Suy thoái kinh tế đe dọa trung tâm dữ liệu

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay có thể làm được một điều mà ngay cả sự cố Y2K trước đây không thể. Đó là khiến các trung tâm dữ liệu ngừng hoạt động.

Trong những năm cuối cùng của thập niên 90, các doanh nghiệp đã phải đổ hàng chục triệu USD chỉ để phục vụ cho việc sửa chữa một vài mã lệnh nhằm bảo đảm các hệ thống không gặp trục trặc khi bước sang ngày đầu tiên của thế kỷ 21.

Nhưng tình hình hiện tại lại hoàn toàn khác với thời điểm đó. Khủng hoảng kinh tế đã khiến các doanh nghiệp không chỉ thiếu chi phí mà còn phải đối mặt với áp lực làm thế nào để cắt giảm được nhiều chi phí không cần thiết nhất.

Hiệp hội các nhà quản lý trung tâm dữ liệu AFCOM khẳng định đó thực sự là một nguy cơ rất lớn đối với các trung tâm dữ liệu hiện nay.

Nguy cơ hiển hiện

Dự trên kết quả một cuộc khảo sát trực tiếp ngay trong số các thành viên của hiệp hội, AFCOM nhận định, nếu như tình trạng cắt giảm chi phí vẫn tiếp diễn thì chỉ trong khoảng 5 năm nữa thôi các trung tâm dữ liệu sẽ bắt đầu gặp trục trặc.

Cụ thể, cứ trong 4 trung tâm dữ liệu thì sẽ có 1 bị gặp trục trặc. Trục trặc ở đây có thể khiến toàn bộ trung tâm dữ liệu ngừng hoạt động hoặc chỉ một bộ phận nào đó. Song như thế cũng đã có thể đủ để khiến doanh nghiệp phải điêu đứng.

Leonard Eckhaus – cựu chủ tịch của AFCOM – khẳng định nguy cơ trung tâm dữ liệu chết đứng đang ngày một tăng lên theo mức độ suy thoái của nền kinh tế. “Chúng tôi tin chắc rằng tình hình sẽ còn tội tệ hơn nữa trong tương lai gần”.

Để có được những kết quả trên đây AFCOM đã phải thực hiện liên tiếp hai cuộc khảo sát khác nhau trong cộng đồng các nhà quản lý trung tâm dữ liệu. Một cuộc được tiến hành hồi tháng 5 năm ngoái với sự tham gia 300 nhà quản lý trung tâm dữ liệu. Tiếp đến trong tháng 8 – thời điểm mà kinh tế bắt đầu suy thoái mạnh mẽ - AFCOM tiếp tục tiến hành cuộc khảo sát số hai với sự tham gia của 133 nhà quản lý trung tâm dữ liệu.

Có tới gần một nửa các nhà quản lý trung tâm dữ liệu cho biết các phương án cắt giảm chi phí đều đã được lên kế hoạch đầy đủ. Cụ thể, chi phí đầu tư bảo mật trung tâm dữ liệu bị cắt giảm 6,1% và chi phí bảo mật dữ liệu bị giảm 4,5%.

12% trong số các nhà quản lý trung tâm dữ liệu được hỏi cũng thừa nhận việc cắt giảm chi phí hoàn toàn có thể dẫn tới việc trung tâm dữ liệu gặp trục trặc.

Quan chức AFCOM còn khẳng định cuộc khủng hoảng kinh tế còn làm trầm trọng hơn vấn đề tìm kiếm được nguồn nhân lực có kỹ năng và kinh nghiệm cho các trung tâm dữ liệu. Hầu hết những nhân lực đang làm việc trong các trung tâm dữ liệu hiện nay đều là những người đã làm việc lâu năm và được đào tạo phục vụ công việc rất nhiều.

Trong khi đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho trung tâm dữ liệu lại hiện chưa được chú trọng. Cuộc khủng hoảng kinh tế còn khiến các kỹ năng cần thiết làm việc tại trung tâm dữ liệu càng không hấp dẫn giới trẻ. Đa phần hiện họ đều tập trung đến những kỹ năng có thể giúp họ dễ dàng tìm được việc làm nhất trong điều kiện kinh tế khó khăn và liên tục phải cắt giảm nhân viên như hiện nay.

Hậu quả trực tiếp từ vấn đề này là nguồn nhân lực cho các trung tâm dữ liệu đang ngày một già đi và không có nguồn thay thế.

Không thể không cắt

Hãng nghiên cứu thị trường Gartner khẳng định việc cắt giảm chi phí trong điều kiện hiện nay có thể nói là một điều không thể không diễn ra. Và thực tế nó đã diễn ra trong suốt thời gian qua.

Dù biết rằng có nguy cơ đi kèm theo nhưng vấn đề sống còn phải phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược hoạt động của doanh nghiệp vừa phải hạn chế nguy cơ và rủi ro vừa giúp doanh nghiệp có thể đứng vững cũng như vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

42% trong số các lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO) doanh nghiệp tham gia vào một cuộc khảo sát mới đây của Gartner khẳng định chi phí đã bị cắt giảm khá nhiều trong quý I năm nay. Cụ thể mức cắt giảm chi phí trung bình khoảng 4,7%.

Cuối năm ngoái hầu hết các CIO đều hi vọng rằng chi phí công nghệ thông tin trong quý I năm nay sẽ tăng thêm khoảng 0,16%. Tuy nhiên điều kiện kinh tế ngày càng khó khăn khiến áp lực cắt giảm chi phí tăng cao.

Hệ quả là có tới 54% số các CIO được hỏi cho biết chi phí cho CNTT vẫn được duy trì như năm ngoái không thay đổi. Chỉ có duy nhất 4% CIO được hỏi cho biết chi phí CNTT ở doanh nghiệp họ mới đây đã được tăng thêm 4%.

7,2% là mức cắt giảm chi phí CNTT trung bình ở tất cả những doanh nghiệp buộc phải cắt giảm đầu tư cho lĩnh vực này. Nếu tính tất cả doanh nghiệp – cả cắt đến không cắt giảm chi phí CNTT – thì mức cắt giảm chi phí CNTT trung bình ở mức 4,7%.

Những kết quả trên đây được rút ra từ cuộc khảo sát 900 CIO trên toàn cầu của Gartner trong hai tháng 3 và 4 vừa qua. Kết quả từ cuộc khảo sát này sau đó được dùng để đối chiếu so sánh với một cuộc khảo sát tương tự thực hiện trong 4 tháng liên tiếp – từ tháng 9 đến hết tháng 12 năm ngoái – đối với hơn 1.500 CIO.

Việc cắt giảm chi phí diễn ra đối với mọi thành phần doanh nghiệp không hề chịu tác động của bất kỳ yếu tố nào như quy mô doanh nghiệp, vị trí địa lý, ngành nghề kinh doanh…Chỉ duy nhất chi phí CNTT của ngành y tế là có tăng trong quý I năm nay.

Rất nhiều các CIO hi vọng chi phí CNTT trong 3 quý còn lại của năm nay sẽ không bị cắt giảm thêm nữa và hi vọng kinh tế thế giới sẽ bắt đầu cho thấy những dấu hiệu phục hồi đầu tiên. Còn nếu kinh tế không phục hồi thì khả năng cắt giảm chi phí sẽ vẫn còn có mặt trên bàn lãnh đạo doanh nghiệp.

Có một dấu hiệu đáng mừng là hiện hầu hết các CIO đều đã bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng cho việc tăng thêm nguồn chi phí CNTT cho các dự án cũng như nguồn nhân lực một khi kinh tế phục hồi. Đây đang được xem là ưu tiên hàng đầu ở không ít doanh nghiệp.

Phần mềm, phần cứng và đầu tư cơ sở hạ tầng là những lĩnh vực được các CIO đặt ưu tiên hàng đầu phải nhanh chóng thực hiện ngay khi kinh tế phục hồi.

Thứ Sáu, 12/06/2009 08:44
31 👨 437
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp