Quản Trị Mạng - Từ trước đến nay, đã có rất nhiều các bài viết về chủ đề quản lý dự án, nhưng lại chủ yếu tập trung vào mảng kỹ thuật, chẳng hạn như giới thiệu các công cụ hỗ trợ, các bộ sưu tập mẫu, tiêu chí quản lý mô hình, sắp xếp mốc thời gian, nhân sự... Nhưng bên cạnh đó một khía cạnh khác đi kèm cũng không hề kém phần quan trọng, đó là những vấn đề có liên quan đến xã hội và tinh thần, khả năng lãnh đạo, tinh thần làm việc theo nhóm, đàm phán, giải quyết tranh chấp... cũng đóng góp phần không nhỏ ảnh hưởng đến sự thành công của dự án.
Những nền tảng căn bản của khả năng lãnh đạo có thể được dạy trong trường học, các khóa huấn luyện, đào tạo của công ty, doanh nghiệp, nhưng tố chất thực sự cần thiết thì phải được rèn luyện và chứng minh tính hiệu quả. Trong phần dưới của bài viết, chúng tôi sẽ nêu ra 3 tố chất cần thiết của một nhà quản lý dự án thành công và tiêu biểu.
1. Hình dung trước kết quả sẽ đạt được:
Như chúng ta đã biết, công việc quản lý dự án không hề đơn giản chút nào, và sự thật là những tính chất có liên quan đến bất kỳ dự án nào cũng rất căng thẳng, đầy áp lực, dễ dàng tạo ra áp lực, bực bội... và nhiều yếu tố khác. Tất cả những giai đoạn tập trung vào thời điểm mấu chốt của dự án đều phải được hoàn thành (bằng bất cứ giá nào), luôn nhớ rằng nói bao giờ cũng dễ hơn làm, nhưng thực chất thì cả 2 đều quan trọng như nhau. Tầm ảnh hưởng của người quản lý dự án ở đây là vô cùng to lớn, họ chịu trách nhiệm chính về kết quả đạt được tùy theo từng giai đoạn, điều này cũng có nghĩa là họ không thể giao phó hoặc đùn đẩy công việc cho người khác.
2. Yêu cầu về sự thật:
Để đạt hiệu quả tối đa cũng như đưa ra được quyết định phù hợp nhất, những người quản lý cần phải biết nguyên nhân chính xác của các vấn đề đang gặp phải, hoặc rủi ro đang ảnh hưởng đến quá trình phát triển của dự án. Đứng trên cương vị là người đứng đầu và điều hành dự án, người quản lý cần phải được biết toàn bộ những gì đang diễn ra trong team làm việc, mối quan hệ giữa các bộ phận... Nếu có thành viên nào đó vô tình hoặc cố ý làm giảm nhẹ mức nghiêm trọng của vấn đề, đánh giá không chính xác mức độ rủi ro, che giấu 1 khuyết điểm nào đó... thì chắc chắn hậu quả để lại sẽ nghiêm trọng và to lớn hơn nhiều. Bằng việc khéo léo tiếp xúc với từng thành viên trong nhóm, hoặc người đứng đầu các nhóm, người quản lý hãy giải thích chính xác về vấn đề đang gặp phải, những giải pháp phù hợp khi đem vào áp dụng trong thực tế, chắc chắn vấn đề đó sẽ nhanh chóng được giải quyết.
3. Thể hiện tinh thần "dũng cảm":
Trên thực tế, hầu hết các dự án đề không thể suôn sẻ như kế hoạch, và nhiệm vụ chủ chốt của những người quản lý là nắm bắt, giám sát đầy đủ tình trạng mới nhất, đưa ra những giải pháp phù hợp để cải thiện hiệu suất. Trong 1 số công ty có tồn tại những “thói quen” khá nguy hiểm, đó là không bao giờ được báo cáo những tin tức xấu cho cấp trên cho tới khi quá muộn. Nếu bạn là người tích cực, nắm bắt thông tin nhanh nhạy và linh hoạt trong khâu xử lý tình huống, chắc chắn sẽ tránh được những tình huống đáng tiếc như vậy. Và mỗi khi dự án gặp trục trặc, người quản lý cần nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các thành viên còn lại.
Do vậy, tinh thần “xung phong” ở đây rất đáng được hoan nghênh, sẵn sàng tham gia mọi tình huống, các buổi thảo luận, đề xuất ý kiến, gạt bỏ những hiềm khích cá nhân sang 1 bên để đóng góp cho công việc, chia sẻ với tất cả mọi người, đưa ra quyết định phù hợp với tình thế hiện tại, năng lực của nhân viên cần được đánh giá chính xác và phù hợp với nguyện vọng và ngược lại, ai thích hợp với vị trí công việc nào, đưa ra quyết định tiếp tục hay dừng dự án, thay đổi nhân sự... tất cả những tình huống trên đều rất khó và phức tạp, nhưng đó chính là công việc, bổn phận và trách nhiệm của người quản lý dự án.