Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện một số mẫu MTXT trang bị bộ vi xử lý Intel Core i5 với card đồ họa tích hợp có giá chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn chút ít so với mẫu MTXT sử dụng bộ xử lý Intel Core i3 kèm card đồ họa rời. Điều này sẽ khiến người dùng băn khoăn trước khi đưa ra quyết định lựa chọn sản phẩm cho mình.
Chúng ta sẽ cùng so sánh mẫu máy tính Gateway NV49C trang bị bộ xử lý Core i5 M430 (13.399.000đ) và Lenovo G460 (mã 59033404) trang bị bộ xử lý Core i3 M350 (14.295.000đ).
Cấu hình
Gateway NV49C được trang bị bộ xử lý Intel Core i5 M430 tốc độ 2.26GHz (3MB L3 cache) và có thể chạy ở xung nhịp cao nhất là 2.53GHz với công nghệ Turbo Boost của Intel. Sở hữu 2GB bộ nhớ DDR3 bus 1066MHz, ổ cứng dung lượng 320GB và màn hình 14 inch theo chuẩn 16:9 Ultrabright có độ phân giải HD 1366x768.
Do sử dụng chip xử lý đồ họa tích hợp Intel HD nên Gateway NV49C chỉ phù hợp với giải trí nhẹ nhàng như xem phim HD, lướt web, đồ họa 3D cơ bản. Nếu có nhu cầu xem giải trí cao cấp hơn như chơi game 3D, hay làm việc với các phần mềm đồ họa chuyên nghiệp, bạn hãy nghĩ tới chiếc máy có trang bị card đồ họa rời. Gateway NV49C cũng được trang bị ổ ghi DVD đa định dạng, Wi-Fi, Bluetooth… Máy khá mỏng và nhẹ, chỉ dày 25,5mm và nặng 2,2 kg.
Lenovo G460.
Lenovo G460 có cấu hình tương tự Gateway NV49C khi cùng sở hữu 2GB bộ nhớ DDR3, ổ cứng 320GB, màn hình 14 inch LED backlight độ phân giải 1366x768, ổ ghi DVD đa định dạng, Wi-Fi b/g/n, Bluetooth, webcam... G460 cũng chỉ có hệ điều hành FreeDOS đi kèm.
Điểm khác biệt lớn nhất là Lenovo G460 có bộ xử lý Core i3 M350 (2.26 GHz, 3MB L2 cache) yếu hơn bộ xử lý Core i5 M430 của Gateway NV49C, nhưng bù lại nó được trang bị card đồ họa rời NVIDIA GeForce G310M 512MB DDR3. Máy cũng chỉ nặng 2,2kg.
Thương hiệu và thiết kế
Cái tên Gateway có thể còn khá lạ với người Việt Nam, nhưng trên thế giới nó là thương hiệu máy tính nổi tiếng của Mỹ và hiện thuộc về Acer. Trong khi đó, Lenovo đã trở nên quen thuộc với người dùng sau khi hãng này mua lại bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của IBM từ năm 2005.
Touchpad của máy là loại cảm ứng đa điểm khá nhạy, phím chuột trái và phải được thiết kế liền khối, nằm hơi chếch về bên trái, giúp người dùng dễ dàng hơn khi nhập liệu mà không sợ phiền phức khi vô tình chạm vào touchpad. Độ rộng của touchpad thì vừa, song chiều cao có vẻ hơi ngắn. Bàn phím full-size với dãy phím số phụ ở bên phải; tuy nhiên, độ nảy của phím không được tốt, nhất là khi bạn gõ nhanh. Bộ pin 6-cell của máy cho thời lượng sử dụng khoảng 3,5 giờ.
Lenovo G460 có vỏ máy được thiết kế hoa văn chìm màu đen mạ ánh kim sáng bóng cùng kiểu dáng ôm sát, các gờ được bo tròn tạo cảm giác mỏng, với mặt trong được mạ crôm. Hệ thống điều khiển của G460 được bố trí trực quan và rất dễ sử dụng, chất lượng loa ở mức trung bình, bàn phím full-size với vị trí đặt tay khá thoải mái, khi gõ thấy êm.
Touchpad đa cảm ứng được thiết kế rộng cho phép phóng to thu nhỏ và di chuyển dễ dàng. Máy được trang bị bộ pin 6-cell, thời lượng pin theo công bố là 4,5 giờ, thử nghiệm thực tế với các ứng dụng thông thường cho thời gian sử dụng khoảng 4 giờ, máy chạy mát.
Ai hơn ai?
Theo trang Cpubenchmark, sử dụng phần mềm PassMark để kiểm tra tổng thể sức mạnh của CPU trong các hoạt động xử lý toán học, nén, mã hóa, SSE, 3D now…, kết quả cho thấy Intel Core i5 M430 hơn khoảng 15% so với Core i3 M350.
Như vậy, về CPU, Gateway NV49C có vẻ trội hơn Lenovo G460. Tuy nhiên, khả năng xử lý đồ họa mạnh đã “gỡ điểm” cho Lenovo G460. Thử nghiệm khả năng xử lý đồ họa với phần mềm 3Dmark06, card NVIDIA GeForce G310M của Lenovo G460 cho kết quả ấn tượng khi đạt hơn 3.000 điểm. Do vậy, G460 phù hợp với người dùng có nhu cầu cao về xử lý đồ họa hoặc các game offline có yêu cầu cao vượt quá khả năng của card đồ họa tích hợp.
Xét về giá, chiếc Gateway có giá thấp hơn Lenovo G460 một chút, cả hai chiếc đều đang được nhiều nơi khuyến mại, nên có thể bạn mua được với giá tốt hơn. Tuy nhiên, dung lượng pin và một chút "lăn tăn" về bàn phím có thể khiến bạn không “khoái” Gateway cho lắm.