Cổng âm thanh Optical là gì? Chúng ta có nên sử dụng hay không?

Có bao giờ bạn thắc mắc rằng các cổng âm thanh Optical (cổng quang) hình thang này có tác dụng gì chưa? Nếu bạn để ý thì loại cổng này thường dễ dàng được tìm thấy ở mặt sau của máy tính, Tivi, thiết bị thu truyền thông và nhiều vật dụng khác nữa, nhưng hầu như chẳng mấy khi chúng ta sử dụng đến chúng. Tuy nhiên, bạn sẽ phải suy nghĩ lại khi biết được công dụng của loại cổng đặc biệt này. Hãy cùng tìm hiểu xem cổng optical là gì bạn nên tận dụng nó như thế nào.

Cổng âm thanh optical là gì?

Phần lớn các loại cáp kết nối bạn sử dụng trong các hệ thống thu phát sóng gia đình, máy tính cá nhân và các thiết bị nghe nhìn đều sử dụng tín hiệu điện. Tín hiệu truyền qua các loại cáp này có thể là analog hoặc kỹ thuật số (digital). Về bản chất tín hiệu sẽ được gửi đi như một xung điện truyền qua các dây cáp dẫn điện. Các loại dây cáp, từ dây loa cổ lỗ sĩ đời “Tống” cho đến các loại cáp HDMI trên các Tivi đời mới trong nhà bạn đều có lõi bên trong chứa rất nhiều dây dẫn điện nhỏ.

Một điểm nổi bật có thể nhận thấy trong thị trường âm thanh/video gia đình đó là sự xuất hiện của các loại dây cáp âm thanh quang (optical cable). Không giống như các tiêu chuẩn cáp thông thường khác, trên các hệ thống âm thanh quang học, người ta sử dụng cáp quang và ánh sáng laser để truyền tín hiệu âm thanh kỹ thuật số giữa các thiết bị trong hệ thống. Tiêu chuẩn truyền tín hiệu này đã được Toshiba giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1983 và ban đầu chúng được dự định sử dụng trên các đầu đĩa Compact Disc của hãng. Đây cũng là lý do tại sao đôi khi bạn sẽ nghe thấy loại cáp optical còn được gọi là cáp Toshiba-Link hoặc TOSLINK.

Cáp quang và ánh sáng laser

Bạn có thể kiểm tra xem thiết bị của mình có hỗ trợ cáp âm thanh TOSLINK bằng cách nhìn vào mặt sau của thiết bị xem nó có cổng TOSLINK riêng biệt hay không. Cổng này thường được gắn nhãn có nội dung “optical audio”, “TOSLINK”, “Digital Audio Out (Optical)” hoặc những từ mang ý nghĩa tương tự, trong trường hợp nhà sản xuất không đề nhãn thì bạn vẫn có thể dễ dàng nhận ra các cổng optical. Cổng optical có hình dáng khác biệt hoàn toàn so với tất cả các cổng khác và trông rất nổi bật, như một cánh cửa hình thang nhỏ xíu dẫn vào bên trong thiết bị của bạn vậy, và khi thiết bị được bật nguồn, xung quanh cổng optical sẽ phát ra ánh sáng laser đỏ (xem ảnh bên dưới).

Cổng optical

Mặc dù đã xuất hiện được hơn 30 năm nay, nhưng chuẩn kết nối âm thanh optical mới chỉ được nâng cấp và tinh chỉnh một vài lần để trở nên phù hợp hơn với công nghệ trên các thiết bị hiện đại, qua đó nâng cao hiệu năng sử dụng. Hữu ích là thế nhưng tại sao các cổng âm thanh optical vẫn không được đông đảo mọi người ưa chuộng? Có lẽ sẽ phải cần đến cả một công trình nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi này nhưng chúng ta có thể hiểu nôm na rằng khi cổng optical xuất hiện, sự ưu việt mà nó đem lại vượt quá nhu cầu sử dụng ở thời đó, khi mà số lượng người dùng Tivi, dàn âm thanh tại gia còn rất hạn chế, nói gì đến việc những người dùng phổ thông sử dụng loại công nghệ mới này. Và nhiều năm sau, cho đến khi người tiêu dùng phổ thông bắt đầu quan tâm hơn đến các kết nối nhằm nâng cao chất lượng nghe - nhìn tại gia thì các loại cáp optical lại bị lu mờ bởi cáp HDMI, nguyên nhân là do chuẩn HDMI không chỉ đơn giản mà còn tiện dụng hơn rất nhiều vì nó hỗ trợ truyền tải tín hiệu hình ảnh và âm thanh cùng lúc, không những vậy, HDMI còn hỗ trợ các định dạng âm thanh có độ phân giải cao hiện đại hơn như Dolby TrueHD và DTS HD Master Audio… Còn các cổng optical thì không.

Tóm lại, Cổng Optical là loại cổng được sử dụng phổ biến trên cách dòng Smart Tivi, các dàn âm thanh hiện nay. Công dụng của nó là giúp truyền tải âm thanh với tốc độ cực kì cao và chất lượng âm truyền đến dàn âm thanh vô cùng ấn tượng chỉ thông qua 1 sợi cáp rất nhỏ gọn. Dây cáp optical có thể truyền tải âm thanh nhanh gấp vài nghìn lần so với những loại dây cáp thông thường khác, ngoài ra chúng còn có khả năng tái tạo lại âm thanh, vì thế, nếu bạn quan tâm đến việc việc truyền tải âm thanh chất lượng cao từ tivi ra các thiết bị ngoại vi khác thì cổng optical là một lựa chọn sáng giá.

Tính đa dụng của cổng âm thanh optical

Nếu ngày này cáp HDMI hầu như đã thay thế hoàn toàn cáp TOSLINK (optical), thì tại sao công nghệ này vẫn chưa bị khai tử? Ít ra thì cáp TOSLINK vẫn còn rất hữu ích trong những trường hợp cụ thể sau đây, vậy nên việc không được sử dụng đại trà không có nghĩa là cáp TOSLINK phải được chuyển xuống các bảo tàng hay bị coi là một tiêu chuẩn đã lỗi thời.

Hệ thống cáp TOSLINK vẫn có khả năng truyền tải được số lượng lên đến 7.1 kênh âm thanh có độ phân giải rất cao. Tuy nhiên, đối với phần lớn các thiết lập của người dùng phổ thông hiện nay, sẽ hoàn toàn không có sự khác biệt rõ rệt nào giữa chất lượng âm thanh khi sử dụng cáp HDMI hoặc cáp TOSLINK.

Mục tiêu của bài viết này không phải là thuyết phục bạn chuyển từ cáp HDMI sang TOSLINK. Nếu bạn đang hài lòng với hệ thống của mình, chẳng có lý do gì để thay đổi cả. Mọi thay đổi sẽ kéo theo những chi phí phát sinh trong khi chất lượng có được cải thiện hay không thì chưa thể dám chắc. Mục đích của bài viết này là muốn làm nổi bật ý nghĩa và công dụng của cổng TOSLINK. Có thể coi chúng như một vị cứu tinh của thế giới âm thanh kỹ thuật số. Chỉ khi bạn đòi hỏi một hệ thống âm thanh có chất lượng tốt hơn, vượt xa với những thiết lập phổ thông, khi đó bạn sẽ nhận ra được giá trị thực sự của các cổng optical này.

Dưới đây là ba tình huống phổ biến mà khi đó TOSLINK hoàn toàn đánh bại HDMI.

Khi bạn sử dụng các thiết bị âm thanh cũ

Các thiết bị âm thanh “vintage” vẫn mang lại những chất rất riêng cho người sử dụng. Phần lớn các TV, dàn âm thanh, cũng như nhiều đầu phát Blu-ray, bảng điều khiển trò chơi và các thiết bị khác vẫn có cổng TOSLINK. Bạn có thể truyền tải tín hiệu video từ nguồn qua cổng HDMI sau đó sử dụng cổng optical để đưa tín hiệu âm thanh đến thiết bị thu và loa của bạn. Hãy nhớ rằng, TOSLINK đã có mặt trên thị trường từ năm 1983, vậy nên có khả năng các bộ thu âm thanh/video cao cấp được sản xuất trong một hoặc hai thập kỷ qua vẫn còn hỗ trợ cổng TOSLINK.

Các thiết bị âm thanh cũ

Cô lập tín hiệu âm thanh

Bạn hoàn toàn có thể tách tín hiệu âm thanh ra khỏi cáp HDMI nhưng đó là nhiệm vụ không hề đơn giản, đòi hỏi phải sử dụng bộ giải mã chuyên dụng, bộ điều hợp và một loạt những yêu cầu về kỹ thuật số khác. Nếu bạn cần phải cô lập tín hiệu âm thanh từ một nguồn kỹ thuật số, cách dễ dàng nhất đó là thông qua cáp TOSLINK.

Ví dụ: Khi bạn muốn sử dụng đầu đĩa Blu-ray của mình làm đầu đĩa CD nhưng không muốn phải bật TV để nghe những đĩa CD đó, trong trường hợp này, nếu đầu phát Blu-ray của bạn có cổng TOSLINK, bạn có thể truyền tín hiệu âm thanh qua cổng TOSLINK đến loa hoặc bộ thu của bạn mà không phải thông qua Tivi.

Một ví dụ khác: Bạn sở hữu một dàn loa tuyệt đẹp được kết nối với một bộ thu chất lượng, nhưng máy thu đó đã quá cổ nên không hỗ trợ một kết nối kỹ thuật số nào, cũng không có cả cổng TOSLINK luôn. Lúc này, bạn sẽ phải cần đến một bộ chuyển đổi optical-to-analog giữa cổng quang trên dàn loa và bộ thu. Cụ thể bạn có thể ngắt âm thanh ra khỏi cổng kỹ thuật số và kết nối nó với bất kỳ thiết bị analog nào mà bạn muốn: tai nghe không dây, máy thu cũ, hệ thống âm thanh từ thời kỳ thập niên 90 của thế kỷ trước hoặc bất kỳ hệ thống nào khác mà chỉ hỗ trợ tín hiệu âm thanh analog.

 Bộ chuyển đổi optical-to-analog

Bạn sẽ phải làm gì trong khi bản thân bạn thì muốn sử dụng một cặp tai nghe analog để kết nối với TV trong khi vợ/chồng của bạn lại muốn sử dụng loa để họ có thể nghe cho to hơn? Nhiều thiết bị thu và TV có các giắc cắm tai nghe cũ nhưng hầu hết tín hiệu âm thanh đến loa sẽ bị ngắt khi bạn kết nối tai nghe vào thiết bị. Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng cùng bộ chuyển đổi TOSLINK để truyền tín hiệu âm thanh đến bất cứ thiết bị nào mà bạn muốn mà không phải bận tâm về các tiêu chuẩn bảo vệ nội dung như đối với HDMI.

Loại bỏ hiện tượng ù, nhiễu âm thanh

Các vòng lặp tiếp đất (Ground loops) xét theo khía cạnh kỹ thuật điện là một chủ đề khá phức tạp. Thay vì đi sâu vào nghiên cứu các mô tả phức tạp về các vòng lặp tiếp đất (bạn có thể tìm hiểu qua một bài báo về khái niệm này nếu muốn tìm hiểu sâu hơn) thì có thể nói rằng một vòng lặp tiếp đất có thể xuất hiện trong nhà của bạn khi có một sự khác biệt tiềm ẩn giữa điện áp (năng lượng) so với đất giữa hai thiết bị sử dụng thì dòng điện có thể truyền từ thiết bị này qua thiết bị khác thông qua cáp dữ liệu song song để cân bằng điện áp (năng lượng) giữa hai thiết bị. Điều này có thể gây ra những âm thanh “vo ve" khó chịu cho loa của bạn.

Các vòng lặp tiếp đất

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của vòng lặp tiếp đất trong thiết bị truyền thông gia đình là thiết bị cáp được nối đất kém. Trong tình huống này, các ổ cắm điện của bạn và các thiết bị truyền thông được kết nối nằm trên một mặt đất nhưng cáp đồng trục được kết từ một mặt phẳng khác. Sự chênh lệch giữa vị trí, công suất và tổng năng lượng tiềm ẩn của hai địa điểm nối đất khác nhau gây ra tắc nghẽn trong hệ thống điện. Thông thường “cuộc xung đột mặt đất” này không có gì quá nghiêm trọng và bạn thậm chí còn không thể phát hiện ra trừ khi bạn nghe thấy những tiếng nhiễu trên loa và thậm chí nó có khả năng làm hỏng thiết bị của bạn. Để cho hệ thống hoạt động hoàn hảo, chúng ta phải truy tìm nguồn gốc của vòng lặp tiếp đất và sửa chữa nó.

Trong những trường hợp như vậy, bạn có thể loại bỏ hoàn toàn các vòng lặp tiếp đất gây phiền nhiễu trên cho hệ thống âm thanh của bạn bằng cách cô lập thiết bị bằng cáp TOSLINK. Hãy nhớ rằng, cáp TOSLINK là cáp quang, và bởi vì các dây cáp này có chất liệu hoặc là hoàn toàn bằng nhựa hoặc là bằng nhựa và thủy tinh mà các vật liệu này không có khả năng dẫn điện nên không thể đóng vai trò làm trung gian để truyền tiếng ồn gây ra từ các vòng lặp tiếp đất.

Tổng kết

Mặc dù HDMI gần đã thay thế TOSLINK và trở thành giải pháp truyền tải tín hiệu nghe - nhìn cho hầu hết người tiêu dùng, nhưng cáp TOSLINK sẽ có một vị trí nhất định trên thị trường bởi những ưu điểm “độc quyền” mà nó sở hữu.

Xem thêm:

Thứ Hai, 24/09/2018 13:58
4,54 👨 28.343
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản