn:
Bạn có thể dừng ứng dụng đang chạy trong màn hình Cài đặt (Settings) của Android. Đầu tiên mở Settings > Apps.
Trong danh sách hiện ra, duyệt tìm ứng dụng cần đóng. Sau khi chọn được ứng dụng, hãy nhấn và Force stop
Quản lí riêng lẻ ứng dụng:
Ở màn hình này bạn cũng sẽ thấy thêm các thông tin liên quan đến không gian lưu trữ được dùng bởi ứng dụng. Bạn cũng có thể xóa bỏ các dữ liệu dùng cho bộ nhớ đệm, hủy bỏ tùy chọn sử dụng mặc định và xem lại các quyền hạn của ứng dụng.
Xem ứng dụng đang chạy nền:
Từ màn hình Apps, lướt sang phải để đến màn hình hiển thị những ứng dụng đang chạy nền. Tại đây bạn sẽ thấy danh sách các ứng dụng đang hoạt động ẩn trên RAM. Các ứng dụng như Facebook hay WhatsApp luôn chạy nền để cung cấp cho bạn những thông tin, tin nhắn tức thời.
Bạn có thể chọn và tắt chúng đi nhưng chúng vẫn sẽ tự khởi động lại. Cách duy nhất để loại bỏ các ứng dụng này khỏi hệ thống là… gỡ bỏ (uninstall). Nhưng bạn cũng sẽ thấy có khá nhiều ứng dụng hệ thống không thể “chạm” vào.
Nhưng cũng đừng lo lắng, đa số chúng đều chỉ dùng một lượng nhỏ tài nguyên phần cứng (RAM, pin, mạng) mà thôi. Cứ để yên và lợi ích bạn nhận được nhiều hơn là mất.
Tùy chọn Show Cached Process sẽ cho bạn cái nhìn toàn diện về độ lớn bộ nhớ đệm bị mỗi ứng dụng chiếm giữ trên bộ nhớ trong. Nhưng không phải tất cả đều đang chạy.
Xem lượng RAM:
Ở cuối màn hình, bạn sẽ thấy thanh biểu thị mức RAM của máy. Không như Windows, thanh RAM trên Android có bị “đầy” cũng không hề ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của máy nếu không muốn nói là RAM càng bị dùng nhiều thì điện thoại của bạn chạy (ứng dụng)… càng nhanh.
Xem lượng pin:
Từ Settings, chọn Battery. Phần này có nhiều ý nghĩa hơn với người dùng. Bạn sẽ nhìn thấy biểu đồ lượng pin của máy cùng danh sách các ứng dụng tốn nhiều pin nhất. Nếu có ứng dụng nào đó mà bạn không sử dụng trong danh sách mà nó lại dùng nhiều pin, đừng ngần ngại gỡ bỏ nó.
Chỉ với vài thao tác, bạn có thể trợ giúp cho khả năng quản lí tác dụng của Android hoạt động tốt hơn nữa. Dù trên thực tế, nó đã rất tốt. Đủ tốt để bạn không cần cài thêm bất kì ứng dụng quản lí nào khác.