HD DVD so găng cùng Blu-ray

Tiếp bước định dạng DVD đã khá già cỗi, ra đời từ năm 1994, Blu-ray và HD DVD hiện là 2 gương mặt sáng giá nhất. Tuy nhiên, bước chuyển giao này không hề dễ dàng, mà là cuộc đối đầu trực tiếp giữa 2 công nghệ. Bài viết không mổ xẻ mặt thị trường ai được ai mất, nhưng cho bạn cái nhìn chi tiết về những "vũ khí” mà Blu-ray và HD DVD đang mang trong mình.

Nguồn gốc

Blu-ray còn có thể gọi là Blu-ray Disc (BD) là định dạng được nhóm Blu-ray Disc Association (BDA) gồm các nhà sản xuất đĩa, thiết bị điện tử và máy tính hợp tác nghiên cứu đưa ra, thành viên chính gồm có Apple, Dell, Hitachi, HP, JVC, LG, Mitsubishi, Panasonic, Pioneer, Philips, Samsung, Sharp, Sony, TDK và Thomson. Khác với các công nghệ DVD hiện nay dựa trên tia laser đỏ để đọc/ghi dữ liệu, Blu-ray sử dụng tia laser màu xanh-tím. Do đó BDA kết hợp từ Blue (xanh) và Ray (tia) để đặt tên cho công nghệ này nhưng bỏ bớt ký tự "e". BDA cách điệu chữ "e" làm logo chính cho thương hiệu này.

Cha đẻ của HD DVD là nhóm DVD Forum, đứng đầu là Toshiba, NEC, Sanyo và gần đây được sự hậu thuẫn của Microsoft và Intel. DVD Forum từng "đỡ đầu" cho định dạng DVD – (không phải DVD+) nên trước đây mới có cuộc chiến giữa định dạng của 2 nhóm: DVD Forum và DVD+RW Alliances. Vào tháng 11/2003, DVD Forum quyết định HD DVD sẽ là kẻ kế vị DVD hiện nay. Lúc ấy, HD DVD có tên là Advanced Optical Disc (AOD).

Hình dáng và công nghệ chung

Đĩa HD DVD, Blu-ray và CD/DVD đều có hình dáng giống nhau, đường kính 12cm. Giống như CD và DVD, Blu-ray và HD DVD cũng có phiên bản nhỏ hơn có đường kính 8cm. Sự khác biệt duy nhất về mặt vật lý là bề dày của HD DVD là 0,6mm (bằng với DVD), còn của BD là 0,5mm.

BD có các định dạng phổ biến sau: BD-ROM chỉ đọc, dành lưu trữ phim, game và phần mềm; BD-R ghi 1 lần; và BD-RE ghi lại (theo BDA có thể ghi lại 10.000 lần). Hiện tại, Blu-ray chỉ có công nghệ đĩa 1 mặt 2 lớp và dung lượng lớn nhất đến 50GB cho đĩa 2 lớp. Theo BDA, nhóm đang nghiên cứu để nâng lên mức dung lượng 100GB cho đĩa 4 lớp và 200GB 6 lớp trong tương lai sắp đến. Hiện tại, TDK đã có mẫu thử nghiệm đĩa 4 lớp và 6 lớp. Và với một đĩa 50GB có thể lưu trữ đến 9 giờ video HD và 23 giờ với video chuẩn thông thường.

Tia laser đỏ.

Tia laser xanh cho mật độ dày hơn

HD DVD cũng tương tự, có 3 định dạng: HD DVD-ROM chỉ đọc, HD DVD-R ghi 1 lần và HD DVD-RW ghi lại. Hiện thời, đĩa HD DVD cũng có 2 dạng: 1 lớp dung lượng 15GB và 2 lớp 30GB. Riêng với định dạng HD DVD-RW, độ rộng rãnh dữ liệu nhỏ hơn, 0,34µm so với 0,4µm của 2 dịnh dạng còn lại là HD DVD-ROM và HD DVD-R nên có dung lượng nhỉnh hơn một chút: 20GB một lớp và 32GB 2 lớp (đang được phát triển).

Nếu xét về lớp, dung lượng của HD DVD nhỏ hơn Blu-ray. Trong khi một lớp của Blu-ray có dung lượng là 25GB nhưng HD DVD chỉ đạt 15GB. Theo DVD Forum, đến cuối hè năm nay sẽ tung ra đĩa HD DVD 3 lớp với dung lượng lên đến 45GB. Có thể các studio phim sẽ cân nhắc về vấn đề dung lượng này, nhưng trong 8 tựa phim nóng nhất vừa xuất hiện gần đây của Warner Bros và Universal thì không có bộ phim nào có dung lượng vượt quá khả năng lưu trữ của một đĩa HD DVD 2 lớp dùng mã hóa VC-1 và MPEG-4 AVC. Cụ thể, phim "The Last Samurai" 27,3GB, "The Phantom of the Opera" 24,8GB, "The Bourne Identity" 22,7GB, "Serenity" 19,6GB, "Doom" 16,5GB...

Cả hai định dạng đều dùng tia laser xanh để đọc/ghi đĩa, nhưng ở mỗi định dạng lại có cách tiếp cận khác. Lợi điểm của tia laser xanh là có bước sóng ngắn (405nm) so với bước sóng của tia laser đỏ (650nm cho DVD và 780nm cho CD) nên tia laser sẽ chính xác hơn nhiều và có thể dồn dữ liệu trên mặt đĩa chặt hơn, nên có thể lưu trữ nhiều dung lượng hơn trên cùng một diện tích đĩa. Nhờ tia laser xanh này và một số cơ chế mới khác nên người ta có thể đạt đến mật độ dữ liệu rất cao.

"Con mắt" trong các đầu đọc/ghi Blu-ray là dạng dual lens, có 2 đầu phát tia laser và đĩa BD có lớp phủ mỏng hơn nhằm tránh những ảnh hưởng xấu về quang học, do đó tia laser có thể ghi dữ liệu tốt và mật độ dày hơn. Nhờ có dual lens nên các đầu Blu-ray có thể tương thích ngược với các định dạng DVD và CD cũ. Nhiều nhà sản xuất chính hứa hẹn sẽ đưa ra đầu đọc/ghi Blu-ray tương thích ngược với DVD và CD thông thường và các đầu đọc Blu-ray còn có khả năng nâng tín hiệu hình DVD lên mức 1080i hoặc 1080p nên cho chất lượng DVD hiện thời tốt hơn DVD thông thường. Bằng cách giảm bước sóng, nâng chỉ số khuếch xạ ánh sáng NA (xem mục "Chỉ số NA" trong bài) cao hơn (0,85, so với DVD là 0,6 và HD DVD là 0,65) và có độ rộng rãnh ghi nhỏ hơn (0,32µm so với của HD DVD là 0,40µm) nên đĩa BD lưu trữ được nhiều hơn so với HD DVD.

Còn HD DVD dựa trên công nghệ AOD (Advanced Optical Disc). Điểm lợi của HD DVD là phương thức sản xuất đĩa gần giống như của DVD nên chi phí sản phẩm thấp hơn Blu-ray và do đó giá cũng rẻ hơn đối thủ khá nhiều. Một điểm lợi cho các nhà sản xuất đĩa nữa là họ chỉ cần chỉnh sửa hệ thống sản xuất đĩa hiện thời thì đã có thể sản xuất HD DVD, trong khi để sản xuất Blu-ray thì phải mua mới cả dây chuyền sản xuất. Nhờ "con mắt" đơn (single lens) thay vì "kép" của Blu-ray, nên các đầu đọc HD DVD sẽ nhỏ gọn hơn. "Con mắt" của đầu HD DVD có thể phát cả tia laser đỏ và xanh nên có thể tương thích tốt với chuẩn đĩa DVD cũ và cả đĩa lai chứa cả 2 phiên bản phim, HD DVD và DVD trên cùng 1 đĩa.

Cơ chế chung về việc đọc/ghi đĩa của Blu-ray và HD DVD cũng không có gì khác biệt so với chuẩn CD và DVD: dùng một đầu phát tia laser đọc các rãnh đĩa bằng cách nhận lại tia phản xạ. Một sensor gần "con mắt" sẽ nhận tín hiệu đó và giải mã ra hệ số.

Xử lý dữ liệu

Thông sốBD HD DVD
Chuyển đổi bitNRZINRZI
Điều biến17PPETM
Sửa lỗiLDC = RS(248,216,33)
BIS = RS(62,30,33)
PI=RS (182,172,11)
PO=RS (208,192,17)

HD DVD dùng một cơ chế điều biến tên là ETM (Eight to Twelve Modulation), vay mượn của CD và DVD: mỗi byte dữ liệu được đổi thành 18 bit, để thỏa mã RLL (1,10) (nghĩa là bit "1" phải được tách ra thành bit "0" ít nhất là 1 và nhiều nhất là 10). Tất cả các mẫu chuyển đổi này sẽ được lưu vào bảng ETM.

Ngược lại, Blu-ray dùng cơ chế điều biến mới tên là 17PP (RLL(1,7) với luật bảo toàn tính chẵn lẻ (bit điều biến phải cùng chẵn, hoặc cùng lẻ với bit dữ liệu gốc). Tham khảo thêm tại http://www.blu-raydisc.com/assets/downloadablefile/BD-ROMwhitepaper20051123clean22-13264.pdf.

Khi rãnh dữ liệu nhỏ hơn thì chuyện khắc phục đĩa bị trầy xước sẽ khó hơn rất nhiều vì lượng dữ liệu sẽ bị tổn hại nhiều hơn. Do đó, cả 2 định dạng xanh này đều đưa ra cơ chế sửa lỗi mới. HD DVD chọn giải pháp đơn giản nhất: mọi vùng chứa dữ liệu (frame, sector, ECC block) và các thuật toán sửa lỗi (PI/PO) đều vay mượn lại từ DVD. Điều khác biệt duy nhất là một ECC block của HD DVD tương ứng với 2 ECC block của DVD liên kết với nhau. Ví dụ một block ECC gồm 20 cột byte PI chẵn lẻ và 16 hàng PO chẵn lẻ với tổng dung lượng là 64kB. Kết quả là vùng rãnh chứa dữ liệu sửa lỗi nhiều hơn DVD, đến 7,1mm.

Blu-ray dùng cơ chế sửa lỗi khác, dựa trên mã Reed-Solomon, có tên là LDC (Long Distance Code) và BIS (Burst Indication Subcode) và cũng "chiếm dụng" chiều dài byte sửa lỗi cũng gần như của HD DVD, khoảng hơn 7mm.

Tốc độ

Tốc độ 1x của chuẩn Blu-ray tương ứng với 36mbps. Các phim BD-ROM đòi hỏi tốc độ phải đạt tối thiểu là 54mbps nên dự kiến tốc độ của đĩa BD-ROM sẽ đạt 2x (72mbps). Và khả năng tốc độ này sẽ còn được đẩy lên cao hơn nhờ vào chỉ số NA vì NA càng lớn thì Blu-ray cần ít năng lượng và giảm tốc độ vòng quay để ghi đĩa mà vẫn giữ được tốc độ đọc/ghi. Nếu trước đây tốc độ của đĩa quang giới hạn tốc độ ghi thì với Blu-ray, yếu tố duy nhất tác động đến tốc độ chính là tốc độ của ổ ghi. Nếu ổ đĩa tốc độ 10.000 vòng/phút (rpm) thì tốc độ ghi có thể lên đến 12x ở vùng rìa ngoài đĩa là khả thi (khoảng 400mbps).

Còn tốc độ 1x của HD DVD là 36,55mbps, cao hơn một chút so với Blu-ray, nhưng đây hiện đã là tốc độ tối đa của HD DVD.

Về mặt này, Blu-ray trội hơn so với HD DVD nhờ sự kết hợp giữa chỉ số NA và bước sóng. Hai chi tiết kỹ thuật này liên quan đến mật độ dữ liệu. Ơ mức băng thông 36mbps, đĩa Blu-ray cần tốc độ vòng quay đĩa ít hơn nhiều so với đĩa HD DVD. Do đó, với tốc độ tối đa 10.000 vòng/phút thì đĩa Blu-ray đạt đến tốc độ 12x trong khi đĩa HD DVD chỉ đạt tới 9x. Do vậy để bắt kịp mức băng thông của Blu-ray thì HD DVD phải nâng tốc độ vòng quay của ổ đĩa lên.

Còn so với DVD hiện thời, định dạng Blu-ray có tốc độ nhanh hơn 5 lần trong khi tốc độ vòng quay chỉ nhanh hơn gấp đôi.

Công nghệ phủ bề mặt của Blu-ray

Nét nổi bật của Blu-ray so với các đối thủ khác chính là công nghệ phủ. Vì công nghệ ghi đĩa Blu-ray ghi dữ liệu khá gần bề mặt đĩa và lớp phủ mỏng hơn rất nhiều so với DVD và HD DVD, chỉ dày 0,1mm (so với DVD và HD DVD là 0,6mm) nên những đĩa Blu-ray đầu tiên khá dễ bị hư do ngoại lực như bụi bẩn hay vết xước ảnh hưởng và vẫn phải bán kèm với hộp đĩa bảo vệ.

Cuối cùng, vào tháng 1/2004, BDA đã tìm ra giải pháp với công nghệ phủ polymer chống trầy xước cho Blu-ray. Lớp phủ này do hãng TDK phát triển dưới tên gọi "Durabis" (tham khảo thêm tại www.durabis.com), có thể chống bụi, trầy xước và dấu tay. Bạn chỉ việc dùng khăn lau trên bề mặt đĩa. Trước đây bạn lấy khăn lau CD và DVD như trên sẽ gây hư hại đĩa, cả HD DVD cũng vậy. TDK cũng đã sử dụng công nghệ phủ Durabis này trên dòng đĩa DVD Scratchproof của hãng. Gần đây, TDK cũng đưa ra phiên bản công nghệ Durabis mới là Durabis2 mà theo hãng, có thể chịu được giấy nhám và cả sợi thép, và công nghệ tiếp theo này được "đặc quyền" cấy trên Blu-ray.

SỰ KHÁC NHAU GIỮA 3 ĐỊNH DẠNG

Chi tiết kỹ thuật

DVD

Blu-ray

HD-DVD

Dung lượng

4,7GB (l lớp)
8,5GB (2 lớp)

25GB – đĩa 8cm 7,8GB (l lớp)
50GB – đĩa 8cm 15,6GB (2 lớp)

15GB – đĩa 8cm 4,7GB (l lớp)
30GB (2 lớp) – đĩa 8cm 9,4GB (2 lớp)
45GB (3 lớp, cuối hè 2006)

Bước sóng

650nm (tia laser đỏ)

405nm (tia laser xanh)

405nm (tia laser xanh)

Numerical aperture (NA)

0,60

0,85

0,65

Đường kính đĩa
Bề dày

12cm, 8cm
1,2mm

12cm, 8cm (cho máy quay)
1,2mm

12cm
1,2mm

Lớp bảo vệ
Lớp phủ ngoài

0,6mm
Không

0,1mm

0,6mm
Không

Năng lượng đọc

3-5 mW

0,35mW

0,50mW

Độ rộng rãnh dữ liệu

0,74µm

0,32µm

0,40µm (HD DVD-RW 0,34µm)

Tốc độ đọc dữ liệu
Tốc độ đọc video/audio

11,08Mbps (1x)
10,08Mbps (<1x)

36Mbps (1x)
54Mbps (1,5x)

36,55Mbps (1x)
36,55Mbps (1x)

Độ phân giải video (tối đa)
Video bit rate (tối đa)

720×480/720×576 (480i/576i)
9,8Mbps

1920×1080 (1080p)
40Mbps

1920×1080 (1080p)
28Mbps

Bộ mã hóa video

MPEG-2
-
-

MPEG-2
MPEG-4 AVC
SMPTE VC-1

MPEG-2
MPEG-4 AVC
SMPTE VC-1

Bộ mã hóa audio

Linear PCM
Dolby Digital
DTS Digital Surround
-
-
-

Linear PCM
Dolby Digital
Dolby Digital Plus
Dolby TrueHD
DTS Digital Surround
DTS-HD

Linear PCM
Dolby Digital
Dolby Digital Plus
Dolby TrueHD
DTS Digital Surround
DTS-HD

Tương tác

DVD-Video

BD-J

iHD

Cơ chế quản lý sao chép

CSS 40-bit

AACS 128-bit

AACS 128-bit

Mã hóa video và audio

Cả Blu-ray và HD DVD đều cùng hỗ trợ các chuẩn mã hóa video và audio. Cả hai hỗ trợ 3 chuẩn mã hóa video: MPEG-2; MPEG-4 AVC (H.254) và SMPTE VC-1 dựa trên công nghệ Windows Media Video (WMV) của Microsoft.

Các đầu đọc HD sẽ phải hỗ trợ 3 chuẩn mã hóa video trên và các studio sẽ chọn dùng chuẩn nào để mã hóa cho phim. Mã hóa MPEG-2 "ngốn" nhiều dung lượng đĩa nhất, ví dụ đĩa BD-ROM 1 lớp chỉ có thể lưu trữ được khoảng 2 giờ phim HD nhưng 2 mã hóa sau có thể lưu trữ được đến 4 giờ HD trên 1 lớp.

Trước mắt để có hỗ trợ tương thích ngược, đĩa BD-R và BD-RE của Sony sẽ dùng mã hóa MPEG-2; để ghi hình video truyền hình số thì tốc độ tối thiểu của BD là 1x 36mbps khá thích hợp so với video HD đòi hỏi tốc độ tối thiểu phải đến 1,5x. Trong khi đó, đĩa HD DVD của Warner Bros và Universal dùng codec VC-1 hoặc MPEG-4 AVC. Tuy nhiên, các đầu HD DVD hiện thời chỉ hỗ trợ đến 1080i (các đĩa phim video đều đã là 1080p) so với của Blu-ray đã hỗ trợ đến 1080p.

Cả hai định dạng cũng hỗ trợ các chuẩn âm thanh sau:

Linear PCM (LPCM) – hỗ trợ 8 kênh âm thanh không nén.

Dolby Digital – cho âm thanh 5.1.

Dolby Digital Plus (DD+) – mở rộng của Dolby Digital, cho âm thanh 7.1.

Dolby TrueHD – là chuẩn mở rộng của MLP Lossless, 8 kênh âm thanh.

DTS Digital Surround –thường sử dụng cho DVD, có 5 kênh âm thanh.

DTS-HD – mở rộng của DTS, tăng tỉ lệ tần số lấy mẫu (bitrate) và hỗ trợ 8 kênh âm thanh.

Cơ chế quản lý bản quyền số (DRM) và chống sao chép

Blu-ray dùng công nghệ chống sao chép AACS (xem thêm mục "Cơ chế quản lý bảo mật AACS" trong bài), có tính năng về DRM có tên là BD+ sử dụng các cơ chế mã hóa có thể chuyển đổi động. Khi một mã hóa nào đó bị "bẻ” thì các nhà sản xuất sẽ cập nhật cơ chế mã hóa và đặt cơ chế mã hóa mới lên mọi đĩa tung ra sau đó, đề phòng trường hợp như của DVD là khi tin tặc bẻ khóa được là toàn bộ dòng sản phẩm đó đều bị bẻ khóa. Theo đề xuất của HP, BDA cũng sử dụng hệ thống Mandatory Managed Copy cho phép người dùng xuất video từ đĩa ra tập tin một cách an toàn theo một định dạng được quy định trước.

BDA cũng đồng ý ứng dụng công nghệ watermarking lên đĩa (xem bài "Giải pháp bảo vệ bản quyền số", ID: A0507_116). Dưới tên khác là "ROM-Mark", công nghệ này sẽ có trên các thiết bị chỉ đọc và sẽ ngăn chặn việc sao chép với số lượng lớn khi chưa được cấp phép.

Đĩa HD DVD thương mại cũng sẽ dùng công nghệ chống sao chép AACS LA (Advanced Access Content System License Administrator) kết hợp với công nghệ "Audio Watermark Protection". Mọi đầu đọc HD DVD đều có cảm biến có thể "nghe được lớp" watermark trong phần âm thanh của phim. Một đĩa sao chép bất hợp pháp sẽ không thể chép được lớp âm thanh watermark này và khi cảm biến của đầu đọc không đọc được watermark này thì sẽ không phát đĩa đó. Đoạn âm thanh watermark này hình thành dựa trên bước sóng giọng hội thoại và nhạc theo mẫu thông thường và được chuyển ra dạng mã. Những biến thể này tai người không thể nghe được nhưng các đầu đọc HD DVD hoặc các phần mềm biên tập audio có thể nhận diện dễ dàng. Do đó, giải pháp này loại được những đĩa phim có nguồn gốc từ máy quay trộm hay ghi lại bằng micro. Các bản watermark dành cho rạp chiếu bóng sẽ khác với watermark dành cho giải trí gia đình và các đầu đọc HD DVD sẽ kiểm tra được đĩa đó có hợp pháp hay không.

Các nhà sản xuất cũng có kế hoạch giám sát các đầu đọc HD DVD qua mạng, xem đầu đọc như là một hộp cáp số. Bất cứ ai muốn bẻ khóa đầu đọc, hoặc chiếu đĩa đã bị bẻ khóa, hoặc đĩa không đúng mã vùng sẽ vô hiệu hóa đầu đọc đó.

HIGH-DEFINITION MULTIMEDIA INTERFACE - HDMI

Là giao tiếp điểm-điểm số để truyền tín hiệu âm thanh và hình ảnh. Giao tiếp này chỉ gồm một đường truyền duy nhất, sử dụng cho rạp hát gia đình và các thiết bị điện tử tiêu dùng. Xuất hiện từ năm 2002 bởi hiệp hội HDMI, giao tiếp này tương tự với ngõ xuất video DVI nhưng HDMI còn có cả đường tiếng, và jack cắm của HDMI cũng nhỏ gọn hơn DVI. HDMI và DVI đều có cùng cơ chế bảo mật và quản lý bản quyền số là HDCP (High-bandwidth Digital Content Protection).

Cũng 19 chân nhưng HDMI (trái) nhỏ gọn hơn so với DVI.

Cũng là ngõ vào HDMI/DVI nhưng riêng DVI phải có thêm ngõ cho đường tiếng.

HDMI có băng thông lên đến 165 megapixel mỗi giây (618MB/s) nên giao tiếp này dễ dàng truyền chuẩn TV số độ nét cao nhất. HDMI cũng hỗ trợ đến 8 kênh âm thanh được mã hóa ở 24-bit/192kHz.

Cả HDMI và DVI đều dựa trên công nghệ kết nối tương tự TMDS của Silicon Image, nên HDMI tương thích ngược với DVI. Đầu chuyển đổi HDMI-DVI và DVI-HDMI và cáp cho phép tín hiệu video có thể được trao đổi giữa các thiết bị HDMI và DVI. Vì DVI chỉ là đường hình nên đường tiếng phải có cáp riêng.

HDMI cũng vừa thông qua phiên bản HDMI 1.3, trong đó đưa ra nhiều tính năng mới. Đáng chú ý nhất là kết nối mini-HDMI cho ngõ HDMI trên card đồ họa. Vì card đồ họa có rất ít diện tích nên mini-HDMI rất phù hợp. Bên cạnh đó, băng thông được nâng từ 618MB/s lên đến 1,27GB/s và hỗ trợ độ sâu màu lên đến 30bit, 36bit và 48bit RGB so với chuẩn trước đây chỉ hỗ trợ 24bit màu. Nhờ có băng thông lớn hơn nên cho phép HDMI nâng cấp được định dạng mới cho âm thanh: Dolby TrueHD và DTS-HD Master Audio và tính năng đồng bộ audio/video Lip Sync mới. Tham khảo thêm tại
www.HDMI.org.

Cũng 19 chân nhưng HDMI (trái) nhỏ gọn hơn so với DVICũng là ngõ vào HDMI/DVI nhưng riêng DVI phải có thêm ngõ cho đường tiếng.

Quản lý mã vùng

Một vấn đề quan ngại là giới hạn vùng do các hãng sản xuất và các studio đưa ra để giúp tối ưu hóa việc kinh doanh của họ và chống sao chép lậu, còn gọi là thiết lập RPC (Regional Playback Control). Cơ chế này giới hạn người dùng sử dụng sản phẩm trong một khu vực địa lý nhất định. Khác với DVD phân thành 8 khu vực mã vùng, Blu-ray sẽ chỉ có 3 khu vực (xem bảng). Điểm đáng chú ý trong cách phân chia mới của BDA là Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc (không có Trung Quốc) sẽ cùng mã vùng 1 với Mỹ. Theo một số nhận xét ban đầu thì việc này sẽ giúp giảm thiểu vấn đề "bẻ khóa" mã vùng mà thế hệ DVD trước đây từng phải hứng chịu.

Mã vùng của Blu-ray

Mã vùng

Khu vực
1

Châu Mỹ, các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan

2

Châu Âu và châu Phi

3

Châu Á (trừ Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan) và các nước, đảo thuộc vùng biển Thái Bình Dương

Còn với HD DVD, tổ chức DVD Forum vẫn còn thương thuyết với các studio Hollywood về việc phân vùng, họ chưa "quyết" có theo cách phân vùng cũ như DVD hay tạo bảng chia phân vùng mới, giống như của Blu-ray hay không. Trước mắt, một số sản phẩm đầu HD DVD đầu tiên không có tính năng quản lý phân vùng. Nhưng chắc chắn HD DVD sẽ có quản lý phân vùng trong tương lai gần. Riêng với Trung Quốc, DVD Forum đã đưa ra dự thảo để thiết lập một chuẩn bảo mật riêng cho quốc gia này.

Vấn đề tương thích

Hiện tại, cả 2 định dạng đều tương thích ngược với "thế giới" CD/DVD dùng tia laser đỏ khá tốt. NEC vừa có đầu đọc cả 3 định dạng: HD DVD, DVD và CD. Philips cũng có ổ có thể đọc/ghi CD, DVD và Blu-ray. Một xu hướng khác là một số hãng sản xuất đĩa tung ra đĩa lai nhiều lớp. JVC thuộc nhóm hỗ trợ định dạng Blu-ray, vừa đưa ra công nghệ đĩa 3 lớp trong đĩa lai BD/DVD, kết hợp cả định dạng BD và DVD. Nếu quá trình thương mại hóa thành công thì dạng đĩa lai này sẽ có thể tương thích cả đầu đọc DVD thông thường và đầu BD độ nét cao. Đĩa lai DVD-9/HD DVD cũng được Cinram phát triển, lớp đầu tiên là DVD-9 có dung lượng 8,4GB và lớp thứ 2 là HD DVD 15GB. Memory-Tech và Toshiba cũng đang phát triển đĩa lai DVD-5/HD DVD với lớp đầu 4,7GB và lớp thứ 2 15GB.

Đặc biệt, Samsung vừa thông báo hãng đang nghiên cứu sản phẩm hỗ trợ cả 2 định dạng Blu-ray và HD DVD dự định sẽ tung ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Hiện Samsung đã có đầu đọc Blu-ray nhưng cho biết sẽ không phát triển đầu đọc HD DVD mà chỉ hướng đến đầu đọc tương thích cho cả 2 chuẩn.

Một vướng mắc khác lại liên quan đến tính năng bảo vệ AACS. Đầu đọc Blu-ray chỉ xuất nội dung HD qua kết nối HDMI và DVI-D, có nghĩa là các tivi HDTV đời cũ có thể sẽ không có 2 giao tiếp này (xem thêm mục HDMI trong bài). Đối với máy tính, muốn hiển thị Blu-ray, thì cả màn hình và card màn hình phải tương thích HDCP. Hiện nay, dù đã có một vài màn hình hỗ trợ HDCP nhưng vẫn chưa có card đồ họa nào hỗ trợ chuẩn này. Ngay cả những card đồ họa mới nhất từ ATI và NVIDIA có dán nhãn HDCP Ready nhưng vẫn chưa hoàn toàn tương thích.

CHỈ SỐ NA

Numerical Aperture (NA) là một chỉ số quang học quy định phạm vi góc chiếu cho phép của tia quang đó. Chỉ số này khác biệt giữa các loại tia quang học do cách tính NA khác nhau.

Tính chất của tia laser khi truyền đi, kích thước tia sẽ "nở" dần nhưng ở một góc không lớn. Lúc này, tia laser không phải dạng hình trụ mà có dạng hình chóp. Do vậy, rìa của tia laser ở vùng nở ra sẽ không còn "bén" so với vùng lúc tia hình thành. Do đó, ánh sáng sẽ càng bị suy giảm khi càng ở cách trục của tia laser.

NA được tính bằng công thức: NA=n sin θ

Trong đó, θ là chỉ số thể hiện độ khuếch tán ánh sáng của tia laser. Với tia laser chỉ số này được tính bằng:

Trong đó, λ là bước sóng ánh sáng và D là đường kính của tia sáng ở điểm nhỏ nhất là điểm nguồn. Bạn cũng nên lưu ý là một tia laser xuất phát từ một điểm nhỏ có thể sẽ "nở" ra rất nhanh, trong khi tia laser có đường kính xuất phát lớn thì "độ nở" nhỏ hơn.

Giao diện tương tác

Ngoài vùng đĩa lưu trữ video và audio, đĩa Blu-ray và HD DVD có một lớp tương tác riêng để bạn đưa vào đó đồ họa, menu và những tính năng đặc biệt khác; ví dụ cho phép xem menu hệ thống dạng cửa sổ mờ mà không cần phải dừng phim như ở đầu DVD thông thường.

Tổ chức BDA kết hợp với Sun để ứng dụng Java làm giao diện tương tác cho đĩa Blu-ray. Ngoài khả năng tương tác thông thường như trên DVD, Blu-ray còn có những tính năng mạng cho nhà sản xuất nội dung hỗ trợ nhiều tính năng mới như tải về các phần mở rộng, cập nhật nội dung qua web và xem phát sóng trực tiếp các sự kiện đặc biệt.

Khác với Blu-ray, HD DVD sử dụng định dạng tương tác iHD do Microsoft và Toshiba phát triển. Đây là một chuẩn mở mà các studio phim ảnh rất sẵn lòng hỗ trợ, nhất là Disney. Hệ điều hành Windows Vista sắp đến của Microsoft cũng sẽ hỗ trợ iHD. iHD cho phép định dạng dữ liệu bằng XML và ECMAScript (Javascript chuẩn hóa).

CƠ CHẾ QUẢN LÝ BẢO MẬT AACS

AACS (Advanced Access Content System) là chuẩn quản lý bản quyền số cho các định dạng đĩa quang, đặc biệt là cho DVD và thế hệ đĩa quang dùng công nghệ tia laser xanh. Nhóm phát triển cơ chế quản lý này gồm các công ty tên tuổi là Disney, Intel, Microsoft, Matsushita, Warner Brothers, IBM, Toshiba, và Sony. Quá khứ của AACS không có gì vẻ vang lắm. AACS có cơ chế hoạt động gần giống với cơ chế quản lý bảo mật CSS (Content Scrambling System) và đã từng bị tin tặc bẻ gãy ngay khi vừa tung ra. Một tay nổi tiếng có biệt danh là DVD Jon từng vượt qua mã hóa bảo mật gốc CSS dự đoán rằng AACS cũng sẽ bị xuyên thủng trong khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm 2007.

AACS tận dụng mật mã để quản lý, nội dung sẽ được mã hóa dưới một hoặc nhiều khóa tiêu đề (title keys) dùng chuẩn mã hóa AES (Advanced Encryption System). Những khóa tiêu đề này được tạo ra từ việc kết hợp một khóa tên là media key với vài yếu tố khác, trong đó có số ID của đĩa quang (giống như số seri của đĩa) và một mã hóa băm (cryptocgraphic hash) còn gọi là usage rules. Mỗi đầu đọc khi sản xuất sẽ được cấp sẵn một tập nhiều khóa mã hóa để nhà cung cấp có thể "thu hồi" đầu đọc đó. Do vậy khi bị "bẻ khoá” thì việc cấp quyền của AACS đơn giản chỉ không dùng lại các khóa bị "bẻ” cho sản phẩm nội dung mới.

Tuy vậy, hiện nay cơ chế quản lý sao chép AACS cho Blu-ray và HD DVD vẫn chưa hoàn chỉnh, nhất là những chi tiết kỹ thuật quan trọng. Đây hiện là rào cản khiến các nhà sản xuất chưa thể đưa ra cơ chế bảo mật chuẩn. Bạn có thể tham khảo thêm cơ chế bảo mật AACS này tại trang web chính thức
http://www.aacsla.com/.

Kết luận

Có thể thấy rõ Blu-ray trội hơn HD DVD về một số điểm, mà rõ nét nhất là dung lượng. Tuy nhiên, xét về yếu tố thị trường thì HD DVD lại trội hơn về giá vì các nhà sản xuất đĩa có thể tận dụng dây chuyền sản xuất hiện có. Dù định dạng nào "lên ngôi", thì cả 2 định dạng này đều mở ra nhiều khả năng về phim ảnh và lưu trữ mới đầy hứa hẹn.

Lê Duy

Tham khảo:
www.cdfreaks.com
www.avsforum.com
www.blu-ray.com
www.hddvdprg.com
www.cdrinfo.com

Thứ Sáu, 28/07/2006 10:42
31 👨 426
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản