Bạn muốn sử dụng video cho các chiến dịch marketing trên mạng xã hội? Bạn đang tìm kiếm các giải pháp để tăng lượng view và tỷ lệ tương tác (engagement)? Vậy thì hãy cùng khám phá 26 mẹo đơn giản dưới đây để biết cách tối ưu hóa video cho các chiến dịch Social Media Marketing của mình nhé.
Lưu ý: Bạn nên áp dụng tất cả các thủ thuật này và thử nghiệm nó trước khi chạy trên quy mô lớn (các chiến dịch có quy mô lớn và cần tạo ra sự lan truyền trên diện rộng). Bất kỳ một sự thay đổi nhỏ nào cũng sẽ tạo ra những hiệu quả rất đáng kinh ngạc.
1. Điều chỉnh độ dài video
Tùy thuộc vào loại video bạn muốn chia sẻ cho người xem mà độ dài video cũng sẽ có sự khác biệt. Do vậy, tiến hành thử nghiệm bằng cách tăng hoặc giảm thời lượng video sẽ giúp bạn dễ dàng xác định được khoảng thời gian video phù hợp nhất với chiến dịch quảng cáo của mình.
Trước khi bắt đầu quay hay chỉnh sửa video, bạn nên biết được độ dài video tối đa được cho phép tải lên trên từng nền tảng:
- Facebook: 120 phút.
- Twitter: dưới 30 giây (khuyến nghị).
- Instagram: 60 giây.
- Snapchat: 10 giây.
- Vine: 6 giây.
Lưu ý: Không được đăng video vượt quá độ dài cho phép trên. Nếu muốn share video có thời lượng dài hơn thì bạn phải dán link YouTube, tuy nhiên, tính năng này trên Instagram hiện vẫn chưa được hỗ trợ.
2. Tận dụng tính năng tự động phát (Autoplay)
Twitter, Facebook và Instaram hiện đều hỗ trợ tính năng tự động phát. Khi người dùng cuộn xuống News Feed , video sẽ được phát một cách tự động và điều này sẽ khuyến khích người dùng xem video nhiều hơn trước.
Do vậy, bạn có thể tạo các chuyển động nổi bật trong vài Frame (khung hình) đầu tiên để tối ưu hóa tính năng này nhằm thu hút sự chú ý của người dùng, khiến họ phải dừng lại để xem hết video của bạn.
Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng người dùng nhiều khả năng sẽ tắt tính năng tự động phát trên các thiết bị di động để tiết kiệm dung lượng dữ liệu. Do vậy, bạn có thể hướng các chiến dịch cần sử dụng video dài đối với những user thường xuyên truy cập mạng xã hội trên máy tính và xem thử liệu cách này có tăng lượng video và tương tác hay không.
Khi đã được người dùng Facebook và Twitter kích hoạt thì tính năng Autoplay sẽ giúp tăng lượng view. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo bạn không nên dựa quá nhiều vào điều này vì kết quả có thể sẽ không thực sự đạt được như mong đợi.
3. Thêm phụ đề (Subtitle)
Mạng xã hội giúp chúng ta kết nối với người dùng trên khắp thế giới và các thương hiệu sở hữu thiết kế càng có tính "inclusive" (bình đẳng giữa các người dùng, nghĩa là thiết kế chấp nhận chào đón rất nhiều kỹ năng nhận thức và cấp độ chuyên môn giữa những người dùng khác nhau, bất kể họ xuất phát từ điểm nào thì thiết kế đều dành cho họ) cao thì kết quả đạt được càng ấn tượng.
Việc thêm phụ đề vào video sẽ giúp người người dùng smartphone có thể xem video ngay cả khi họ đang ở những nơi mà không thể hoặc họ không muốn tăng âm lượng (chẳng hạn như trong văn phòng làm việc, máy bay hay thư viện).
Quan trọng hơn, thêm phụ đề video sẽ cho phép những người bị khiếm thính cũng có thể xem và hiểu được tất cả những thông tin bạn muốn truyền tải.
4. Phát video trực tiếp (Broadcast Live)
Tính năng Facebook Live cho phép người dùng phát video trực tiếp tới khán giả trong thời gian thực bằng điện thoại thông minh. Khi tiến hành broadcast, bạn có thể nắm được số người đang xem, ai bình luận, xem bình luận và trả lời bình luận của họ ngay cả khi đang phát.
Một nghiên cứu nhận thấy rằng người dùng thường dành thời gian xem Live Video gấp 3 lần so với các video không được quay trong thời gian thực.
Người dùng cũng được lựa chọn nhận thông báo tự động khi đó họ theo dõi phát video trực tiếp. Điều này sẽ giúp tăng visibility (người có mặt). Một khi quá trình phát video kết thúc, bạn có thể lưu video trên Timeline để những người dùng khác không có cơ hội xem trực tiếp có thể xem lại.
Periscope và Blab hiện cũng đã cung cấp nền tảng cho phép chia sẻ video được phát trực tiếp (Live Video).
5. Thu hút sự chú ý ngay khi bắt đầu
Việc thu hút được sự chú ý của người xem ngay từ những giây đầu tiên của video là điều vô cùng quan trọng. Bạn cần làm được điều này trong tối đa 10 giây đầu hoặc là người dùng sẽ dừng xem và làm việc khác.
Muốn làm được thì video của bạn buộc phải thật ngắn gọn, nội dung súc tích và đi thẳng vào vấn đề. Thành công của Vine với video có độ dài 6 giây đã chứng tỏ rằng việc thu hút sự quan tâm của người dùng chỉ trong 10 giây đầu là điều có thể.
Sau 10 giây này, phần còn lại của video sẽ giúp người dùng hiểu rõ hơn thông điệp và nắm được giải pháp của vấn đề họ đang gặp phải.
Các điểm neo (hook) là một phần quan trọng để thu hút sự chú ý, bởi vì chúng giải thích tại sao người xem nên quan tâm hoặc cảm thấy thú vị. Bạn nên đặt các điểm neo trong Frame thứ nhất hoặc hai của video trước khi người dùng có cơ hội cuộn xuống dưới News Feed.
6. Tạo video "How-to"
Video "How-to" – các video hướng dẫn cách làm hiện đang rất phổ biến trên tất cả các nền tảng mạng xã hội. Liệu rằng bạn đang dạy người dùng cách làm bánh ngọt hay cung cấp các mẹo vặt cuộc sống thì những video này giờ đây không chỉ dành cho Pinterest nữa.
Video "How-to" nên dạy cho người dùng về các ý tưởng, thủ thuật hoặc bài học một cách trực tiếp và đơn giản. Càng đơn giản, họ càng dễ áp dụng và càng có khả năng "follow" (theo dõi) trang của bạn để được cung cấp thêm nhiều thủ thuật hữu ích.
Trong trường hợp này, video có thời lượng ngắn sẽ hiệu quả hơn. Nếu video quá dài, hãy sử dụng các công cụ chỉnh sửa video để tăng tốc độ hiển thị hình ảnh.
7. Kích thích cảm xúc
Cảm xúc có thể khiến người dùng hành động và một video có khả năng hấp dẫn cảm xúc của người xem có thể tạo ra sự đồng cảm và "ám ảnh" họ.
Video là sự lựa chọn lý tưởng nếu bạn muốn tối đa tác động về mặt cảm xúc của nội dung. Điều này tạo sự khác biệt hoàn toàn so với khi điều chỉnh nhịp điệu giọng nói hay những thay đổi tinh tế của các biểu hiện trên khuôn mặt. Video chân thực và sống động hơn các loại hình đa phương tiện khác và chúng có thể lan truyền nguồn cảm xúc vô cùng lớn trong khoảng thời gian cực ngắn cho khán giả.
Nếu muốn thu thút người xem bằng cảm xúc, hãy cân nhắc tất cả các khía cạnh của video, bao gồm chọn ngôn ngữ, nhạc nền, font chữ sao cho chúng được kết hợp với nhau một cách hài hòa và khớp với loại cảm xúc mà bạn đang muốn khơi dậy. Thêm vào đó, hạnh phúc cũng được xem như là một loại cảm xúc và thể hiện những nội dung truyền cảm hứng hay tạo động lực là cách tuyệt vời để tạo ra sự kết nối tích cực giữa người xem với thương hiệu của bạn.
8. Tối ưu hóa tính năng tìm kiếm (Search)
Gần như tất cả các bài đăng nhằm mục đích kinh doanh trên mạng xã hội nên được tối ưu hóa cho các công cụ tìm kiếm. Với việc các trang web social media ngày càng hoạt động giống như những công cụ tìm kiếm nên tối ưu hóa sẽ tạo ra sự khác biệt hoàn toàn khi xét đến những người dùng tìm kiếm bạn và video của bạn.
Trong khi phụ đề video không được nhận dạng bởi các công cụ tìm kiếm thì tiêu đề (headline) và mô tả (description) bài đăng video lại khác. Do vậy, thêm các từ khóa hoặc cụm từ quan trọng sẽ giúp người dùng tìm kiếm nội dung của bạn nhanh hơn, đồng thời thêm các hashtag liên quan trên Twitter và Instagram sẽ tăng khả năng hiển thị đầu tiên trên danh sách kết quả tìm kiếm.
9. Làm nổi bật các nút kêu gọi hành động (Call to Action)
Mục tiêu quảng cáo bằng video của bạn là gì? Liệu rằng đó là để thu hút người dùng ghé thăm trang của bạn, chia sẻ video hay mua hàng thì tất cả đều để kêu gọi người xem thực hiện một vài hành động nào đó.
Việc đặt nút Call to Action (CTA) ở cuối video hiệu quả nhất, cho dù đó chỉ là một lời chú thích nói với người dùng rằng "bạn có thể ... bằng cách đăng ký trên website của chúng tôi" hay "tìm hiểu thêm tại (chèn url)".., tất cả đều cần thiết để kích thích người dùng thực hiện hành động mà bạn muốn.
Lợi ích của việc đăng video YouTube lên các trang mạng xã hội đó là những lời chú thích có thể nhấp chuột – thứ mà có thể trở thành những lời kêu gọi hành động. Điều này trước đây không thể thực hiện được trừ khi bạn chạy các chiến dịch quảng cáo trả phí.
10. Trả lời câu hỏi
Trả lời câu hỏi của người xem nghĩa là bạn đã tạo thêm giá trị tức thời cho họ. Sau cùng, bạn cung cấp nội dung và thông tin mà bạn biết là họ muốn. Đây là cách tuyệt vời để tương tác với người dùng và tạo ra sự xác thực về uy tín cho hoạt động kinh doanh của bạn.
Tốt nhất là bạn nên duy trì các video ngắn và đưa ra câu trả lời súc tích cho một vài câu hỏi.
Cuối video, hãy để người dùng biết được nơi mà họ có thể truy cập để khám phá thêm nhiều thông tin tuyệt vời hơn (chẳng hạn như website của bạn). Nút CTA này có thể "hút" thêm nhiều cú nhấp chuột vào trang web vì bạn đã chứng minh được giá trị của mình qua video ngắn trên mạng xã hội.
11. Thu hút sự chú ý mà không cần sử dụng âm thanh
Khi tìm cách thu hút sự chú ý của người dùng trong một News Feed luôn tràn ngập thông tin thì một số người thường dựa vào audio như đoạn hội thoại hay âm nhạc. Ngoài ra, ngay cả khi không có âm thanh, bạn cũng có thể làm được như vậy.
Khi video tự động phát mỗi lần người dùng cuộn News Feed thì điều quan trọng ở đây là cần tạo ra sự thú vị về thị giác. Thực tế, một nghiên cứu cho thấy 85% video trên Facebook được xem trong chế độ im lặng.
Bí quyết ở đây là sử dụng các màu sáng, có tính tương phản; lựa chọn hình ảnh cho Frame đầu tiên mà các Follower của bạn sẽ tương tác; thêm caption sau khi video bắt đầu và đừng quên tạo các điểm neo.
12. Đăng video tự nhiên (Native Video)
Khi mà việc chia sẻ video trên các mạng xã hội ngày càng phổ biến thì những nền tảng social này có xu hướng khuyến khích người sử dụng tải lên video tự nhiên. Cách làm này chính là hình thức quảng cáo tự nhiên (Native Advertising) đã được bùng nổ trong vài năm trước, cụ thể, đây là một chiến lược quảng cáo cho phép các user quảng bá nội dung của họ dựa trên trải nghiệm đặc thù của một website hoặc ứng dụng.
Tải lên video tự nhiên nghĩa là video đó giống như các nội dung bình thường khác trong ứng dụng/web, có định dạng phù hợp với hình thức, chức năng, giao diện của các website này, do đó không làm gián đoạn trải nghiệm của người dùng. Trong khi trước đây bạn sẽ phải tải video lên YouTube, sau đó chia sẻ link lên Facebook hoặc Twitter thì giờ đây, bạn có thể upload video trực tiếp lên các mạng xã hội này.
Native video được ưu tiên trong thuật toán của Facebook và dường như tạo hiệu quả tốt hơn trên hầu hết các nền tảng khác so với các video thuộc dạng khác. Tuy nhiên, hiện Pinterest vẫn chưa hỗ trợ tính năng này (mặc dù bạn có thể ghim video YouTube vào Pinterest và cách làm này cũng cho kết quả tốt hơn).
13. Chia sẻ tin tức nóng hổi (Breaking News)
Tin tức nóng và các cập nhật lớn quả không có gì có thể thú vị hơn nữa. Liệu rằng bạn giới thiệu sản phẩm mới hay thông báo về một sự thay đổi trong kinh doanh thì việc chia sẻ các thông tin này với Follower qua video cũng tạo ra tác động lớn.
Thậm chí nếu không thoải mái khi stream video trực tiếp thì bạn vẫn có thể sử dụng video ghi âm để duy trì sự tương tác với Follower về các sự kiện trong thời gian thực. Bằng cách này hay cách khác, hãy chắc chắn là bạn đã có một bản thảo, luyện tập tốt bài nói và luôn có những điểm quan trọng có thể tạo ra sự tranh luận. Điều này sẽ kích thích người dùng tương tác với bạn.
14. Tận dụng tính năng Featured Video Facebook
Khi người dùng truy cập vào các page bán hàng trên Facebook thì ngay lập tức họ sẽ nhìn thấy một vài bài đăng và thông tin về bạn. Ngoài ra, họ cũng có thể thấy một video nổi bật được đặt dưới ảnh đại diện và số người thích trang này.
Tính năng video nổi bật là một cơ hội rất lớn để bạn tạo ấn tượng đầu tiên cho sản phẩm của mình hoặc ít nhất là với trang Facebook cả bạn. Tổng thể rất tuyệt vời nhưng có lẽ bạn cũng nên nhấn mạnh một video hay nhất để hướng người dùng vào một sản phẩm mới hoặc kể một câu chuyện mà có thể tạo ra sự đồng cảm với khán giả.
Để thêm video nổi bật trên trang, chọn tab Video => Feature a Video on Your Page => chọn video từ thư viện => Enter.
15. Hãy để người dùng được khám phá "hậu trường" (Behind the scenes)
Một lý do mà người dùng theo dõi thương hiệu của bạn trên mạng xã hội đó chính là "ảo giác về sự minh bạch". Họ tin rằng họ cần biết thương hiệu thực sự của bạn là gì và nó đại diện cho cái gì. Do vậy, những video mà giúp người dùng khám phá "hậu trường" sản phẩm sẽ là những công cụ xây dựng thương hiệu mạnh mẽ.
Chẳng hạn, hãy để người dùng biết được sản phẩm của bạn được chế tạo như thế nào, ai là người làm ra nó... và họ sẽ tăng lòng trung thành với thương hiệu. Điều này cũng tạo ra hiệu ứng tâm lý giống với storytelling (quảng cáo theo hình thức kể chuyện) – hình thức cho phép người dùng kết nối với những con người thật.
16. Tinh chỉnh video
Bạn có thể sử dụng các công cụ chỉnh sửa để cải thiện chất lượng video hoặc khiến nó trở nên thú vị hơn. Một số mạng xã hội như Snapchat, Facebook hay Instagram cho phép chỉnh sửa trực tiếp trước khi xuất bản hoặc bạn cũng có thể sử dụng các công cụ khác với nhiều tính năng mạnh hơn như Lightworks (cho phép thêm giọng nói, ảnh nền, xóa các section trong video) hay Lapse It (tạo video Time Lapse – tua nhanh thời gian hay Slow Motion – hiệu ứng chuyển động chậm).
17. Tận dụng Trending Topics và Hashtag
Nếu có một Trending Topics (chủ đề đang nóng, được nhiều người quan tâm ở thời điểm hiện tại) hoặc hashtag thì thêm video đi kèm giọng nói vào một câu chuyện có thể mang lại lượng video và tỷ lệ tương tác rất lớn. Bởi lẽ, một trong những mục tiêu chính của marketing trên mạng xã hội là truyền tải nội dung liên quan đến khán giả.
18. Chạy quảng cáo video
Bạn có thể chia sẻ quảng cáo video cho khách hàng mục tiêu (targeted audiences), bao gồm những người dùng liên quan (relevant users) mà bạn chưa hề kết nối với họ trên mạng xã hội. Facebook, Instagram và Twitter – tất cả đều có những mục tiêu quảng cáo mà tập trung vào việc tăng lượng video và tỷ lệ tương tác.
Để an toàn, bạn có thể thử nghiệm video với các khách hàng hiện tại trước khi quyết định chạy một chiến dịch quảng cáo. Nếu có kết quả tốt thì nhiều khả năng bạn sẽ thành công khi chạy chiến dịch.
19. Lựa chọn tiêu đề (Headline) phù hợp
Tiêu đề video là thứ đầu tiên mà Follower nhìn thấy. Lý tưởng nhất là hãy sử dụng các headline cụ thể, rõ ràng, trong khi vẫn khiến người dùng đủ tò mò để xem video của bạn.
Headline cũng cần thú vị, chính xác và khơi mào cho người dùng một ý tưởng về việc video sẽ đề cập đến vấn đề gì. Nếu có thể, hãy đặt một vài từ khóa vào headline để tăng thứ hạng của site trên các công cụ tìm kiếm.
Nếu nghi ngờ, bạn có thể sử dụng quy trình A/B test (một quy trình mà trong đó hai phiên bản (A và B) sẽ được cùng so sánh trong một môi trường / tình huống được xác định và qua đó đánh giá xem phiên bản nào hiệu quả ) cho headline để xem thử liệu tiêu đề nào sẽ phù hợp nhất với khách hàng của bạn.
20. Làm nổi bật các nội dung do người dùng sáng tạo
Chia sẻ nội dung do người dùng sáng tạo (User-generated content – UGC) trên mạng xã hội sẽ mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời, bao gồm cả tỷ lệ tương tác lẫn lòng trung thành với thương hiệu.
UGC có thể bao gồm đánh giá sản phẩm, website, fanpage, các câu hỏi và trả lời của người dùng hay hình ảnh họ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn và tin tốt là hiện nay người dùng cũng đã có thể tự sáng tạo ra video để đánh giá về những sản phẩm/dịch vụ mà họ chú ý.
21. Thêm logo
Một thực tế là có những video được chia sẻ từ fanpage hoặc trang cá nhân nhưng người dùng khác (hoặc Follower) không hề biết đó là video của bạn.
Lúc này, hãy thêm logo vào video để tăng khả năng nhận diện thương hiệu (brand recognition) và giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc liên kết nội dung đó với bạn. Nên chọn logo tương đối nhỏ, kín đáo, không quá phô trương và đặt nó vào một vị trí mà không làm ảnh hưởng tới video.
22. Tập trung vào một thông điệp
Tập trung vào một thông điệp hoặc một câu chuyện trong mỗi video. Điều này sẽ tạo ra sự đơn giản và khiến cho video đủ ngắn gọn để tạo ra các hiệu ứng tốt trên mạng xã hội. Mỗi video chỉ nên đề cập tới một vấn đề, một vấn đề mà thôi.
23. Đảm bảo chất lượng âm thanh tốt
Việc để người dùng phải lắng nghe những âm thanh chất lượng kém, lúc to, lúc nhỏ hay quá nhiều tiếng ồn sẽ khiến họ giảm lòng tin vào video và thương hiệu của bạn.
Nếu bạn stream video trực tiếp trên Facebook hoặc Periscope, hãy kiểm tra chất lượng âm thanh đầu tiên. Trước hết, hãy ghi âm một đoạn video ngắn và nghe thử để chắc chắn vị trí bạn chọn là lý tưởng, sau đó mới tiến hành broadcast.
24. Kể các câu chuyện
Storytelling có sức lan truyền rất mạnh mẽ vì nó cho phép bạn kết nối với khách hàng. Những câu chuyện, đặc biệt liên quan đến những con người thực sẽ mang đến cho người dùng một thông điệp sâu sắc về sản phẩm của bạn và khiến họ có một thứ gì đó để nhớ.
Video là cách hoàn hảo để "kể chuyện" trên mạng xã hội. Chúng gần như là hình thức truyền thông mạnh mẽ nhất mà chúng ta có. Thậm chí một video chỉ kéo dài 30 giây cũng giúp bạn chia sẻ thông tin theo cách ấn tượng hơn so với một bức ảnh hay bài đăng thông thường.
Kể các câu chuyện bằng video cũng cho phép bạn kiểm soát tốt hơn điều muốn nói về sản phẩm và cách bạn muốn truyền tải.
Các câu chuyện cũng cần có 3 phần: mở đầu, phần thân và kết, đồng thời cũng chỉ nên hướng vào một thông điệp hoặc sự kiện hoặc nhân vật.
25. Theo dõi tỷ lệ tương tác, lượt xem và số nhấp chuột
Theo dõi hiệu quả sử dụng video trên các nền tảng là điều rất cần thiết, cho dù bạn chạy chiến dịch video trả phí hay tải lên video thông thường. Công cụ Insights của Facebook hiển thị một cột cho phép bạn nắm được số người xem video, số lượt xem trong vòng 10 giây, tỷ lệ tiếp cận và nhiều hơn nữa.
Công cụ Analytics của Twitter hiển thị số lượt xem video trong vòng 28 ngày qua, thông tin về lượt video và tỷ lệ lượt xem trên toàn bộ thời lượng quảng cáo (video completion rate) cho từng video, số phút trung bình mà người dùng dành để xem video mỗi ngày.
Công cụ Analytics của YouTube hiển thị thông tin về số lượt xem, thời lượng xem trung bình, doanh thu ước tính, tỷ lệ tương tác như bình luận, lượt like hay dislike.
Hãy tập trung vào số lượt chia sẻ, tổng các tương tác và số nhấp chuột vào site của bạn. Số nhấp chuột có thể được đo lường trong các chiến dịch quảng cáo video trên Facebook, Twitter, Instagram, Pinterest và có thể được đánh giá trên tất cả các video YouTube nếu người dùng nhấp chuột vào dòng chú thích qua Google Analytics.
26. Lựa chọn ảnh thumbnail thật hấp dẫn
Trên News Feed, ảnh thumbnail (ảnh thu nhỏ) là thứ đầu tiên mà người dùng nhìn thấy khi video xuất hiện. Lựa chọn ảnh thumbnail phù hợp sẽ tạo ra sự khác biệt vô cùng lớn quyết định liệu khách hàng có nhấp chuột/chạm vào nút Play (phát) hay không.
Đây là cơ hội duy nhất để bạn lôi kéo người dùng xem video của mình nên đừng đánh mất nó. Hãy chọn ảnh thumbnail với hình ảnh thật sống động và thú vị.
Tổng kết
Nếu vẫn chưa sử dụng video trong các chiến dịch marketing trên mạng xã hội thì hãy sử dụng ngay bây giờ. 1/3 hoạt động trực tuyến là xem video và 90% người dùng nói rằng họ thấy các video quảng cáo sản phẩm rất hữu ích để ra quyết định mua hàng.
Trên đây là 26 tip đơn giản có thể giúp bạn tăng tỷ lệ tương tác, tỷ lệ chuyển đổi và tiếp thị thương hiệu chỉ với một vài thay đổi nhỏ. Nếu có bất kỳ một thủ thuật nào khác hoặc muốn chia sẻ suy nghĩ của mình thì đừng ngần ngại để lại bình luận phía dưới nhé.
Chúc bạn thành công!