Chiến dịnh với mục tiêu định nghĩa lại chiếc máy tính cá nhân (PC) của hãng Intel đang bước vào một giai đoạn tối quan trọng. Theo báo Wall Street Journal, một “lứa” thiết bị xách tay (portable) mới với thiết kế mỏng nhẹ và bong bẩy đã ra đời, cạnh tranh quyết liệt với các thiết bị dạng bảng và điện thoại thông minh nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Nhiều hãng máy tính đang thúc đẩy mảng ultrabook, nhằm gây áp lực lên thị trường máy tính bảng.
Báo này cho biết, tại triển lãm hàng điện tử tiêu dùng Las Vegas (CES) diễn ra vào tuần tới, một loạt nhà sản xuất máy tính sẽ giới thiệu kết quả đầu tay của họ ở loại sản phẩm mới mang tên ultrabook này. Chính Intel là hãng đầu tiên đưa ra khái niệm ultrabook, một phần trong nỗ lực của hãng nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất máy tính tạo ra những sản phẩm có độ hấp dẫn cao hơn.
Trong số những nhà sản xuất trình làng ultrabook tại CES lần này có cái tên như Dell, Lenovo và Acer. Trước các hãng này, các hãng HP, Toshiba và Asustek đều đã giới thiệu sản phẩm “gắn mác” ultrabook. Đưa ra những thiết kế ngày càng nhỏ gọn cho các thiết bị xách tay hoàn toàn không phải là một ý tưởng mới.
Với cảm hứng từ chiếc máy tính MacBook Air của Apple, những người ủng hộ ultrabook hy vọng sẽ tạo ra được những sản phẩm có thiết kế kiểu cách với mức giá bình dân. Mặc dù các ultrabook thường có giá từ 899 - 1.400 USD, các hãng phần cứng hy vọng sẽ sớm đi tới mức giá khoảng 699 USD hoặc thấp hơn.
So với chiếc máy tính bảng iPad của Apple, ultrabook còn “ăn điểm” ở chỗ khởi động nhanh hơn, và nếu so với máy tính xách tay (laptop) thông thường, ultrabook có thời gian sử dụng pin lâu hơn. Các hãng sản xuất đang nuôi hy vọng sẽ đưa màn hình cảm ứng vào ultrabook trong tương lai, thậm chí đi tới những chiếc ultrabook có thể chuyển đổi giữa hai dạng cấu hình dạng bảng và dạng vỏ sò.
“Người tiêu dùng đã trải nghiệm máy tính bảng và những ưu điểm của các loại máy tính khác như khởi động nhanh, mỏng nhẹ và thời gian sử dụng pin kéo dài. Họ đang tìm kiếm trải nghiệm với ultrabook vì họ đã có máy tính bảng rồi”, ông Jeff Barney, một Phó chủ tịch của hãng Toshiba, phát biểu.
Nhiều công ty đang cùng nhận thấy lợi ích cao ở “con bài” ultrabook, nhưng kỳ vọng nhiều hơn cả ở loại sản phẩm này là Intel và Microsoft. Hai nhà cung cấp hàng đầu cho các hãng sản xuất máy tính cá nhân (PC) này đang chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các đối thủ và nhu cầu ngày càng lớn đối với các loại thiết bị di động khác không phải là máy tính cá nhân.
Chẳng hạn, theo dự báo của hãng nghiên cứu Gartner, doanh số máy tính bảng toàn cầu năm nay có thể tăng gần 63% so với năm ngoái, lên mức trên 103 triệu chiếc. Trong khi đó, doanh số máy tính cá nhân toàn cầu được dự báo chỉ tăng 4,5% lên khoảng 370 triệu chiếc.
Tuy nhiên, Apple đang tiếp tục chứng minh rằng, thiết kế hấp dẫn có thể có ảnh hưởng lớn. Trong quý 3/2011, doanh số dòng máy tính cá nhân Macintosh của hãng này tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, lên mức kỷ lục, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng doanh số vượt bậc của chiếc MacBook Air.
Ra đời vào năm 2008 với giá bán đầu là 1.799 USD, chiếc MacBook Air đã trở nên phổ biến hơn sau khi được nâng cấp vào cuối năm 2010, giúp khởi động nhanh hơn và có tính năng lưu trữ dữ liệu mới, nhưng với mức giá ban đầu chỉ còn 999 USD.
“Ngành công nghiệp máy tính cá nhân nói chung đã nhận được một hồi chuông cảnh báo khi Apple tung ra chiếc MacBook Air. Các hãng bắt đầu nhận ra rằng, thứ mà Apple có không chỉ là một sản phẩm hút khách mà còn là một nhân tố thực sự sẽ tái định nghĩa những gì mà người tiêu dùng kỳ vọng ở máy tính xách tay”, ông Tim Bajarin, một nhà phân tích thuộc hãng nghiên cứu Creative Strategies, nói với Wall Street Journal.
Intel đã “lãnh tránh nhiệm” dẫn đầu những nỗ lực đáp trả của ngành công nghiệp máy tính bằng cách khởi động sáng kiến ultrabook vừa qua tại một triển lãm ở Đài Loan vào cuối tháng 5/2011. Hãng này đã thành lập một quỹ 300 triệu USD để hỗ trợ các công ty công nghệ có liên quan tới ultrabook. Sắp tới, Intel còn có thể tăng cường hỗ trợ về quảng cáo và khuyến mãi cho các hãng sản xuất máy tính để thúc đẩy nhu cầu ultrabook.
Nhà sản xuất con chip lớn nhất thế giới hy vọng kích cỡ và những tính năng hấp dẫn của ultrabook sẽ tạo sự chuyển biến cho lĩnh vực máy tính xách tay. Để đạt được điều này, Intel có kế hoạch sẽ tung ra những thế hệ con chip nối tiếp nhau giúp cải thiện tốc độ xử lý và kéo dài thời gian sử dụng pin của sản phẩm. Mặc dù không phải ultrabook nào cũng mỏng như MacBook Air, nhưng Intel hy vọng, kích thước của các sản phẩm thuộc dòng này sẽ nhanh chóng giảm xuống.
“Đây chính là cách mới mà chúng ta sử dụng máy tính cá nhân trong tương lai. Khi đó, máy tính cá nhân sẽ có độ di động cao hơn nhiều so với trước đây”, ông Dadi Perlmuter, Phó chủ tịch điều hành mảng kiến trúc của Intel, nhận định.
Intel dự báo, ultrabook sẽ chiếm khoảng 40% doanh số thị trường máy tính cá nhân xách tay tiêu dùng trong năm 2012. Một số nhà nghiên cứu thì dự báo sự chuyển giao diễn ra với tốc độ chậm hơn. Hãng IHS Supplies cho rằng, ultrabook sẽ chiếm 43% doanh số thị trường máy tính cá nhân dạng notebook toàn cầu trong thời gian từ nay tới năm 2015.
Cũng chính Intel đã “châm ngòi” cho phong trào netbook cách đây mấy năm. Loại máy tính xách tay nhỏ nhắn có thiết kế giản dị có giá từ 300 USD này đã tạo ra lực hút vào năm 2008. Tuy nhiên, không lâu sau đó, doanh số netbook giảm mạnh, một phần vì dòng sản phẩm này không có khả năng xử lý tốc độ cao. Tiếp đó, iPad và các loại máy tính bảng khác nổi lên như một sự thay thế hấp dẫn hơn cho những người tiêu dùng chỉ cần những nhu cầu giản đơn như lướt web.
Lần này, các hãng sản xuất máy tính hy vọng ultrabook sẽ không rơi vào kết cục buồn như netbook. Khác với netbook, ultrabook sử dụng bộ vi xử lý mạnh mẽ hơn của Intel và có thời gian xử lý chóng vánh hơn.
Chẳng hạn, hãng Acer cho biết, chiếc ultrabook Aspire S3 có giá từ 899 USD của hãng, cho phép người sử dụng trở lại một chương trình đã bị tạm dừng trước đó trong vòng chưa đầy 2 giây đồng hồ và kết nối Internet trong 2,5 giây. Pin của chiếc Ultrabook này được Acer cho biết là có thể duy trì chế độ chờ trong 50 ngày và sử dụng liên tục trong 6 giờ.
“Chúng tôi thực sự muốn tạo ra một sức sống mới cho chiếc máy tính cá nhân, và ultrabook là một công cụ cho mục đích đó”, ông Sumit Agnihotry, Phó chủ tịch marketing của Acer tại Mỹ, cho biết.
Tháng 11 vừa qua, hãng sản xuất máy tính lớn nhất thế giới HP giới thiệu chiếc ultrabook đầu tay có tên Folio 13. Độ dày của chiếc Folio 13 chỉ bằng khoảng một nửa đường kính của đồng xu 1 cent của Mỹ, có thời gian sử dụng pin khoảng 9h đồng hồ, và mức giá khoảng 900 USD.
Theo giới phân tích, giá rẻ là một yếu tố quan trọng tạo nên sức hút của ultrabook. Tuy nhiên, cho dù giá con chip đang ngày càng rẻ, ultrabook sử dụng bộ nhớ flash thay vì ổ đĩa cứng, mà bộ nhớ flash lại có mức giá đắt đỏ hơn.
Trong mùa mua sắm cuối năm này, hãng Toshiba bán chiếc ultrabook của hãng tại Best Buy với mức giá khuyến mãi là 699 USD, thay vì mức giá 799 USD thông thường. Là một nhà sản xuất bộ nhớ flash lớn, Toshiba cho biết, việc hãng tự sản xuất một số linh kiện đã giúp giảm giá chiếc ultrabook này.
Theo Intel, tính đến cuối năm 2011, đã có khoảng 10-11 mẫu ultrabook được đưa ra thị trường, và trong năm 2012 này, sẽ có thêm khoảng 60 mẫu ultrabook nữa. Thiết kế mỏng vẫn được tin tưởng là sẽ hấp dẫn người tiêu dùng, nhưng việc đưa ultrabook trở thành một dòng sản phẩm riêng biệt có thể sẽ là chuyện không dễ. Người tiêu dùng có thể sẽ băn khoăn khi các nhà sản xuất tung ra những thiết bị trông tương tự như máy tính xách tay những lại mang tên ultrabook.
Hãng AMD có ý định sẽ sử dụng cụm từ “notebook siêu mỏng”, vì ultrabook là nhãn hiệu thương mại do Intel đăng ký và đòi hỏi sản phẩm phải sử dụng chip Intel. Ông John Taylor, Giám đốc marketing toàn cầu của Intel cho rằng, người tiêu dùng có thể sẽ hoài nghi đôi chút về các loại sản phẩm mới, sau những gì “họ vừa mới trải qua với netbook”.