Virtual PC 2004 hay VMware Workstation 4.5?

VMware Workstation và Virtual PC là hai phần mềm tạo máy ảo quen thuộc nhưng để chọn lựa được dễ dàng, bạn cần tìm ra điểm tương đồng, khác biệt, điểm mạnh cũng như điểm yếu giữa chúng.

Giới thiệu

Máy ảo (virtual machine) chắc chắn không phải là 'trò chơi' phổ thông và hoàn toàn không phù hợp với người dùng không cần chạy nhiều hệ điều hành (HĐH) trên một máy và e ngại sự mạo hiểm.


Ba máy ảo chạy 3 hệ điều hành khác nhau

Vậy thì máy ảo phù hợp với ai? Giả sử bạn là một lập trình viên, bạn muốn kiểm tra chương trình của mình trên nhiều môi trường khác nhau. Theo cách truyền thống, bạn phải cài đặt tất cả các môi trường (HĐH) thử nghiệm và mỗi lần chỉ thử đuợc trên một môi trường. Mỗi khi muốn kiểm tra, bạn lại phải tắt HĐH đang dùng và khởi động HĐH thử nghiệm ... Khá nhiêu khê và mất thời gian! Công việc trên sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều nếu bạn cài đặt một phần mềm tạo máy ảo và có một vài HĐH ảo trên máy chủ. Trong trường hợp này, bạn có thể dễ dàng chuyển đổi qua lại giữa các HĐH ảo chỉ bằng một hai cú nhấn chuột.

Cho dù không phải là lập trình viên, có lẽ bạn cũng có lúc cần tới máy ảo. Chẳng hạn, HĐH của bạn là Windows XP mà bạn lại cần chạy một chương trình chỉ hoạt động trên Linux hoặc BeOS. Hoặc giả sử, sau khi nâng cấp lên Windows XP, bạn phát hiện ra một trò chơi ưa thích của mình không thể hoạt động trong HĐH mới.

Để có thêm thông tin về máy ảo và việc cài đặt HĐH trên máy ảo, bạn có thể tham khảo bài viết 'Cài đặt nhiều HĐH trên máy ảo' đăng trên TGVT A 6/2002.

Hiện nay, có 2 phần mềm tạo máy ảo được đông đảo người dùng ưa chuộng là VMware Workstation của VMware và Virtual PC của Microsoft. VMware Workstation có các phiên bản chạy trên nền máy chủ Windows hoặc Linux. Còn Virtual PC hiện chỉ hỗ trợ cài đặt trên nền máy chủ từ Windows 2000 trở lên. Tuy vậy, cả 2 phần mềm đều cho phép cài đặt nhiều HĐH khác nhau trên các máy ảo. Cho dù có một số khác biệt mang đặc thù riêng nhưng cả 2 phần mềm này đều hoạt động khá hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng.

Cũng cần nói thêm là Virtual PC trước đây thuộc sở hữu của hãng Connectix nhưng đã được Microsoft mua lại vào đầu năm 2003. Connectix đã rất nổi tiếng với Virtual PC 5.0 hỗ trợ cả máy chủ Windows và Linux, nhưng khi mua phần mềm này từ Connectix, Microsoft chỉ tung ra bản Virtual PC mới hỗ trợ máy chủ Windows 2000 trở lên.

Trong bài viết này, chúng tôi tiến hành thử nghiệm hoạt động của Microsoft Virtual PC 2004 (viết tắt là VPC) và VMware Workstation 4.5 (VMW) trên máy chủ (PC) chạy HĐH Windows XP Professional. Cả hai phần mềm này đều là những phần mềm thương mại và giá của chúng rất cao. VPC (18,9 MB) của Microsoft có mức giá dự kiến là 129 USD; VMW 4.5 (33,3 MB - phiên bản dành cho Windows) có giá 510 USD. Tuy nhiên, may mắn là cả 2 phần mềm trên đều cho phép dùng thử với đầy đủ tính năng: 45 ngày với VPC và 30 ngày với VMW. Nếu chỉ dừng ở nhu cầu thử nghiệm thì thời gian này thỏa đáng. Bạn đăng kí dùng thử và tải xuống phần mềm từ website của 2 hãng Microsoft (http://www.microsoft.com/windowsxp/virtualpc/) và VMware (http://www.vmware.com/).

Tổng quan

Cả VMW và VPC đều có cơ chế hoạt động khá giống nhau nhưng mỗi phần mềm có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Nói chung VMW tỏ ra nhanh hơn, hỗ trợ đồ họa tốt hơn nhưng lại chiếm CPU nhiều hơn VPC. Ngược lại, VPC tỏ ra dễ dùng và thân thiện hơn. Trên VPC, mọi HĐH khách và các ứng dụng liên quan đều được cài đặt nhanh chóng và dễ dàng. Mặc dù trong phần giới thiệu, Microsoft chỉ nêu tên những HĐH thuộc họ Windows mới được hỗ trợ trên máy ảo VPC, song trên thực tế VPC 2004 vẫn hỗ trợ tốt các HĐH khác như Linux hoặc OS/2. Trong VPC 2004, tất cả các HĐH không thuộc họ Windows được gọi là 'Other'.

Theo chúng tôi, cách mà VPC giả lập phần cứng tỏ ra đơn giản nhưng khá hiệu quả. Ví dụ, phần mềm này giả lập card màn hình của PC chủ là S3 Trio 32/64 và card âm thanh là Sound Blaster 16. Điều này giúp cho việc cài đặt các HĐH khách trên máy ảo cũng như việc cấu hình sau đó dễ dàng hơn nhiều vì bạn có thể tìm thấy các trình điều khiển (driver) cho các thiết bị thông dụng một cách dễ dàng. Giải pháp của VMW cho vấn đề này là cung cấp một trình điều khiển thiết bị riêng, mà không giả lập như VPC. Thông thường, sau khi hoàn tất việc cài đặt HĐH khách, phần mềm này sẽ đề nghị bạn chạy VMware Tools (bộ công cụ bổ sung) để tối ưu hóa nhiều thành phần khác nhau, trong đó có các điều khiển đồ họa.

Thử nghiệm
Microsoft vitual PC 2004

Nói chung, VPC chạy rất ổn định và việc cài đặt các HĐH khách trên máy ảo tỏ ra rất đơn giản. Thậm chí, việc cài đặt các HĐH khách trên máy ảo cũng dễ như khi bạn cài đặt một ứng dụng thông thường trên Windows. Trước khi bắt đầu, bạn cần lưu ý cách dùng một số tổ hợp phím sau (theo mặc định):

- Alt (phím phải) + Enter: chạy HĐH khách ở chế độ toàn màn hình hay chế độ cửa sổ.

- Alt (phím phải): chuyển quyền điều khiển về cho HĐH chủ (khi đang ở HĐH khách)


Card màn hình và card âm thanh trên máy ảo chạy Windows 98

Khi bạn chạy VPC lần đầu tiên, chương trình sẽ hỏi bạn một loạt câu hỏi liên quan tới HĐH cần cài đặt và các cấu hình liên quan. Bạn có thể tăng hay giảm dung lượng bộ nhớ dành cho từng máy ảo. VPC cho phép bạn rút ngắn thời gian cài đặt HĐH khách nếu bạn có một bản sao lưu Ghost của HĐH.

Chúng tôi cài đặt 3 HĐH khách là Windows 98, Vietkey Linux 3.0 và Mandrake 9.0 trên 3 máy ảo khác nhau theo cách truyền thống (cài 'sạch' từ đĩa CD). Dĩ nhiên, 3 hệ thống được giả lập trên 3 máy ảo không mạnh như PC chủ nhưng chúng tôi thấy khá thoải mái khi chạy các ứng dụng cơ bản trên các máy ảo này.

Về âm thanh, có thể nói VPC đã giả lập hệ thống âm thanh rất tốt trên các hệ thống Windows. Chúng tôi không gặp trục trặc gì với phần cứng giả lập SoundBlaster 16 or AWE-32 or compatible trên hệ thống Windows 98. Tuy nhiên, Vietkey Linux 3.0 và Mandrake 9.0 lại không thể nhận ra card âm thanh.

Về màn hình và card đồ họa, Windows 98 cũng không gặp trục trặc gì. Sau khi cài Virtual Machine Additions (bộ công cụ bổ sung), tốc độ và năng lực đồ họa của HĐH được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, các thiết bị này lại không được VPC giả lập tốt trong các HĐH họ Linux. Trong khi Vietkey Linux nhận màn hình PC (Samsung Syncmaster 450Nb) và card màn hình là 'S3 Trio 64' dưới dạng tổng quát thì Mandrake lại không thể tự thiết đặt màn hình và card đồ họa để hiển thị tốt. Chúng tôi đã phải cấu hình các thiết bị này bằng cách thủ công. Vì Virtual Machine Additions chỉ cài đặt được trên các HĐH khách họ Windows nên các HĐH họ Linux không tận dụng được những tính năng hỗ trợ mà phần bổ sung này mang lại.



Lướt web từ máy ảo chạy Mandrake

VPC cung cấp 2 phương thức kết nối mạng là Shared Neworking with Network Address Translation và Local Only. Trong đó, Shared Neworking là phương thức phù hợp với người dùng thông thường và tương đối dễ cấu hình. Bạn có thể dễ dàng cấu hình để kết nối Internet hoặc mạng LAN từ ngay chính máy khách chạy HĐH Windows hay Linux. Nếu dùng Shared Neworking thì bạn chỉ cần kết nối Internet từ PC chủ và sau đó mở một trình duyệt trên HĐH khách và thoải mái 'lướt' web.

VPC hỗ trợ tốt việc cắt-dán và kéo-thả giữa máy chủ với máy khách Windows với điều kiện bạn phải cài thêm Virtual Machine Additions. Để có được các tính năng này, bạn vào menu PC của máy khách cài HĐH Windows và chọn 'Install or Update Virtual Machine Additions', rồi vào máy khách để bắt đầu quá trình cài đặt. VPC 2004 chưa hỗ trợ việc cắt-dán và kéo-thả giữa máy chủ và máy khách chạy các HĐH Linux. Việc sử dụng Shared Folder cũng chỉ chạy tốt trong môi trường Windows mà không thể thực hiện được giữa máy ảo chạy HĐH Linux và máy chủ chạy Windows XP. Bạn cũng cần lưu ý, nếu tắt (shut down) HĐH trên máy khách từ menu của VPC thì coi như bạn đã rút phích cắm điện của máy tính. Hậu quả là khi khởi động lần sau HĐH sẽ phải kiểm tra lỗi đĩa khá lâu. Theo chúng tôi, bạn có thể chọn chế độ 'Action - Close - Save state' hoặc tắt HĐH từ ngay chính trong HĐH khách.

Bạn có thể cấp hay gỡ bỏ quyền sử dụng ổ CD hay ổ đĩa mềm cho HĐH khách trên máy ảo bằng cách nhấn vào menu 'CD' hay 'floppy'. Khi HĐH khách sử dụng ổ CD hay đĩa mềm, HĐH chủ sẽ không nhận ra 2 ổ này và ngược lại.


Undo Disks của VPC

VPC cung cấp một tính năng khá thú vị, đó là 'Undo Disks'. Tính năng này hoạt động tương tự như 'System Restore' của Windows ME, XP. Khi 'Undo Disks' được kích hoạt, một file 'hoàn tác' (undo) riêng sẽ được tạo ra để ghi lại mọi thay đổi của đĩa cứng ảo, và nhờ đó bạn có thể trở lại mội vị trí an toàn khi hệ thống ảo gặp trục trặc.

Bạn có thể tiếp cận hầu hết các tính năng nêu trên ở menu chính phía trên của VPC. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thanh công cụ của VPC ở phía dưới cửa sổ chương trình. Thanh công cụ này cho biết tình trạng của ổ cứng ảo, ổ CD, ổ đĩa mềm, các thư mục chia sẻ hoặc mạng LAN ảo. Thanh công cụ này sẽ bị ẩn nếu bạn thiết đặt chế độ toàn màn hình cho máy ảo.

Nhìn chung, bạn không thể đòi hỏi máy ảo chạy nhanh như máy thật. Trong nhiều trường hợp, tốc độ trên máy ảo chỉ bằng một nửa tốc độ trên máy chủ. Tuy vậy, chúng tôi đã thử chạy một số ứng dụng trên các máy ảo VPC và nhận thấy chúng đều hoạt động tốt, đáp ứng được các yêu cầu cơ bản. Trong thử nghiệm của chúng tôi, các ứng dụng chạy trên Windows 98 tỏ ra nhanh và ổn định nhất. Còn các ứng dụng trên máy ảo Vietkey Linux 3.0 chạy chậm nhất.

VMWare Workstation 4.5

Việc cài đặt VMW rất đơn giản, và việc cấu hình cũng không đòi hỏi người dùng phải có nhiều kinh nghiệm. Nói chung, bạn nên làm theo những gợi ý của VMW.

Mặc định, dung lượng của phân vùng mà VMW cần cho mỗi máy ảo là 4GB. Bạn cũng có thể thay đổi lượng RAM dành cho máy ảo để tăng hoặc giảm hiệu suất làm việc của HĐH trên máy ảo. Hãng VMware có bán ảnh đĩa các HĐH để cài đặt trên máy ảo. Nếu bạn có các ảnh đĩa này thì chỉ việc sao chép chúng vào các phân vùng ảo vừa tạo và có thể dùng chúng được ngay. Tuy nhiên, cách tự cài đặt HĐH trên máy ảo vẫn phổ biến hơn cả.

Để bắt đầu, bạn cần lưu ý một số tổ hợp phím tắt sau (theo mặc định):

- Ctrl+Alt+Enter: chạy HĐH khách ở chế độ toàn màn hình hay cửa sổ.

- Ctrl+Alt: chuyển quyền điều khiển về cho HĐH chủ (khi đang ở HĐH khách)

Cũng giống như với VPC, chúng tôi cài đặt Windows 98, Vietkey Linux 3.0 và Mandrake Linux 9.0 trên máy chủ chạy Windows XP Profesional. Quá trình cài đặt cả 3 HĐH từ đĩa CD khởi động diễn ra thông suốt, không gặp trục trặc gì.


Card âm thanh và card màn hình trong Mandrake

Khác với VPC, VMW cung cấp một trình điều khiển đồ họa riêng. Khi bạn cài đặt xong một HĐH khách (ví dụ như Windows 98), bạn chỉ có độ phân giải 640 x 480 với 16 màu. VMW sẽ luôn hiển thị một thông báo về việc bạn chưa cài đặt trình điều khiển đồ họa cho HĐH khách. VMware gọi trình điều khiển này là 'VMware Tools'. Đối với Windows 98, sau khi cài đặt VMware Tools bạn sẽ có 16 bit màu hoặc hơn và độ phân giải cao hơn 640 x 480. Trong trường hợp của Vietkey Linux 3.0 và Mandrake Linux 9.0, khả năng về đồ họa tỏ ra xuất sắc khi không cần cài đặt VMware Tools để tăng cường năng lực đồ họa.

Riêng việc giả lập phần cứng âm thanh, khác với VPC, VMW không thực hiện tốt việc này cho Windows 98. HĐH này không tự nhận ra card âm thanh trong khi 2 HĐH Linux lại làm rất tốt điều này. Chúng tôi nhận thấy rằng VMW đã tỏ ra khá sắc sảo trong việc cung cấp trình điều khiển đồ họa riêng, không phụ thuộc một phần cứng cụ thể nào. Tuy nhiên, với âm thanh thì dường như phần mềm tạo máy ảo này lại tỏ ra ưu ái các HĐH Linux hơn.

Trong khi VPC chưa hỗ trợ cổng USB từ máy khách thì VMW hỗ trợ tốt việc giả lập cổng USB. Cả 3 HĐH đều nhận ra và chấp nhận các thiết bị gắn kết với máy ảo qua cổng này.

Về mạng nội bộ, VMW cung cấp tới 4 phương thức kết nối: 'Bridged Connection', 'Network Address Translation', 'Host Only' và 'Custom'. 'Bridged Connection' cho phép máy ảo trực tiếp kết nối với mạng LAN hoặc Internet. 'Network Address Translation' cho phép máy ảo kết nối mạng bằng cách dùng chung địa chỉ IP của máy chủ. 'Host Only' tạo một mạng riêng mà trong đó máy chủ được coi như một máy tính tách rời. Với 'Custom', bạn có thể tạo một mạng ảo theo những yêu cầu cụ thể. Chúng tôi sử dụng phương thức 'Network Address Translation' và nhận thấy việc kết nối mạng không gặp bất kỳ khó khăn gì trong cả 2 môi trường Windows và Linux.

VPC đòi hỏi 2 cửa sổ chương trình: một cho việc quản lí các máy ảo, một cho từng máy ảo. Ngược lại, VMW lại gộp cả 2 cửa sổ trên vào làm một. Tuy nhiên, VPC cung cấp menu của cửa sổ chương trình đơn giản hơn của VMW. Cả 2 phần mềm đều cho phép thực hiện tất cả các thao tác cấu hình chi tiết thông qua menu chính, song bạn cũng có thể trực tiếp thực hiện một số thiết đặt thông qua các biểu tượng ở thanh trạng thái phía dưới.


Hỗ trợ cổng USB

Tương tự như trong VPC, việc cắt-dán hay kéo-thả giữa máy chủ và máy khách hoạt động rất tốt trong môi trường Windows nhưng lại không thực hiện được trong môi trường Linux. Bạn cũng có thể sử dụng 'Shared Folder' để chia sẻ file giữa máy khách và máy chủ tuy nhiên tính năng này không được hỗ trợ ở một số HĐH khách (chẳng hạn, Windows 98). Bên cạnh đó, việc sử dụng 'Shared Folder' cũng phụ thuộc vào HĐH chủ: bạn không thể chia sẻ file nếu chưa được HĐH chủ cấp quyền (permission). Trong khi VPC đưa ra tùy chọn cho phép bạn cấp hay gỡ bỏ quyền sử dụng ổ CD hay ổ đĩa mềm cho HĐH trên máy ảo thì VMW lại mặc định cho HĐH khách chiếm luôn quyền kiểm soát các thiết bị này từ HĐH chủ. Tất nhiên, khi HĐH khách sử dụng ổ CD hay đĩa mềm, HĐH chủ sẽ không nhận ra 2 ổ này và ngược lại.

Giống như ở VPC, bạn cũng cần chú ý nếu tắt (shut down) HĐH trên máy khách từ menu hoặc biểu tượng của VMW thì coi như bạn đã tắt điện nguồn của máy tính. Theo chúng tôi, bạn có thể chọn chế độ 'Power - Suspend' (tương tự như Hibernate của Windows XP) hoặc tắt từ ngay chính trong HĐH khách.

Nhìn chung, các ứng dụng trên máy ảo VMW đều chạy khá tốt, đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của người dùng. Song cũng giống như với VPC, bạn đừng mong đợi máy ảo VMW có tốc độ xử lí các tác vụ nhanh như máy chủ.

Kết luận

Mặc dù có những ưu, khuyết điểm riêng nhưng nhìn chung cả VPC và VMW đều thực hiện khá tốt nhiệm vụ. Nói chung, nếu bạn cần một phần mềm tạo máy ảo đáng tin cậy và hỗ trợ tốt cho các HĐH họ Windows thì VPC là lựa chọn số một. Còn nếu bạn ưa thích tốc độ, tính uyển chuyển và khả năng hỗ trợ toàn diện Linux thì VMW xứng đáng là lựa chọn đầu tiên.

Trên đây là những thử nghiệm cơ bản nhưng chưa phải là toàn diện về 2 phần mềm tạo máy ảo Virtual PC 2004 của Microsoft và VMware Workstation 4.5 của VMware. Hi vọng những kết luận mà chúng tôi rút ra có thể giúp bạn phần nào trong việc lựa chọn một phầm mềm tạo máy ảo phù hợp với yêu cầu công việc của mình.

Nguyễn Việt Khoa
Đại học Bách khoa Hà Nội

CẤU HÌNH YÊU CẦU

Để cài đặt VMW và VPC, PC của bạn cần trang bị
Bộ xử lý: Pentium III 733 MHz
RAM: 380 MB
Card màn hình: NVIDIA GeForce 4MX 440 AGP 8X 128 MB
Ổ cứng: 40GB
HĐH: Windows XP Professional

Thứ Sáu, 17/09/2004 10:04
31 👨 2.319
0 Bình luận
Sắp xếp theo