Các mô hình mạng máy tính

Mạng máy tính là một hệ thống gồm nhiều máy tính và các thiết bị được kết nối với nhau bởi đường truyền vật lý theo một kiến trúc (Network Architecture) nào đó nhằm thu thập, trao đổi dữ liệu và chia sẽ tài nguyên cho nhiều người sử dụng.

Một máy tính trên mạng có thể thuộc một trong ba loại như sau:

  • Máy trạm (Client): Không cung cấp tài nguyên mà chỉ sử dụng tài nguyên từ mạng.
  • Máy chủ (Server): Cung cấp tài nguyên và các dịch vụ cho các máy trên mạng.
  • Peer: Sử dụng tài nguyên và đồng thời cũng cung cấp tài nguyên cho mạng.

Dựa vào cách mà các máy tính được nối vào mạng cũng như cách mà chúng tương tác với mạng và với nhau, mạng máy tính được chia làm ba mô hình cơ bản như sau:

Mô hình trạm-chủ (Client-Server)

Các máy trạm được nối với các máy chủ, nhận quyền truy nhập mạng và tài nguyên mạng từ các máy chủ. Đối với Windows NT các máy được tổ chức thành các miền (domain). An ninh trên các domain được quản lý bởi một số máy chủ đặc biệt gọi là domain controller. Trên domain có một master domain controller được gọi là PDC (Primary Domain Controller) và một BDC (Backup Domain Controller) để đề phòng trường hợp PDC gặp sự cố.

Mô hình phần mềm Client/Server là mô hình giải pháp phần mềm cho việc khắc phục tình trạng quá tải trên mạng và vượt qua những ngăn cách về sự khác nhau trong cấu trúc vật lý cũng như hệ điều hành của các hệ thống máy tính khác nhau trên mạng.

Mỗi phần mềm xây dựng theo mô hình Client/Server sẽ được chia làm hai phần: phần hoạt động trên máy phục vụ gọi là phần phía Server và phần hoạt động trên trạm làm việc gọi là phần phía Client. Với mô hình này các trạm làm việc cũng được gọi là các Client (hay máy Client) còn các máy phục vụ gọi là các Server. Nhiệm vụ của mỗi phần được quy định như sau:

  • Phần phía Server quản lý các giao tiếp môi trường bên ngoài tại Server và với các Client, tiếp nhận các yêu cầu dưới dạng các xâu ký tự (query string), phân tích các query string, xử lý dữ liệu và gửi kết quả trả lời về phía các Client.
  • Phần phía Client tổ chức giao tiếp với người dùng, với môi trường bên ngoài tại trạm làm việc và với phía Server, tiếp nhận yêu cầu của người dùng, thành lập các query string gửi về phía Server, tiếp nhận kết quả và tổ chức trình diễn chúng.

Mô hình trạm-chủ (Client-Server)

Mô hình mạng ngang hàng (Peer-to-Peer)

Mạng ngang hàng (p2p) là mạng mà trong đó hai hay nhiều máy tính chia sẻ tập tin và truy cập các thiết bị như máy in mà không cần đến máy chủ hay phần mềm máy chủ. Mạng ngang hàng thường được tổ chức thành các nhóm làm việc workgroup. Mô hình này không có quá trình đăng nhập tập trung, nếu đã đăng nhập vào mạng bạn có thể sử dụng tất cả tài nguyên trên mạng. Truy cập vào các tài nguyên phụ thuộc vào người đã chia sẻ các tài nguyên đó, do vậy bạn có thể phải biết mật khẩu để có thể truy nhập được tới các tài nguyên được chia sẻ.

Mạng p2p được tạo ra bởi hai hay nhiều máy tính được kết nối với nhau và chia sẻ tài nguyên mà không phải thông qua một máy chủ dành riêng. Mạng p2p có thể là kết nối tại chỗ – hai máy tính nối với nhau qua cổng USB để truyền tập tin. P2p cũng có thể là cơ sở hạ tầng thường trực kết nối 5-6 máy tính với nhau trong một văn phòng nhỏ bằng cáp đồng. Hay nó cũng có thể là một mạng có quy mô lớn hơn nhiều, dùng các giao thức và ứng dụng đặc biệt để thiết lập những mối quan hệ trực tiếp giữa người dùng trên internet.

Mô hình mạng ngang hàng (Peer-to-Peer)

Mô hình lai (Hybrid)

Mô hình này là sự kết hợp giữa Client-Server và Peer-to-Peer. Phần lớn các mạng máy tính trên thực tế thuộc mô hình này.

Trong các mô hình mạng nói trên, mỗi mô hình có những ưu, nhược điểm riêng đối với từng chỉ tiêu đánh giá như: tính bảo mật thông tin, sự cài đặt, khả năng mở rộng mạng.... Sự so sánh giữa các mô hình mạng trên đối với một số chỉ tiêu đánh giá phổ biến được cho trong bảng sau:

Mô hình mạng/ Chỉ tiêu đánh giá

Client-Server

Peer-to-Peer

Hybrid

Độ an toàn và tính bảo mật thông tin.

Có độ an toàn và bảo mật thông tin cao nhất. Quản trị mạng có thể điều chỉnh quyền truy nhập thông tin.

Độ an toàn và bảo mật kém, phụ thuộc vào mức truy nhập được chia sẻ.

Độ an toàn và bảo mật cao gần như Client-Server.

Khả năng cài đặt.

Khó cài đặt.

Dễ cài đặt.

Khó cài đặt.

Đòi hỏi về phần cứng và phần mềm.

Đòi hỏi có máy chủ, hệ điều hành mạng và các phần cứng bổ sung.

Không cần máy chủ, hệ điều hành mạng, phần cứng bổ sung rất ít.

Như Client-Server.

Quản trị mạng.

Phải có quản trị mạng.

Không cần có quản trị mạng.

Như Client-Server.

Xử lý và lưu trữ tập trung.

Có.

Không.

Không.

Chi phí cài đặt.

Cao.

Thấp.

Cao.

Trong mô hình mạng có máy chủ (server) không phải mọi máy chủ đều hoạt động như nhau mà chúng được dành riêng để thực hiện những nhiệm vụ chuyên biệt nhằm hỗ trợ các máy trạm trên mạng, một máy chủ có thể thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ này hoặc cũng có thể có một số máy chủ sẽ thực hiện mộ nhiệm vụ riêng biệt nào đó, ví dụ như: Web server, FTP server, File server, Printer server…

Theo VietNamNet

Xem thêm:

Thứ Ba, 23/01/2018 11:10
2,36 👨 24.005
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản